Hậu đối thoại Alaska: Trung Quốc đã thức tỉnh, và Mỹ cũng vậy

Với tiềm lực kinh tế và vị thế mới, Trung Quốc có thể triển khai đường lối đối ngoại cứng rắn hơn, song Mỹ và đồng minh sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

Trung Quốc thức tỉnh

Ngày 18/3, trong phiên đối thoại đầu tiên tại Alaska giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có nhiều phát biểu gây ấn tượng mạnh.

Ông khẳng định Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là “những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”, phản đối can thiệp nội bộ của Washington vào các vấn đề nội bộ trên và Mỹ “không đủ tư cách để nói chuyện trịch thượng với Trung Quốc”.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng hy vọng Mỹ sẽ thay đổi tâm lý “được ăn cả ngã về không”, từ bỏ hành động sai trái như “quyền tài phán dài hạn” hay ngưng lạm dụng an ninh quốc gia để can thiệp vào thương mại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Dương Khiết Trì đã có nhiều phát biểu gay gắt tại đối thoại với quan chức ngoại giao Mỹ tại Alaska. (Nguồn: Reuters)

Một ngày sau, quan chức ngoại giao cấp cao khác của Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã cũng gây chú ý không kém. Viết trên Twitter, ông đã nặng lời chỉ trích ông Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp, khẳng định Bắc Kinh sẽ có đáp trả các nghị sĩ Pháp bày tỏ hy vọng thăm Đài Loan (Trung Quốc).

Mới đây nhất, ngày 22/3, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt 4 quan chức và thực thể Trung Quốc về vấn đề Tân Cương (Trung Quốc), Trung Quốc đã ngay lập tức phản đòn. Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt 10 cá nhân của EU, trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể vì đã “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc” với Tân Cương.

Ba sự kiện này cho thấy thay đổi đáng kể trong cách hành xử của Trung Quốc. Tại đối thoại Alaska, ông Dương Khiết Trì nói rằng Mỹ và Trung Quốc, “hai nước lớn chúng ta” cần gánh vác trách nhiệm đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới. Có lẽ ông muốn khẳng định rằng giờ đây Trung Quốc đã ngang hàng với nước lớn là Mỹ và sẽ hành xử tương xứng với vị thế.

Mỹ và phương Tây từng mong muốn Trung Quốc sẽ hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, song với Bắc Kinh, trách nhiệm trên hết là khẳng định vị thế vững chắc của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chính vì lẽ đó, thời gian gần đây, các quan chức ngoại giao nước này đã sẵn sàng công khai thể hiện lập trường cứng rắn và không ngại đối đầu khi cần thiết, điển hình khi ông Dương trực tiếp chỉ trích Mỹ sử dụng vũ lực xâm lược quốc gia khác, tìm cách thay đổi chế độ, khiến người vô tội thiệt mạng, gây bất ổn tại khu vực và quốc tế.

Với tiềm lực và vị thế đang được khẳng định, đây sẽ là xu hướng hành xử của quan chức Trung Quốc thời gian tới.

Mỹ và phương Tây từng mong muốn Trung Quốc sẽ hành xử như một nước lớn có trách nhiệm, song với Bắc Kinh, trách nhiệm trên hết là khẳng định vị thế vững chắc của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Khi Mỹ trở mình

Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây rõ ràng sẽ không đứng nhìn Trung Quốc hành động.

Phát biểu trong đối thoại Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu “quan ngại sâu sắc” của Mỹ về các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, cũng như các hành vi “cưỡng ép kinh tế”, tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Ông cho rằng chúng đã đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn là nền tảng đảm bảo sự ổn định toàn cầu.

Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan khẳng định Mỹ không tìm kiếm xung đột, song sẵn sàng cạnh tranh không nhân nhượng và sẽ luôn đứng lên bảo vệ các nguyên tắc của mình, người dân và bạn bè.

Quan trọng hơn, cam kết của Mỹ không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn thông qua xây dựng, củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác nhằm chung tay kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nước là thành viên Bộ tứ với xung đột chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cạnh tranh về lợi ích không trực tiếp tại châu Á-Thái Bình Dương, nước còn lại là đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Trong khi ông Blinken trở về Alaska dự đối thoại, ông Austin đã tới Ấn Độ, thành viên khác của Bộ tứ với vai trò ngày một quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng. New Delhi hiện đang xung đột trực tiếp với Bắc Kinh tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và gián tiếp về lợi ích tại Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Ngay sau chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ấn Độ nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. (Nguồn: Getty Images)

Mới đây, ngay sau đối thoại tại Alaska, ngày 22/3, Mỹ đã bổ sung ông Vương Quân Chính, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) và ông Trần Minh Quốc, Cục trưởng Cục Công an Tân Cương (XPSB) vào danh sách trừng phạt các quan chức Trung Quốc có liên quan tới khu vực Tân Cương.

Cùng lúc, Anh cũng áp đặt trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc. Trước đó, EU đã có hành động tương tự với 4 quan chức và 1 công ty xây dựng của Trung Quốc.

Các động thái này cho thấy ba điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, chính quyền của ông Joe Biden sẽ duy trì lập trường ngày một cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, vốn được khởi xướng và định hình rõ nét hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Điều này được thể hiện rõ nét trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời, đối thoại tại Alaska và mới đây nhất là trừng phạt nhắm vào cá nhân, thực thể Trung Quốc.

Thứ hai, thực tế cho thấy trong năm 2020, dù chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề, song cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thống nhất rằng Washington cần mạnh tay hơn với Bắc Kinh. Ngày 23/2, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer cho biết đã chỉ đạo các ủy ban quốc hội soạn thảo dự luật về đầu tư phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo để “cạnh tranh với Trung Quốc và tạo nhiều việc làm mới ở Mỹ”.

Với quan điểm hiện nay của lưỡng đảng, dự thảo này nhiều khả năng sẽ được thông qua, qua đó góp phần thay đổi cục diện cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung.

Thứ ba, tuy duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, song thay vì dựa vào trừng phạt đơn phương như trước, chính quyền ông Joe Biden chủ trương triển khai chính sách thông qua việc phối hợp với đồng minh, đối tác để mang lại hiệu quả tối đa.

Bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời với trọng tâm củng cố quan hệ đồng mình, chuyến thăm châu Á của hai quan chức cấp cao Mỹ, phối hợp cùng EU trong trừng phạt Trung Quốc vừa qua cho thấy điều đó.

Tuy duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, song thay vì dựa vào trừng phạt đơn phương như trước, chính quyền ông Joe Biden chủ trương triển khai chính sách thông qua việc phối hợp với đồng minh, đối tác để mang lại hiệu quả tối đa.

Xét cho cùng, với tiềm lực và vị thế ngày một lớn, Trung Quốc có thể triển khai đường lối đối ngoại cứng rắn, quyết đoán hơn, song Mỹ và đồng minh sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Triển vọng quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới cũng vì thế mà xám màu hơn, đòi hỏi các quốc gia cần nhận thức đúng đắn, từ đó có quyết sách phù hợp, bảo vệ lợi ích trong một thế giới biến động, khó lường.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-doi-thoai-alaska-trung-quoc-da-thuc-tinh-va-my-cung-vay-140176.html