Hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn chính thức được đổi tên

Hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn là cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Thủ Thiêm 2 vừa được thay đổi tên mới, lần lượt là Thủ Thiêm và Ba Son.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên cầu Ba Son. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên cầu Ba Son. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Ngày 14.6, UBNDTP.HCM tổ chức lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son.

Theo đó, cầu Ba Son kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), từ nay sẽ đổi tên gọi mới Ba Son thay vì Thủ Thiêm 2 như trước đây.

Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ mang tên Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 2 được đổi tên thành cầu Ba Son. Công trình có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM, đã chính thức được khánh thành vào sáng 28.4.2022 sau 7 năm xây dựng. Phần cầu chính và nhịp dẫn chính có chiều dài tổng cộng 845m; phần nhánh N1 dài 192m và nhánh N2 dài 188m. Ảnh: Trung Dũng

Cầu Thủ Thiêm 2 được đổi tên thành cầu Ba Son. Công trình có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM, đã chính thức được khánh thành vào sáng 28.4.2022 sau 7 năm xây dựng. Phần cầu chính và nhịp dẫn chính có chiều dài tổng cộng 845m; phần nhánh N1 dài 192m và nhánh N2 dài 188m. Ảnh: Trung Dũng

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, địa danh Thủ Thiêm, Ba Son gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân Thành phố. "Để lưu lại những giá trị lịch sử văn hóa, năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định bổ sung tên 2 địa danh này vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết 60 về việc đặt tên cho 2 cây cầu là cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son", ông Dương Anh Đức cho biết.

Ông Dương Anh Đức cho biết việc dùng địa danh Thủ Thiêm và Ba Son để đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không những mang ý nghĩa tạo sự kết nối giữa xưa và nay trong lòng đô thị mang tên Bác mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030...

Cầu Thủ Thiêm 1 được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2010, có chiều dài phần cầu chính là 850m, phần nhánh dẫn N1 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 360m và nhánh N4 trên đường Ngô Tất Tố dài 151m. Việc đặt tên Thủ Thiêm là tạo cho cầu mới qua sông Sài Gòn gắn liền, tiếp nối với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa và sự phát triển chuyển biến của vùng đất liên kề với trung tâm thành phố suốt gần 200 năm qua. Ảnh tư liệu: PLO

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị ngành giao thông vận tải thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường để 2 công trình thực sự trở thành điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước.

Trước đó, như trong nhiều tin, bài mà Người Đô Thị đã đăng tải, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (cơ quan thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường Thành phố) đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy tên Ba Son, Thủ Thiêm đặt cho hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Là cơ quan thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết đề nghị này xuất phát từ căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đối tên đường, phố và công trình công cộng, ngày 8.11.2022, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM đã triệu tập các thành viên họp về việc cho ý kiến bổ sung hai địa danh Thủ Thiêm và Ba Son vào Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Ngân hàng tên). 16/18 thành viên tham dự và tất cả đều đồng ý về việc bổ sung hai địa danh nêu trên vào Ngân hàng tên.

Chiều ngày 9.12.2022, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về đặt tên Thủ Thiêm và Ba Son cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn trên địa bàn thành phố Thủ Đức, quận 1, quận Bình Thạnh.

Ba Son là tên gọi từ năm 1790, khi Chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy” bên bờ sông Saigon.

Khi Pháp xâm lược nước ta đã xây dựng ở đây một cơ sở tàu biển quân sự và làm dịch vụ hàng hải, bởi Sài Gòn có vị trí rất quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế.

Nhà máy đóng tàu Ba Son sau hơn 150 năm hiện diện cạnh sông Sài Gòn (1863 - 2016) đã bị phá dỡ để thay bằng khu đô thị cao tầng. Ảnh: CT.V

Nhà máy đóng tàu Ba Son sau hơn 150 năm hiện diện cạnh sông Sài Gòn (1863 - 2016) đã bị phá dỡ để thay bằng khu đô thị cao tầng. Ảnh: CT.V

Khu Ba Son tọa lạc ở số 2 đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam; một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản Việt Nam. Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.

Tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này được giải thích như sau: Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chính nào đó, giống như thủ lĩnh, thủ thư, thủ tướng... Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể do người chỉ huy đồn binh tên là Thêm nên dân gian quen gọi đồn binh đó là Thủ Thiêm và sau đó tên này trở thành tên của vùng đất.

Năm 1837, dưới triều vua Minh Mạng, huyện Nghĩa An, tỉnh Biên Hòa được thành lập, Thủ Thiêm thuộc huyện Nghĩa An.

Năm 1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và Pháp. Trong đó, Thủ Thiêm thuộc hạt Nghĩa An. Năm 1868, hạt Nghĩa An đổi thành hạt Thủ Đức và sau đó hạt Thủ Đức bị bỏ và sáp nhập vào hạt Sài Gòn.

Năm 1967, cùng với xã An Khánh, khu vực Thủ Thiêm được cắt về quận 1 thuộc đô thành Sài Gòn. Tiếp đó chính quyền Sài Gòn thành lập thêm quận 9 thuộc đô thành Sài Gòn trên cơ sở 2 xã An Khánh và Thù Thiêm. Cho đến năm 1976, xã Thủ Thiêm thuộc quận 9, đô thành Sài Gòn.

Ngày 2.7.1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia định là thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). TP.HCM bao gồm 11 quận của đô thành Sài Gòn cũ và toàn tỉnh Gia Định. Địa bàn xã Thủ Thiêm thuộc huyện Thủ Đức.

Ngày 6.1.1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 03/CP về chia tách và thành lập mới các quận. Phường Thủ Thiêm được thành lập trên cơ sở tác một phần diện tích của xã Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức trước đây.

Như vậy, có thể nói địa danh Thủ Thiêm được người dân gọi từ thế kỷ XVIII và đến nay là tên địa danh trong địa bàn quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức). Đặc biệt tên này được đặt cho dự án khu đô thị mới cho bán đảo Thủ Thiêm.

Ngô Gia

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hai-cay-cau-bac-qua-song-sai-gon-chinh-thuc-duoc-doi-ten-39873.html