Hàng triệu người Mỹ bị cản trở nhảy việc vì điều khoản 'không cạnh tranh'

Điều khoản 'không cạnh tranh' (non – compete clause) trong hợp đồng lao động đang hạn chế cơ hội việc làm của hàng triệu người Mỹ. Các điều khoản này thường được sử dụng để ngăn ngừa lao động có kỹ năng cao trong những ngành như công nghệ, tài chính gia nhập các công ty đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi họ nghỉ việc. Nhưng hiện tại, trong bối cảnh nguồn cung lao động khan hiếm, chúng cũng được áp dụng cho những nghề cấp thấp như nhân viên nhà hàng, nhân viên bảo vệ.

Điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng lao động đang “trói buộc” hàng triệu người Mỹ có ý định nhảy việc. Ảnh: Moveon.org

Cơ hội việc làm bị thu hẹp vì điều khoản ngăn cấm làm việc cho đối thủ

Sau 22 năm làm y tá tại một bệnh viện ở bang Wisconsin, Laura muốn thay đổi. Tìm một công việc mới không dễ nhưng cô còn đối mặt một trở ngại lớn hơn. Đó là điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng lao động yêu cầu cô không được làm việc cho doanh nghiệp đối thủ trong phạm vi 30 dặm (48 km) trong ít nhất 2 năm sau khi nghỉ việc.

Điều đó thu hẹp các lựa chọn nghề nghiệp cho bà mẹ đơn thân của 3 đứa con. Có rất nhiều bệnh viện gần nơi ở của mình nhưng Laura phải lái xe 75 phút để đến nơi làm việc mới của cô tại một trung tâm y tế đại học bên kia biên giới của bang Illinois.

Laura nằm trong số hàng chục triệu lao động Mỹ bị ràng buộc bởi các điều khoản không cạnh tranh, ngăn cản họ làm việc cho đối thủ hoặc thành lập doanh nghiệp cạnh tranh trong một khoảng thời gian sau khi họ nghỉ việc. Họ sẽ bị mất thu nhập trong những tháng họ bị ngăn cấm làm việc cho các đối thủ của công ty cũ, hoặc phải đối mặt với các hình phạt tài chính nặng nề hoặc các cuộc chiến pháp lý kéo dài nếu họ vi phạm hợp đồng lao động với công ty cũ.

Những hợp đồng như vậy thường nhằm mục đích ngăn chặn các chuyên gia có thu nhập cao, chẳng hạn như chuyên viên tài chính và kỹ sư phần mềm, nhảy sang một đối thủ cạnh tranh và có thể cung cấp những thông tin nội bộ giá trị của công ty cũ. Nhưng trong những năm gần đây, chúng đã trở nên phổ biến hơn, áp dụng cho các nghề thu nhập thấp, từ nhân viên bán đồ ăn nhanh cho đến nhân viên bán hàng và bảo vệ. Các doanh nghiệp sử dụng chúng như một công cụ để giữ chân nhân viên, giúp giảm thiểu chi phí tuyển dụng trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.

“Điều khoản chống cạnh tranh đã di chuyển xuống các nghề cấp thấp hơn, chứ không chỉ áp dụng giới hạn ở các ngành kỹ thuật và lãnh đạo cấp cao tại các công ty”, David Cabrelli, giáo sư luật lao động tại Trường Luật Edinburgh, nói.

Theo một báo cáo hồi tháng 1 của Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường của Anh, các hạn chế tương tự đang gia tăng trên toàn cầu. Tại Anh, 25% lực lượng lao động, khoảng 10 triệu người, phải tuân thủ các điều khoản không cạnh tranh. Úc có khoảng 22% lực lượng lao động ký kết hợp đồng với điều khoản như vậy. Tuy nhiên, điều khoản này đặc biệt phổ biến ở Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, ít nhất 30 triệu người Mỹ hiện làm việc theo thỏa thuận không cạnh tranh, trong khi có tới 63 triệu người Mỹ, tương đương 38% lực lượng lao động, đã từng ký ít nhất một thỏa thuận như vậy trong sự nghiệp của họ.

Các chuyên gia cảnh báo những hợp đồng kèm điều khoản chống cạnh tranh sẽ bóp méo thị trường lao động, khiến tuyển dụng chậm lại, tiền lương giảm và có khả năng khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ.

“Mức độ khó khăn cao đối với ý định nhảy việc đang khiến nền kinh tế Mỹ phải trả giá và thực sự gây ra sự bất bình đẳng lớn”, giáo sư Cabrelli nói.

Tuần tới, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) sẽ bỏ phiếu về quy định cấm doanh nghiệp yêu cầu người lao động ký kết điều khoản không cạnh tranh. Ảnh: Jones Day

FTC đề xuất cấm điều khoản không cạnh tranh

Các điều khoản không cạnh tranh được thiết kế để bảo vệ bí mật thương mại của các doanh nghiệp và bảo vệ mối quan hệ của họ với khách hàng. Tuy nhiên, chúng ngày càng được phổ biến và áp dụng sai so với mục đích ban đầu.

Trường hợp của Deborah Brantley, một nhân viên quán bar ở độ tuổi 20 là một ví dụ.Trong đơn khiếu nại nộp ở Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), cô cho biết, 1 năm sau khi nghỉ việc ở một quán bar ở bang Florida, cô nhận công việc mới tại một quán bar gần đó. Nhưng người chủ cũ đã kiện cô, đòi bồi thường 30.000 đô la vì vi phạm hợp đồng, với điều khoản cấm cô làm việc cho một đối thủ cạnh tranh trong phạm vi 50 dặm trong vòng 2 năm sau khi nghỉ việc. Trong đơn khiếu nại, Brantley viết: “Liệu người pha chế rượu có thể sở hữu những bí mật thương mại nào?”.

Những trường hợp cực đoan như vậy đã vấp phải phản ứng mạnh của người lao động cũng như các nhà hoạch định chính sách và đang bắt đầu mang lại sự thay đổi.

Vào năm 2016, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jimmy John’s ở Mỹ bãi bỏ chính sách yêu cầu nhân viên làm bánh sandwich ký thỏa thuận ngăn cấm họ làm việc tại một doanh nghiệp cùng ngành và nằm gần trong khu vực trong vòng 2 năm sau nghỉ việc. Quyết định này được đưa ra sau cuộc điều tra của Văn phòng Tổng chưởng lý New York.

Tuần tới, FTC sẽ bỏ phiếu về đề xuất cấm hầu hết các điều khoản chống cạnh tranh ở các ngành nghề. FTC hy vọng việc loại bỏ điều khoản này có thể giúp tiền lương của người lao động Mỹ tăng thêm tổng cộng 300 tỉ đô la mỗi năm. Bà Lina Khan, chủ tịch FTC, nhấn mạnh “quyền tự do thay đổi công việc là yếu tố cốt lõi của sự tự do kinh tế và một nền kinh tế cạnh tranh, thịnh vượng”.

Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch hạn chế thời hạn áp dụng điều khoản không cạnh tranh xuống còn 3 tháng sau khi người lao động nghỉ việc.

Những nhân viên có mức lương thấp có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hạn chế từ điều khoản chống cạnh tranh, thường là do họ không nắm rõ nội dung hợp đồng lao động hoặc cách thức thực thi chúng.

Evan Starr, giáo sư tại Đại học Maryland (Mỹ), một nhà nghiên cứu thị trường lao động, cho biết dữ liệu cho thấy điều khoản không cạnh tranh gây tổn hại cho người lao động lẫn doanh nghiệp.

Nhưng ngay cả khi lệnh cấm điều khoản không cạnh tranh được FTC thông qua vào tuần tới, cơ quan này vẫn có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý. Phòng Thương mại Mỹ (USCC), tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ, chỉ trích đề xuất này, đồng thời cho rằng FTC không có thẩm quyền để thông qua nó. USCC lập luận, điều khoản không cạnh tranh giúp bảo vệ các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đào tạo lực lượng lao động.

Được biết, hàng chục bang của Mỹ đã ban hành luật hạn chế các doanh nghiệp áp dụng điều khoản không cạnh tranh nhưng chỉ có 4 bang cấm hoàn toàn.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-trieu-nguoi-my-bi-can-tro-nhay-viec-vi-dieu-khoan-khong-canh-tranh/