Hà Nội: Nâng cao mức độ an toàn giao thông cho học sinh

Về hạ tầng, Hà Nội sẽ làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học; tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường.

Đoạn đường 70 giao với đại lộ Chu Văn An ngột ngạt vì đủ loại phương tiện chen chúc trên đường, không chỉ trong khung giờ cao điểm Ảnh: Hà Thanh

Để kiềm chế tai nạn giao thông, thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh, số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm. Tuy nhiên, việc duy trì mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông một cách bền vững, lâu dài chưa thực sự vững chắc khi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân, trong đó có học sinh, sinh viên còn hạn chế; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi chưa thực sự quyết liệt, còn phó mặc cho lực lượng chức năng… trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của các phương tiện tham gia giao thông.

*Vi phạm nhiều

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm 4.765 người chết, 5802 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%). Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước

Trong số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn cả nước, đáng lưu ý có 563 vụ liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh. Riêng địa bàn Hà Nội xảy ra 17 vụ, làm 9 em thiệt mạng, 13 em bị thương (so sánh cùng kỳ 2022 giảm 8 vụ, giảm 5 người chết, giảm 5 người bị thương).

Đối với công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên, 9 tháng năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.814 trường hợp vi phạm. Trong đó, phạt tiền trên 1 tỷ đồng đồng, tước 42 Giấy phép lái xe, tạm giữ 770 mô tô, xe máy (bao gồm xe máy điện), 9 xe đạp máy.

Qua kết quả xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên 9 tháng năm 2023 của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên là: không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Qua khảo sát, trên địa bàn thành phố có 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành có 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.

Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) được chọn để triển khai dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021-2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ. Ảnh: Hà Thanh

*Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông đối với học sinh, Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho khoảng trên 22.500 giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học phổ thông; tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông cho gần 6.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên trường đại học, cao đẳng tham dự.

Công an thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông trong tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở giáo dục 138 buổi với 133.446 học sinh, 9,701 giáo viên tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho 79.030 lượt học sinh, sinh viên. Tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy cho 27.354 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (BIGRS) - giai đoạn 2021-2025 do Quỹ Bloomberg tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là với học sinh.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án hỗ trợ 4 hợp phần chính gồm: Hạ tầng giao thông; cưỡng chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền và truyền thông về an toàn giao thông; dữ liệu và giám sát. Năm 2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với tư vấn của dự án và các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn thực hiện triển khai tại 3 địa điểm có những điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau, gồm: Cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Trong đó, Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) và Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai) được thực hiện thí điểm các giải pháp cải thiện an toàn giao thông dưới sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác vì các thành phố lành mạnh - PHC (PHC là mạng lưới toàn cầu có uy tín với 70 thành phố cam kết cứu sống các sinh mạng bằng cách ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm và thương tích) trong khuôn khổ dự án BIGRS.

Công tác thiết kế cải thiện an toàn cho ba cụm trường được tham khảo các giải pháp trong hướng dẫn thiết kế đường phố toàn cầu (GSDG), hướng dẫn thiết kế đường phố cho trẻ em (DSfK) và cách thức đánh giá chuyển đổi đường phố (HTM). Ba cuốn tài liệu này đã được BIGRS hỗ trợ dịch sang tiếng Việt. Những nguyên tắc trong ba cuốn sách trên đã được biên soạn với sự đóng góp của nhiều chuyên gia đến từ 72 thành phố ở 42 quốc gia, tổng kết từ lý thuyết đến thực tiễn qua các trường hợp điển hình trên khắp thế giới, nhằm tạo ra sự bình đẳng và an toàn trong giao thông.

Nguyên tắc của thiết kế đường phố an toàn nói chung và cho khu vực trường học nói riêng là ưu tiên cho đối tượng yếu thế, ưu tiên sự di chuyển của con người hơn phương tiện; ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.

Về giải pháp hạ tầng sẽ làm lối đi bộ nổi cho học sinh đi bộ sang đường được thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học; tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường bằng sơn kẻ vạch màu trắng, nền vàng, tăng nhận diện khu vực trường học bằng biển báo, sơn kẻ vạch; thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học; mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh.

Một số vị trí không có hè cho người đi bộ sẽ mở rộng lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang gắn dưới lòng đường (Cụm trường Xuân Đỉnh); tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh trước khu vực cổng trường học, tạo không gian phù hợp cho phụ huynh chờ đón học sinh có trật tự và khoa học, tránh sự lộn xộn trong giờ đưa đón học sinh ở trước cổng trường; tạo đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường (Cụm trường Sài Sơn, Trường tiểu học Nguyễn Du); bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao đảm bảo an toàn giao thông (nút giao ngã ba cụm trường Sài Sơn); hạn chế tốc độ các phương tiện qua khu vực cổng trường.

Cùng với thực hiện thí điểm các giải pháp về hạ tầng, dự án thí điểm sẽ thực hiện tuyên truyền về các giải pháp thí điểm, tuyên truyền việc tuân thủ Luật giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn đến học sinh, giáo viên của trường học khu vực thí điểm; tuyên truyền và vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện an toàn, trật tự tại khu vực cổng trường.

Hà Thanh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-nang-cao-muc-do-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh/312977.html