Hành quân theo lời thơ

Sau khi Hiệp định Vientiane về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết, Tiểu đoàn 84 Pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 968 Quân tình nguyện nhận nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng Paksong trên cao nguyên Boloven (Lào).

Thời gian này, ngoài việc thường xuyên nhận được thư của gia đình và bạn bè từ hậu phương, chúng tôi còn được nhận những món quà tinh thần quý giá là những tờ báo Đảng và những cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thật may mắn là lần ấy, đại đội tôi được nhận tờ Báo Nhân Dân số ra ngày 3-2-1973, ở trang 2 có đăng bài thơ “Em sẽ là...”, dưới tựa đề bài thơ có ghi "Nhớ em Đặng Thị Hà" của tác giả Lương Xuân Đoàn, là bộ đội và được viết trên đường hành quân.

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ thật giản dị, như lời tâm sự, động viên trong buổi trò chuyện thân mật, nhẹ nhàng: “Sẽ là nhà thơ, đồng ý không em/ Nhà thơ của các anh, Hà nhé?/ Em sẽ thấy cuộc đời chiến sĩ/ Các anh cần rất nhiều thơ...”.

Tiếp đó, các câu thơ như lời gợi mở, truyền đạt đến người đọc hình ảnh, ý chí, tâm tình của Bộ đội Cụ Hồ trên đường ra trận: “... Ý nghĩ không vần thường theo các anh đi/ Chiều dài đoàn quân là phác thảo/ Của một bài thơ truyền miệng/ Người đi trước mở đầu, người sau đọc tiếp/ Nên có nhiều màu của thơ đèo, thơ dốc, thơ suối, thơ đêm/ Bây giờ người mở đầu là em/ Các anh hành quân theo lời thơ của em đấy...”; “... Các anh đi trong nắng cháy/ Các anh đi trong mưa rừng/ Hà ơi, em sẽ là văn công/ Em sẽ hát các anh nghe, Hà nhé!”.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào/Nhà xuất bản Thông tấn.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào/Nhà xuất bản Thông tấn.

Bài thơ ngày ấy mộc mạc, dễ thuộc đã làm xao xuyến và tiếp thêm sức mạnh hành quân cho chúng tôi. Nhân một buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Chí Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 84 đã kể cho chúng tôi nghe về xuất xứ bài thơ. Theo đó, Báo Nhân Dân số ra ngày 14-1-1973 giới thiệu lá thư và bài thơ “Sao chúng lại giết con?” của ông Đặng Văn Miệu, cha của 3 em nhỏ (Đặng Thị Hà, 16 tuổi; Đặng Thị Lan, 13 tuổi và Đặng Văn Hưng, 10 tuổi) ở số nhà 15 Cầu Chui, Gia Lâm, Hà Nội, bị máy bay B-52 ném bom giết hại rạng sáng 19-12-1972. Báo cũng đăng một số đoạn trích trong các bài thơ thuộc tập thơ viết dở của em Đặng Thị Hà, như: “Cuộc sống”, “Tặng thầy Kiệt”, “Cô giải phóng”, “Cuộc sống và tiếng hát"...

Tiếp đó, trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 21-1-1973 đăng nhiều thư, bài viết, thơ và ý kiến bạn đọc bày tỏ cảm xúc, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nguyện chung sức, đồng lòng chiến đấu và chiến thắng, để những ước mơ của cháu Đặng Thị Hà trở thành hiện thực... Chiến sĩ trẻ Lương Xuân Đoàn (hiện là họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã viết bài thơ “Em sẽ là...” để tỏ bày rung cảm tâm hồn qua những gì được biết và được đọc về cháu Đặng Thị Hà. “Tiếng lòng” của chiến sĩ trẻ Lương Xuân Đoàn cũng là sự đồng cảm của tâm hồn, trái tim Bộ đội Cụ Hồ và khát vọng, niềm tin về ngày thắng lợi cuối cùng trên chiến tuyến diệt thù: “Các anh sững sờ, xúc động/ Gấp bước theo chân cô giao liên hay hát, hay cười/ Em sẽ là giao liên, Hà ơi/ Đưa các anh đi mở những chân trời/ Giải phóng”.

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/hanh-quan-theo-loi-tho-720554