Giữa khó khăn vẫn ủ mầm hy vọng

Tăng trưởng ảm đạm đang phủ những gam màu xám lên bức tranh kinh tế Việt Nam. Nhưng đâu đó ở những góc phố con đường người ta vẫn nghe thấy câu chuyện về hy vọng. Bất chấp những mối lo, các tài xế xe công nghệ, 'người kể chuyện phố phường', vẫn đang từng ngày tạo nên nhịp sống sôi động ở các thành phố lớn.

Với túi phụ kiện nhỏ gọn và chiếc điện thoại thông minh kẹp cố định trên ghi đông xe máy, những người chạy xe ôm thời @ là minh chứng sống động cho tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế số tại Việt Nam. Trước dịch Covid-19, gọi xe qua ứng dụng điện thoại thông minh là một trải nghiệm mà ai cũng muốn thử, và trò chuyện với khách hàng về công việc mới mẻ này trở thành một kỹ năng mà bác tài nào thời điểm đó cũng cần.

Tài xế xe công nghệ chở khách ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Đạt Thành

Giờ đây, nền kinh tế đang chật vật tìm lại đà tăng trưởng trước những khó khăn kéo dài hậu đại dịch. Cơ hội việc làm ít đi, lao động mất việc nhiều hơn, còn số lượng người chạy xe công nghệ tăng lên theo từng đợt sa thải. Trên phố, câu chuyện của các bác tài trong những cuốc xe hình như cũng đang mang một sắc thái khác: chật vật, bấp bênh, nhưng vẫn thầm ấp ủ hy vọng về cuộc mưu sinh giữa lòng thành phố.

Một hành trình, một câu chuyện

Anh Minh, 40 tuổi, từng quản lý một đội thi công hơn chục người. Trước Tết, người đàn ông quê ở Hà Nam này buộc phải cho nhân công nghỉ do thiếu công trình. Trong thời điểm ngành bất động sản đang trải qua chu kỳ khủng hoảng về nguồn cung và thanh khoản, công việc chạy xe công nghệ, dù không mang lại mức thu nhập như xưa, nhưng đủ giúp anh đỡ đần người vợ. “Trước đây mình trả anh em mỗi ngày 500.000-600.000 đồng, giờ hàng ngày chạy cố may ra cũng được khoảng 400.000-500.000 đồng. Đó là chưa bao gồm các chi phí”, anh nói.

Dù vậy, sự phấn khởi ban đầu không kéo dài lâu. Vật giá leo thang trong khi lượng khách sụt giảm khiến thu nhập của anh chỉ còn duy trì ở mức đủ sống. Anh đã bàn với vợ cố trụ lại TPHCM xuyên Tết Giáp Thìn để tranh thủ chạy xe tăng thêm thu nhập. Đợi những ngày cao điểm đi qua và giá vé máy bay giảm xuống, gia đình anh sẽ sắp xếp về thăm ông bà.

Chú Hoàng Dũng, một tài xế xe công nghệ lớn tuổi ở TPHCM, cũng có trải nghiệm công việc không mấy dễ chịu. Từ khi bắt đầu đăng ký chạy xe, chú vẫn đều đặn đón trả khách khắp các quận trung tâm thành phố. Gương mặt người đàn ông trong những ngày này sạm đi vì cái nắng tháng 4, nhưng ông vẫn không dám bỏ cuốc nào vì sợ ảnh hưởng đến điểm thưởng, nhất là khi các tài xế đang cạnh tranh gay gắt.

Có lúc, cuốc xe mới xuất hiện ngay khi ông chỉ vừa đến điểm trả khách trước đó. Không kịp uống nước để giải nhiệt đầu giờ chiều, ông vội vã xác nhận rồi lại phóng xe đến địa điểm đón khách, thậm chí còn đi sai đường vì những cơn say nắng thoáng qua. Do chỉ di chuyển trong địa bàn quận 1, giá cước của cả hai cuốc xe chưa đến 40.000 đồng.

Trên thực tế, các vấn đề mà anh Minh và chú Dũng phải đối mặt là một phần trong số những khó khăn của các tài xế chạy xe công nghệ ở Việt Nam. Theo số liệu trên báo Dân Trí, vào cuối năm 2023, số lượng tài xế xe công nghệ của Grab là 300.000, của Be là 300.000, trong khi hãng xe điện Xanh SM Bike vừa ra mắt ước tính có khoảng 90.000(1). Càng nhiều xe, khách hàng càng thuận tiện hơn trong việc đặt chuyến, nhưng với các tài xế, đó là câu chuyện khác.

Thu nhập thất thường do phụ thuộc vào giá cả, thời gian, số lượng khách hàng, cạnh tranh ngày càng tăng và đôi khi là khúc mắc trong hoạt động chi trả của doanh nghiệp khiến công việc lái xe không thực sự tự do và thoải mái như nhiều người vẫn nghĩ. Bên cạnh đó, làm việc kéo dài trong môi trường nhiều khói bụi và tiếng ồn, bên cạnh những tác động từ yếu tố thời tiết và rủi ro tai nạn giao thông cũng khiến sức khỏe nhiều tài xế bị ảnh hưởng.

“Giờ làm gì cũng khó khăn”, chú Dũng nói.

Do đó, trong tình hình hiện tại, các giải pháp hỗ trợ người lao động đóng vai trò rất quan trọng. Đối với các công ty quản lý, những chính sách phù hợp trong thời điểm này có thể tập trung vào các khía cạnh tài chính, đồng thời bảo đảm tốt quyền lợi về bảo hiểm y tế, xã hội, an toàn lao động cho người lái xe.

Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cải tiến giải pháp công nghệ, vốn tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các công ty. Việc tối ưu hóa hoạt động, đảm bảo phân phối số lượng khách hàng đến số lượng tài xế phù hợp, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả chuyên chở là một yêu cầu cấp bách. Quan trọng hơn, phát triển các thuật toán hỗ trợ người lái xe tìm kiếm khách hàng, quản lý tài chính và đảm bảo lộ trình di chuyển an toàn cũng là một đòi hỏi hợp lý.

Lực đẩy từ hy vọng

Vừa lái xe, vừa dụi mắt, anh Minh nói: “Sắp tới mong lại có công trình. Giờ thì cứ ngày nào hay ngày đó, vì chạy luôn như này thì cũng không ổn”.

Có lẽ người thợ xây đang mải đuổi theo một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. Giả sử tình hình chưa được cải thiện, anh có thể tiếp tục chạy xe, có thể đổi nghề khác, hoặc kết hợp cả hai. Dù trong trường hợp nào, anh và người vợ cũng sẽ gồng gánh để cho các con sau này đỡ vất vả, cố gắng để tương lai của thế hệ mai sau tươi sáng hơn.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách, triển vọng tích cực đã xuất hiện, tiếp thêm hy vọng cho những người lao động như anh Minh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 5,5% trong năm 2024, tăng từ mức 5% năm 2023, nhờ sự gia tăng nhu cầu toàn cầu và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được phục hồi. Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ba năm tới, quay lại mức trung bình trước đại dịch vào năm 2026(2).

Theo các chuyên gia, các lĩnh vực như sản xuất và công nghệ được xem là động lực tăng trưởng tiềm năng trong nửa cuối năm 2024, với những dự báo đầy hứa hẹn(3). Đặc biệt, sự phục hồi được của ngành du lịch có thể tạo ra cú hích quan trọng cho nền kinh tế đô thị, nơi các dịch vụ xe công nghệ hoạt động mạnh mẽ nhất(4).

Triển vọng này càng có cơ sở với các chính sách gần đây cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Nỗ lực này bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và đầu tư trọng điểm vào hạ tầng giao thông, mang đến lợi ích trực tiếp cho ngành dịch vụ.

Trong những tháng sắp tới, dù lạm phát vẫn là mối lo, các chuyên gia dự đoán xu hướng tích cực khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Trong bối cảnh đó, các tài xế công nghệ có thể sẽ giảm bớt áp lực về chi phí nhiên liệu, số tiền tích lũy từ đó cũng được nâng cao.

Anh Thanh Trường, 21 tuổi, sau khi tốt nghiệp khoa điện – điện lạnh tại trường Cao đẳng nghề Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, đã lên TPHCM lập nghiệp. Với chiếc xe máy, Trường tranh thủ tăng thêm thu nhập sau những buổi làm việc ở một xưởng sản xuất trên địa bàn quận 8. Vài ba tiếng chạy xe giúp chàng thanh niên có chút tiền trang trải cuộc sống xa nhà vốn còn nhiều thiếu thốn.

Với Trường và những người bạn tốt nghiệp cùng khóa, cuộc sống thực tế hẳn khó khăn hơn nhiều so với thời còn ngồi ghế nhà trường. Dù vậy, có vẻ họ đã chuẩn bị tương đối đầy đủ hành trang để bước vào giai đoạn biến động chung, cả về kiến thức và tâm lý. “Chạy trên đường, thấy người ta đi làm, ai cũng ráng được thì mình ráng thôi”, Trường cười.

Dù vượt khó không phải là chuyện một sớm một chiều, chính hy vọng cùng quyết tâm của những người lao động đang là yếu tố mở đường cho triển vọng phục hồi của thị trường, nhất là trong thời buổi nền kinh tế đang ở những khúc quanh quan trọng khi đi tìm động lực tăng trưởng.

Tại những ngã tư, dòng người hòa cùng tiếng còi xe cũng chứa đầy những mong ước đời thường của cư dân. Họ có thể là những người cư trú ở TPHCM lâu năm, có thể là dân lao động nhập cư đang lo ổn định cuộc sống. Dù sao, thành phố này vẫn đủ chỗ cho hy vọng và cho những ước mơ an cư lạc nghiệp.

Với mỗi tài xế xe công nghệ, trong khi gấp rút hoàn thành chỉ tiêu mỗi ngày cho riêng mình, họ vô tình cùng nhau tạo nên nhịp sống nhiều sắc màu nơi đô thị. Thêm một lần chở khách và những món hàng trao tay, họ góp phần đưa nguồn lực kinh tế vào trong lưu thông, giúp kéo ngành sản xuất, dịch vụ của thành phố đi lên.

Dù còn nhiều trăn trở vì nhọc nhằn và thu nhập bấp bênh, những người lái xe nói riêng và người lao động nói chung vẫn thắp lên trong lòng mình chút hy vọng về ngày mai tươi sáng. Chính niềm tin đó sẽ là động lực quan trọng giúp nền kinh tế vượt khó giữa thời kỳ nhiều chông gai bây giờ.

Dạ Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giua-kho-khan-van-u-mam-hy-vong/