Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ qua sách tranh

'Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' là cuốn truyện bán hư cấu, giúp thiếu nhi dễ dàng tiếp nhận tri thức lịch sử.

Cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ sẽ được phát hành chính thức trên thị trường sau 10 ngày sự kiện giới thiệu hôm 22/4 diễn ra.

Vào sáng ngày 22/4, cuốn sách Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ đã được giới nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với độc giả. Đây là cuốn truyện bán hư cấu do hai tác giả Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long thực hiện. Nội dung của cuốn sách dựa vào luận án của Kiều Ly về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919) tại đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018.

Cuốn sách cho thấy những tiềm năng mới trong việc khai thác các công trình nghiên cứu khoa học và sử dụng thể loại bán hư cấu để truyền tải những kiến thức khoa học và lịch sử.

Tại sao lại sử dụng thể loại bán hư cấu cho sách lịch sử

Đối với các chủ đề về lịch sử, triết học, ngôn ngữ học... dòng sách phi hư cấu thường được ưu tiên để diễn giải chính xác các luận điểm của tác giả đưa ra. Trong nhiều năm trở lại đây, dòng sách phi hư cấu đang dần được trẻ hóa và ghi nhận các ấn phẩm được thể hiện thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Đặc biệt là các bộ truyện tranh khoa học theo từng lĩnh vực, nhân vật nổi tiếng, hiện tượng tự nhiên.

Hiểu được xu hướng đó, hai tác giả của Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ và Nhà xuất bản Kim Đồng đã quyết định sử dụng thể loại bán hư cấu cho câu chuyện về Cha Đắc Lộ hay (Alexandre De Rhodes). Đây là một dự án được ấp ủ từ lâu của Phạm Thị Kiều Ly. Từ ngày còn đi học, chị Ly đã thắc mắc tại sao "con cá" lại viết bằng chữ "c" còn "thước kẻ" lại viết bằng chữ "k". Sự tò mò này đã đưa Ly đến quá trình thực hiện luận án về hệ thống chữ Quốc ngữ.

Phạm Thị Kiều Ly, tác giả cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ chia sẻ tại buổi ra mắt. Ảnh: Đức Huy.

Không để câu chuyện về con chữ quê hương nằm im trên các trang luận án, Ly quyết định cùng Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện chuyển thể kết quả nghiên cứu của bản thân thành cuốn sách tranh dễ hiểu, dễ đọc. "Tôi quyết định sử dụng thể loại bán hư cấu bởi trong quá trình nghiên cứu trước đó, tôi thấy có những câu chuyện hay chỉ có thể mô tả bằng ngôn ngữ văn học. Nhờ thể loại này, tôi có thể đưa cảm xúc vào cuốn sách, thêm vào chi tiết mới như một số lời thoại để giải thích cho sự quên lãng trong lịch sử", tác giả Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ.

Còn đối với họa sĩ Tạ Huy Long, người minh họa nhiều cuốn sách như Lược sử nước Việt bằng tranh, Nam Hải dị nhân liệt truyện, lại cho rằng áp dụng thể loại bán hư cấu tạo ra những "khoảng mờ" để độc giả có thể thoải mái tưởng tượng hơn.

Câu chuyện về chữ Quốc ngữ được kể bằng điểm nhìn của Alexandre De Rhodes trong ngôi thứ nhất tạo cảm giác gần gũi, chân thực. Tác giả dễ dàng cho thấy tình yêu của vị mục sư với đất nước Việt Nam. Chẳng hạn, cuốn sách có chi tiết Cha Đắc Lộ tự nói với chính mình: "Thân xác tôi rời bỏ xứ An Nam, nhưng trái tim tôi thì còn mãi nơi này".

Không chỉ tạo nên không gian sáng tạo mới mẻ cho tác giả, thể loại bán hư cấu cho phép các kiến thức từ một luận án khoa học, hàn lâm đã trở nên gần gũi với đại chúng.

Tiềm năng khai thác công trình nghiên cứu khoa học

Theo nhận định của bà Hoàng Thanh Thủy (Trưởng ban biên tập sách khoa học của Nhà xuất bản Kim Đồng), không chỉ các luận án nước ngoài, những công trình nghiên cứu khoa học trong nước cũng có giá trị rất lớn. Chúng hoàn toàn có thể xuất bản thành sách. Người làm khoa học cũng cần có ý thức hơn về sứ mệnh của họ, đó là phổ biến tri thức, đem tri thức đến cho mọi người.

"Các luận án tiến sĩ có chất lượng trong nước rất nhiều tuy nhiên tình trạng của chúng hiện tại là nằm im trong kho lưu trữ. Tôi hy vọng sau cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là nguồn cảm hứng cho những người làm khoa học sẵn sàng đồng hành cùng các nhà xuất bản để tạo ra cuốn sách của mình, lan tỏa tri thức đến bạn đọc", bà Hoàng Thanh Thủy chia sẻ.

Một phần của cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Bà Thủy cũng nhận xét cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là một trường hợp đặc biệt. Khi được nhà xuất bản đặt vấn đề chuyển thể luận án thành tác phẩm truyện tranh, Kiều Ly nói rằng: "Mình đã nghĩ đến chuyện này từ rất lâu rồi".

Từ những trang viết, tác giả chủ động phác họa bản thảo với đầy đủ lời thoại cho từng khung hình. Cùng họa sĩ Tạ Huy Long, Ly đưa ra những phương án minh họa để cuốn sách chỉn chu nhất.

Không chỉ chuyển thể thành hình thức truyện tranh, các công trình nghiên cứu khoa học còn có thể được khai thác dưới dạng sách câu hỏi, câu đố, tùy vào sự lựa chọn của tác giả. Những luận án giá trị khoa học cao có tiềm năng để khai thác thành sách với nhiều cách thể hiện thú vị, tiếp cận bạn đọc trẻ.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dua-nhung-cong-trinh-nghien-cuu-khoa-hoc-tro-thanh-sach-post1424562.html