Giữ từng tấc đất biên cương

'Ngày nào còn đi nương được là ngày đó tôi đến thăm cột mốc' - câu nói của ông Chu Lừ Chừ, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khiến tôi thấy ấm lòng trong những ngày đông rét buốt. Dọc dài biên cương Tổ quốc, tôi đã gặp không ít người dân một lòng bảo vệ phên dậu của đất nước như ông Chừ. Họ là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, người dân sinh sống ở khu vực biên giới. Theo những cách riêng của mình, họ đã và đang giúp đỡ BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, tất cả vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Do tuổi cao, già A Viết Nhựa (ngoài cùng bên phải) không trực tiếp tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP nhưng vẫn giữ vai trò tư vấn cho cán bộ Biên phòng triển khai công tác vận động quần chúng. Ảnh: Ngọc Lan

Ông Chu Lừ Chừ là người dân tộc Hà Nhì, thu hút tôi bởi cách nói chuyện sôi nổi, cởi mở và chân thành. Ông bảo: “Ở vùng biên giới này, người dân và bộ đội thân thiết lắm, làm gì cũng dựa vào nhau. Ngày xưa, bộ đội mang lúa nước lên đây giúp cho dân bản chúng tôi thoát khỏi cái đói. Bây giờ, bộ đội giúp dân làm nhà, tặng con giống phát triển sản xuất, nuôi hộ con của dân. Bà con dân bản tin yêu, quý mến bộ đội nên cũng hết sức giúp đỡ bộ đội bảo vệ biên giới”.

Là người dân biên giới, ông Chừ hơn ai hết hiểu rõ giá trị của từng tấc đất biên cương. Ông Chừ không nhớ rõ số lần đi tuần tra đường biên, cột mốc cùng BĐBP, nhưng địa hình từng mốc ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Ông kể: “Nhiều cột mốc phải đi đường rừng, toàn dốc đứng, trèo đèo rất vất vả. Vào những hôm trời mưa, việc tuần tra vất vả hơn bội phần”. Hiện tại, ông Chừ và người dân trong thôn nhận tự quản cột mốc 26. “Mốc này ở gần nương thảo quả nhà tôi nên tôi có thể đến kiểm tra hằng ngày. Tôi thường phát cỏ xung quanh, lau dọn mốc cho sạch đẹp” - ông Chừ cho biết.

Những người dân biên giới mà chúng tôi đã từng gặp đều chung một tâm nguyện giữ từng tấc đất biên cương. Ông Hoàng Văn Sáu, 70 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Ông cha ta đã mất rất nhiều máu xương mới xây dựng và giữ được hình hài đất nước như hiện tại, vì vậy, tôi thường tâm niệm phải giữ gìn, bảo vệ, không được để mất dù một tấc đất”.

Nghĩ là làm, trong thời gian qua, ông Sáu luôn giúp đỡ BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ông tham gia đi khảo sát xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới. Khi thực hiện phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt - Trung, ông cùng bà con trong xã tham gia vận chuyển mốc lên đường biên để cắm mốc. Trong nhiều năm, ông tự nguyện phát quang đường biên, tham gia tuần tra biên giới định kỳ. “Ngày xưa, chúng tôi đi bộ tuần tra biên giới từ sáng đến tối mới về. Mỗi người mang theo cơm nắm để ăn trưa. Đường đến cột mốc 1276 rất trơn trượt, khó đi, còn tới cột mốc 1277 thì phải vượt qua những con dốc cao và dài. Bây giờ, tôi vẫn thường đi thăm các cột mốc, nếu thấy có bất thường, tôi sẽ báo ngay cho Đồn Biên phòng Bắc Xa” - ông Sáu chia sẻ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring thường xuyên trao đổi tình hình, đề nghị già Hiên Giăng vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Ngọc Lan

Ngược về vùng cao Quảng Nam, chúng tôi được nghe câu chuyện một lòng, một dạ vì BĐBP của già Hiên Giăng, ở thôn 49A, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, điều mà già Hiên Giăng nhớ mãi là tấm lòng vì dân của những người lính Biên phòng nơi đây. Vùng biên Đắc Pring trước đây vốn là vùng đất nhiều không: Không đường, không trường, không trạm, không điện. Trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, quân và dân đều phải dựa vào nhau. “Sợ nhất là dịch bệnh, bởi xưa kia, thuốc thang không có sẵn như bây giờ, đường sá lại xa xôi cách trở, không ít người bị chết do không được cấp cứu kịp thời. Có lần con trai tôi bị sốt rét, chúng tôi đã chữa trị ở nhà nhiều ngày mà bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Chúng tôi chỉ biết trông chờ vào đồn Biên phòng. Tôi đã đưa con lên đồn nhờ cán bộ quân y chữa trị mới thoát chết” - già Hiên Giăng cho biết.

Đáp lại ân tình đó, già Hiên Giăng hết lòng giúp đỡ những người lính quân hàm xanh. Hồi đó, Đồn Biên phòng Đắc Pring đóng quân ở núi cao, muỗi rừng nhiều nên bệnh sốt rét có cơ hội hoành hành. Không ít người lính bị sốt rét ác tính xém chết. Thương BĐBP đóng quân nơi rừng thiêng, nước độc, năm 1987, già Hiên Giăng đã hiến một phần đất của mình để Đồn Biên phòng Đắc Pring xây dựng doanh trại ở địa điểm thuận lợi hơn, chính là vị trí đơn vị đang đóng quân hiện tại. Khi xây dựng đồn, những người lính Biên phòng vẫn giữ nguyên cây đa mà già Hiên Giăng đã trồng. Cho đến bây giờ, cây đa của già Hiên Giăng - vật chứng của tình quân dân thắm thiết vẫn xanh tươi do được những người lính Biên phòng chăm sóc mỗi ngày.

Già A Viết Nhựa ở xã La Êê, huyện Nam Giang cũng chọn cho mình cách sống trọn tình với BĐBP với biên cương Tổ quốc. Suốt nhiều năm qua, người đàn ông Cơ Tu này luôn là tấm gương sáng trong phòng trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Già Nhựa kể, khu vực biên giới Quảng Nam có địa hình rất hiểm trở, nhiều núi cao, vực sâu, muỗi, vắt rất nhiều, việc đi tuần tra biên giới vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần đi tuần tra, già Nhựa và những người lính Biên phòng đều phải trèo đèo, lội suối, phát cây, mở đường, ngủ đêm lại trên rừng. “Tôi thương BĐBP vất vả nên muốn đóng góp một phần sức mình tuần tra bảo vệ biên giới” - già Nhựa chia sẻ.

Với đóng góp của mình, những già làng, trưởng bản đã thực sự trở thành “cột mốc sống” giúp đỡ BĐBP bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền,an ninh biên giới quốc gia. Sự giúp đỡ của họ đã tạo dựng “thế trận lòng dân” bồi đắp thành lũy bảo vệ biên cương dày hơn, vững thêm.

Chia sẻ lý do hiến đất cho BĐBP xây đồn, già Hiên Giăng cười, cất giọng trầm ấm: “Tôi muốn góp sức mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tôi giúp đỡ BĐBP chính là để thực hiện tâm niệm đó, bởi BĐBP có vững mạnh thì mới bảo vệ được đường biên, cột mốc”.

Ngọc Lan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-tung-tac-dat-bien-cuong-post472929.html