Hải Phòng: Lần đầu tiên khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc

Ngày 17/2, Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024 được tổ chức tại Khu Tưởng niệm Trạng Nguyên Lê Ích Mộc tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân tại Việt Nam xuất hiện vào Thế kỷ 13, gắn liền với thân thế của Danh nhân Chu Văn An. Thủa trước, Lễ khai bút đầu năm của người xưa được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Các quan lại, nhà nho, nhà giáo thường đốt lư trầm bên bàn viết, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều.

Lần đầu tiên diễn ra Lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc. Ảnh Vĩnh Quân

Ngày nay tục khai bút đầu năm đã có nhiều chuyển biến để phù hợp với xu thế hiện đại; được phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân. Với học sinh, sinh viên, khai bút là hoạt động học tập đầu tiên trong năm hoặc viết xuống những mong ước liên quan đến việc rèn luyện, tu thân, thi cử, mong cho một năm học hành thuận lợi. Với người đi làm, khai bút có ý nghĩa cầu tài lộc, mong cho đường sự nghiệp công danh được hanh thông như ý. Với những người làm nghề cầm bút như nhà văn, nhà báo… việc khai bút còn là lời nhắc nhở với bản thân về trách nhiệm, lương tâm và nỗ lực trau dồi năng lực, giữ gìn ý thức trong sáng của người cầm bút.

Lễ khai bút thu hút hàng nghìn người, học sinh tham dự. Ảnh Vĩnh Quân

Khai bút cũng chính là khai chữ, khai tâm, khai trí, để tự nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người luôn mong muốn, hy vọng hướng thiện và hướng tới cái đẹp. Ngoài những giá trị nói trên, thì khai bút đầu năm còn mang mong muốn của người thực hiện về một năm mới may mắn, tốt lành.

Lễ hội khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024 của Huyện Thủy Nguyên được tổ chức từ ngày 17/02/2024 đến hết ngày 24/02/2024 Dương lịch; cùng với Lễ hội Kỷ niệm 486 năm Ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 02 Âm lịch là cơ hội để du lịch thập phương, bà con gần xa có cơ hội được thưởng ngoạn danh thắng Khu Tưởng niệm, cùng dâng nén hương thơm và lòng thành kính tri ân đến Trạng nguyên Lê Ích Mộc và các bậc tiền nhân; mong cầu một năm may mắn, bình an, hạnh phúc; được hòa mình vào nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, tham gia gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phục vụ cộng đồng.

Rất nhiều học sinh tham dự Lễ hội khai bút. Ảnh Vĩnh Quân

Trạng Nguyên Lê Ích Mộc là một trong Ba vị Trạng nguyên và cũng chính là vị Trạng nguyên khai khoa của TP Hải Phòng. Trạng nguyên Lê Ích Mộc - Người xã Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Thủa nhỏ, do nhà nghèo lại mồ côi cha, Ông phải đến ở nhờ tại chùa Diên Phúc của làng để được học tập. Ông nổi tiếng là người thông minh, mẫn tuệ. Ông đỗ Trạng nguyên tại khoa thi năm Nhâm Tuất (năm 1502). Sau được triều đình trọng dụng, giữ đến chức Tả Thị lang. Sau khi trí sĩ, Ông trở về quê nhà để tiếp tục nghiên cứu đạo Phật; mở trường dạy học để đào tạo hiền tài, cùng với dân làng phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Lễ khai bút là một trong những nét đẹp của người dân Việt Nam. Ảnh Vĩnh Quân

Là người nổi tiếng có học vấn sâu rộng, đạo đức mẫu mực, Lê Ích Mộc đã đem kiến thức mình có được truyền dạy cho người đời. Không chỉ luyện rèn học trò ông thường khuyên dạy dân làng lao động sản xuất, cách cư xử để xóm làng hòa thuận, ấm êm. Ngôi chùa Diên Phúc và từ chỉ Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hóa cả một vùng rộng lớn của huyện Thủy Đường thời bấy giờ. Không ỷ lại là một nhà sư, một trí sĩ, ông còn tích cực cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Lê Ích Mộc đã cùng với học trò của mình chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn vùng đất bãi hoang hóa ven sông, mở rộng làng xã lập nên vùng đất Quảng Cư.

Thủ tục khai bút và xin chữ đầu năm được lưu truyền, tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò trong cả nước.

Suốt cuộc đời gắn bó với quê hương, Trạng nguyên Lê Ích Mộc không chỉ mở mang phát triển chùa Ráng, nơi ông ăn học thành tài mà còn xây dựng thêm một số canh phật khác như chùa Vang (tức Bắc Linh Tự), chùa Lốt (tức Đông Linh Tự)… Ngày 15 tháng 2 năm 1538, Lê Ích Mộc qua đời tại quê nhà hưởng thọ 80 tuổi, mộ phần của ông ngự tại rừng lim quan Trạng thuộc xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng. Trải qua hàng trăm năm trường tồn, quần thể di tích nhà tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Rừng lim quan Trạng trồng xưa đã hóa thân vào các công trình công cộng của làng, của xã và thay thế vào đó là rừng bạch đàn xanh tốt đêm ngày rì rào tiếng reo vui.

Trong không gian tĩnh tại, mọi người thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông, trong nhiều năm qua, huyện Thủy Nguyên luôn giữ gìn, tôn tạo quần thể di tích nhà tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (gồm nhà tưởng niệm, từ đường, lăng mộ, đền Quảng Cư, chùa Lốt, chùa Vang). Hàng năm, huyện Thủy Nguyên lại long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc nhằm tri ân công lao và khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó trong nhân dân; đồng thời củng cố niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa./.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-lan-dau-tien-khai-but-tai-khu-tuong-niem-trang-nguyen-le-ich-moc.html