Hàng không Việt chưa thoát 'vòng xoáy' của khủng hoảng

Một loạt hãng hàng không tên tuổi như Vietnam Airlines, VietJet… đã và đang bị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đưa vào diện nợ xấu, vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Một số hãng như BamBoo Airway trả lại máy bay, bỏ đường bay vốn hút khách của hãng (Hà Nội- Côn Đảo), Pacific Airlines thì trả lại máy bay do không kham nổi khoản nợ và tuyên bố phá sản. Hàng không Việt bị rơi vào thế khó, khiến giá vé máy bay liên tục tăng cao, người dân ngày càng e ngại khi muốn di chuyển bằng phương tiện này.

Hàng loạt hãng hàng không Việt bị ACV nhắc nợ

Mới đây, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về một số công tác cần triển khai thực hiện nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị.

Cụ thể, ACV đang xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

Việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Các hãng hàng không và các doanh nghiệp bị ACV đưa vào diện nợ xấu gồm hầu hết các hãng tên tuổi trong nước đang hoạt động. Cụ thể ACV cho hay, đến cuối quý IV/2023, tổng công ty phải thu khoản nợ ngắn hạn từ các hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines với hơn 1.831 tỷ đồng; Vietjet hơn 2.981 tỷ đồng; Bamboo Airways hơn 2.132 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 874 tỷ đồng và các khách hàng khác là hơn 1.103 tỷ đồng. ACV cũng đã trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu này. Cụ thể, với Vietjet là hơn 552 tỷ đồng; Bamboo Airways là hơn 1.907 tỷ đồng; Vietnam Airlines hơn 141 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 760 tỷ đồng; Vietravel Airlines hơn 246 tỷ đồng; Công ty CP Hàng không Mê Kông hơn 25 tỷ đồng. Theo ACV, đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các hãng phát sinh trong giai đoạn COVID-19. Khẳng định trong năm 2023, mặc dù đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, nhưng ACV thừa nhận kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng vi phạm hợp đồng.

Không chỉ đang “vướng nợ”, mà thực tế các hãng hàng không Việt đang phải đối phó với việc sụt giảm doanh thu do nhu cầu nội địa có phần giảm. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng hạ cất cánh (CHC) đạt 172.638 lượt/chuyến; chiếm 23% kế hoạch năm; giảm 3,9% so với cùng kỳ 2023 (trong đó, CHC quốc tế đạt 64.427 lượt/chuyến, tăng 37% so với cùng kỳ 2023; CHC quốc nội đạt 108.211 lượt/chuyến, giảm 19% so với cùng kỳ 2023). Sản lượng hành khách đạt 27.936.904 khách, chiếm 23,7% kế hoạch năm; tăng 1% so với cùng kỳ 2023 (trong đó, hành khách quốc tế đạt 10.471.624 lượt khách, tăng 47,2% so với cùng kỳ 2023; hành khách quốc nội đạt 17.465.279 lượt khách, giảm 15% so với cùng kỳ 2023).

Các số liệu của Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines cho thấy đội bay của các hãng đạt 222-223 chiếc vào lúc đông nhất trong năm 2023. Nhưng đến nay số máy bay đang hoạt động chỉ còn khoảng 73% so với thời điểm đông nhất trong năm ngoái. Vì sao lượng máy bay lại giảm sút? Cụ thể, hãng Bamboo Airways đã quyết định dừng khai thác 3 máy bay Embraer E190 để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, theo đó, hãng dừng khai thác các đường bay Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TP Hồ Chí Minh-Đồng Hới/Côn Đảo; đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo dừng khai thác từ 1/4. Từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Trên phạm vi toàn thế giới, ước tính có khoảng 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động bị ảnh hưởng. Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất PW yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các hãng Vietnam Airlines, VietJet đã khiến ngành hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng. Các động cơ này đang được sử dụng trên một số máy bay A321Neo do Vietnam Airlines và VietJet khai thác. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024).

Thị trường vé máy bay sẽ còn đắt đỏ

Chiều 1/4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, ngành hàng không đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt máy bay trong thời gian gần đây. Việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn. Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.

Thời gian để hoàn thành sửa chữa, khắc phục động cơ bình thường mất khoảng 18 tháng, tuy nhiên số lượng máy bay trên thế giới bị lỗi động cơ rất lớn, khiến chuỗi cung ứng của nhà sản xuất bị đứt gãy. Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Thêm vào đó, do đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với 1 số hãng hàng không phải tái cơ cấu nợ, khiến giá thuê máy bay trên thế giới bị đẩy vọt lên rất cao và khan hiếm máy bay, rất khó thuê. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025.

Theo tính toán, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế. Để xử lý tình trạng thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/hang-khong-viet-chua-thoat-vong-xoay-cua-khung-hoang-i727024/