Hà Nội khảo sát chất lượng học sinh lớp 12: Đánh giá thực chất

Sáng 5/4, học sinh lớp 12 đang theo học tại các trường Trung học phổ thông (THPT), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội bắt đầu làm bài khảo sát chất lượng, tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực chất để xác định mức độ đáp ứng về kiến thức, kỹ năng của học sinh theo 'thước đo' chung, tránh tâm lý chủ quan và tăng cường hỗ trợ học sinh trong thời gian còn lại của năm học là mục tiêu của toàn ngành.

Cuộc tập dượt ý nghĩa

Theo kế hoạch, học sinh lớp 12 THPT sẽ làm 4 bài khảo sát, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Học viên lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT sẽ làm 3 bài khảo sát, trong đó có 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức khảo sát chất lượng tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình).

Trong số các bài khảo sát này, chỉ có môn Ngữ văn theo hình thức tự luận. Các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng đối với các Ngoại ngữ gồm Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Hàn, Tiếng Đức, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động giao nhiệm vụ ra đề kiểm tra cho giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra khảo sát bảo đảm khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ghi nhận của phóng viên, từ sớm, tại khu vực sân trường Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), nhiều học sinh đã có mặt. Một số em tranh thủ ôn bài. Sáng nay (5/4), các em đã làm bài khảo sát môn Ngữ văn với thời gian 120 phút. Buổi chiều, các em tiếp tục làm bài khảo sát môn Toán với thời gian 90 phút.

Lê Phương Thanh (học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Giấy) chia sẻ: “Kỳ khảo sát là cơ hội để em làm quen với không khí trường thi, rèn các kỹ năng cần thiết khi thi thật. Dù biết không lấy điểm nhưng em vẫn làm bài với sự nỗ lực cao nhất. Điều này sẽ giúp em biết được khả năng của bản thân ở đâu để từ đó sắp xếp thời gian ôn tập khoa học trong thời gian từ nay đến khi diễn ra kỳ thi chính thức”.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông), Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm)…, các học sinh cũng rất mong đợi kỳ khảo sát này. “Kết quả khảo sát là dịp để em tự đánh giá năng lực của mình, biết được điểm yếu để có thể nhờ sự hỗ trợ của thầy cô giáo, của các bạn và xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp”, Nguyễn Minh Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú) bày tỏ.

Học sinh nghiêm túc làm bài.

Việc tổ chức khảo sát cũng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12. Hầu hết các phụ huynh đều cho rằng Sở GD&ĐT Hà Nội có bước chuẩn bị như vậy là cần thiết, giúp học sinh thêm tự tin khi tham dự kỳ thi chính thức.

Xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp

Được biết, việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn Thành phố đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức từ nhiều năm nay, được các nhà trường đón đợi và xác định đây là cuộc tập dượt nhiều ý nghĩa với cả giáo viên, học sinh. Mặc dù kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá song đây sẽ là căn cứ để các nhà trường kịp thời có sự điều chỉnh trong tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ, từ đó góp phần nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại kỳ khảo sát này, toàn Thành phố có 273 điểm trường tổ chức khảo sát. Tổng hợp số liệu của các nhà trường tính đến sáng 5/4, toàn Thành phố có hơn 116.000 học sinh đăng ký tham dự khảo sát, bao gồm cả học sinh trường công lập, tư thục và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các nhà trường đã bố trí 4.850 phòng thi với gần 12.200 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, giám sát.

Từ kết quả khảo sát, Trường THPT Ban Mai sẽ kịp thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, ôn tập bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, các nhà trường, học sinh đều mang tâm thế nghiêm túc. Trước giờ làm bài môn Ngữ văn, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội do Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương dẫn đầu đã trực tiếp có mặt tại Trường THPT Phan Đình Phùng kiểm tra công tác tổ chức và nhắc nhở cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm kỳ khảo sát diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực chất.

Tại kỳ khảo sát này, nhà trường có 32 phòng thi với 749 thí sinh là học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng và Trường THPT Hoàng Long (quận Ba Đình). Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề, bài kiểm tra được thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Trần Thị Luyến (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ban Mai) chia sẻ: “Để chuẩn bị tốt cho kỳ khảo sát chất lượng học sinh lớp 12, Ban Giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện thi, đồng thời phân công nhiệm vụ từng thành viên trong Hội đồng thi, bám sát kế hoạch triển khai của Cụm Hà Đông - Hoài Đức theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cùng đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã nghiêm túc thực hiện công tác tập huấn tới giáo viên, phổ biến quy chế, cách thức ôn tập tới học sinh lớp 12. Các giáo viên cũng tổ chức ôn tập cho học sinh dựa vào đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố để định hướng học sinh về bài thi từng môn; đồng thời tiến hành công tác truyền thông tới phụ huynh để cùng đồng hành, phối hợp đôn đốc, nhắc nhở học sinh”.

Học sinh khối 12 của nhà trường đều tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan, nỗ lực làm bài với tinh thần thi thử như thi thật. Từ kết quả khảo sát, nhà trường và gia đình sẽ tăng cường phối hợp, kịp thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, ôn tập bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2023, toàn Thành phố có 98.642 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (khối THPT có 85.856 thí sinh, còn lại là thí sinh khối Giáo dục thường xuyên).

Kết quả, 98.206 thí sinh đỗ tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 99,56% (tăng 0,27% so với năm 2022), tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 xuống vị trí thứ 16). Khối các trường THPT có 198 trường có tỷ lệ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm trước. Trong đó có 112 trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước (chiếm 47,7%); 149 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% (tăng hơn so với năm trước 51 trường). Khoảng cách chất lượng giữa các trường đã thu hẹp đáng kể. Chỉ còn duy nhất 1 trường có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 90% (năm 2022 con số này là 4 trường).

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-khao-sat-chat-luong-hoc-sinh-lop-12-danh-gia-thuc-chat-168623.html