GRDP quý I của Khánh Hòa tăng 9,07%, công nghiệp, bán lẻ khởi sắc

Đây là số liệu mới nhất vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa công bố về tình hình kinh tế-xã hội trong quý I/2023.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2023. Bên cạnh những điểm sáng về kinh tế, vẫn còn nhiều hạn chế tồn đọng cần được khắc phục sớm trong thời gian tới.

Khánh Hòa gặt hái được nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế - xã hội trong quý I/2023. Ảnh: PV

Những điểm sáng về kinh tế

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,07% so với cùng kỳ năm trước (đứng thứ 4 cả nước), trong đó GRDP theo ngành kinh tế tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,3%. Doanh thu du lịch tăng gấp 3 lần. Thu nội địa tăng 7,1%. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 12,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,92%.

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh quý I/2023 đạt 13.104,9 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 8,5%, so với kể hoạch thực tế UBND tỉnh đã giao đạt 14,1%.

Cũng trong quý I/2023, thu ngân sách Nhà nước của Khánh Hòa đạt 4.107 tỷ đồng, bằng 26,6% dự toán và bằng 84% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2023, Khánh Hòa thu hút tổng cộng 164 dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm, khu công nghiệp như: Suối Dầu, Ninh Thủy, Đắc Lộc, Diên Phú, Diên Phú – VCN, Trảng É 1, Khatoco, Sông Cầu, Trảng É 2. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 hiện đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, dự kiến đi vào khai thác, vận hành trong quý II/2023.

Một góc đô thị thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Thu hút dự án đầu tư ngoài ngân sách tiếp tục giảm

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại và cần khắc phục trong công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến việc kết quả thu hút mới được các dự án đầu tư ngoài ngân sách tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong thời gian này, toàn tỉnh thu hút mới được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách 24 với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 248 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 thu hút được 2 dự án nhưng có tổng vốn khoảng 299,7 tỷ đồng. Có 536 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký là 2.188,3 tỷ đồng, giảm 64,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 933 doanh nghiệp, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, kết quả trên bắt nguồn từ các quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư của Khánh Hòa hiện nay vẫn đang trong quá trình thẩm định, chưa được Trung ương phê duyệt; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh chậm được khởi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Một hạn chế khác là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp so với cùng kỳ; xuất khẩu thủy sản giảm do tình hình biến động kinh tế, chính trị thế giới gia tăng, tình trạng lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng và kế hoạch kinh doanh của tại các thị trường lao dốc.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm giảm, sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu như lúa, ngô giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động ngành du lịch tuy đã cơ bản được phục hồi, tuy nhiên công suất sử dụng phòng bình quân còn rất thấp.

Công bố và tập trung triển khai nhiều quy hoạch trọng điểm trong quý II/2023

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh trong quý II/2023 là tổ chức công bố và tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung khu đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045…

Bên cạnh đó, Khánh Hòa đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023. Hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và 2022 được cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2023…

Xuân Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/grdp-quy-i-cua-khanh-hoa-tang-907-cong-nghiep-ban-le-khoi-sac-250365.html