Giữ mãi phẩm chất anh hùng giữa đời thường: Bài 1: 'Cây đại thụ' trong lòng đồng bào dân tộc Pa Kô

Một ngày giữa tháng Tám, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tới thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vừa tới nơi, Đại tá Vũ Quốc Bình, Trưởng Ban tuyên truyền vận động của Hội tiết lộ nhà hai Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Hồ Đức Vai và Hồ Kan Lịch gần đây lắm. Vậy là, chúng tôi có 'cái duyên' được gặp 2 chú cháu cùng là Anh hùng người dân tộc Pa Kô.

Người con ưu tú của bản làng

Hỏi thăm người dân ở huyện A Lưới nhà của Anh hùng Hồ Đức Vai (hay còn gọi là Hồ Vai) thì từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết. Ông nổi tiếng không chỉ bởi mưu trí, dũng cảm, đánh giặc giỏi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng nhiều lần được ra miền Bắc báo công với Bác Hồ mà còn bởi cho đến nay khi đã ngoài 80 tuổi, Hồ Vai vẫn luôn xứng danh là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Pa Kô.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Vai trong buổi chiều nắng gắt. Vì đến đường đột, không báo trước nên mọi người trong gia đình ông Hồ Vai khá bất ngờ. Đến khi nghe giới thiệu chúng tôi từ Hà Nội vào, ông Hồ Vai đi vào nhà trong, mặc quân phục chỉnh tề rồi mới ra tiếp khách.

 Anh hùng Hồ Đức Vai hào hứng kể lại những chiến công đánh giặc của mình. Ảnh: LÂM KHÁNH

Anh hùng Hồ Đức Vai hào hứng kể lại những chiến công đánh giặc của mình. Ảnh: LÂM KHÁNH

Trong căn phòng khách nhỏ, thoáng mát treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, huy hiệu 50 năm, 55 năm tuổi Đảng của vợ chồng ông. Đặc biệt, bức ảnh ông Hồ Vai đứng cạnh Bác Hồ được treo trang trọng giữa phòng khách, mà mỗi lần nhìn vào ông Vai lại ứa nước mắt.

Ngược thời gian trở về quá khứ, khi lên 6 tuổi, Cu The hay còn có tên nữa là A Vai (tên lúc nhỏ của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đức Vai) mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống nhờ vào sự đùm bọc của đồng bào thôn bản. Cách mạng về, A Vai gia nhập bộ đội địa phương chống càn, bảo vệ cuộc sống người dân trên mảnh đất A Lưới.

Từ năm 1960 trở đi, A Lưới là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của ta nên kẻ địch luôn tập trung mọi nguồn lực, phương tiện chiến tranh và bom đạn để triệt phá. Theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, đồng bào dân tộc Pa Kô đã nêu cao tinh thần chiến đấu chống giặc, đập tan hàng trăm cuộc càn quét lớn, nhỏ của địch. Riêng A Vai, chỉ trong năm 1961 đã tham gia đánh giặc hơn 20 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Sau đó còn nhiều chiến công khác vào những năm 1963, 1964, 1965… khiến cái tên A Vai trở thành nỗi ám ảnh của kẻ thù…

Nhắc đến đây, người lính già Hồ Vai chớp mắt liên tục, không hiểu có phải do ánh nắng chiều hắt qua song cửa sổ khiến ông bị chói mắt hay những ký ức dội về làm ông xúc động.

“Vậy trận đánh nào khiến ông nhớ nhất?”-tôi hỏi? “Nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất trận tấn công vào một tiểu đoàn địch trong cơn mưa tầm tã”, ông Vai hồ hởi trả lời.

Rồi ông kể: Hôm đó, một tiểu đoàn của địch đi càn vào làng. Người dân chạy về làng báo tin cho anh em bộ đội. Lúc đó mọi người đều đi làm nhiệm vụ, chỉ mình tôi đang bị sốt rét nằm nhà. Nhưng lòng căm thù giặc đã chiến thắng những cơn sốt rét run người. Tôi cầm súng tiểu liên chạy về hướng có địch. Thấy đội hình địch đang hành quân, tôi cầm súng tiểu liên quét ngang liên hồi, nhưng không trúng ai. Nhảy xuống khe núi lẩn tránh, địch không tìm thấy nên tiếp tục đi vào làng trong mưa. Liều mạng, tôi nhập vào đội hình địch (do mặc áo mưa nên bọn chúng không phát hiện có người trà trộn vào). Tôi kẹp súng vào nách và đi cùng địch một đoạn đường. Đến vị trí thuận lợi, tôi tách đội hình, vượt lên phía trước và leo lên cây ngồi chờ. Khi địch tới gần, tôi bóp cò. Khổ nỗi, đạn không nổ. Bình tĩnh xử lý tình huống, tôi bóp cò lần hai. Bọn lính đi càn lúc đó đang đeo súng sau lưng nên bị bắn bất ngờ, không kịp trở tay. Tôi không bắn từng tên một mà bắn dọc, nã đạn liên tục, tiêu diệt liền lúc 40 tên. Bọn địch hoảng loạn tháo chạy, bỏ cả đi càn.

Gặp Bác Hồ và những giây phút không quên

“Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Mỗi trận đánh, mỗi kỷ niệm vui, buồn đều in dấu trong tôi. Thế nhưng, kỷ niệm sâu đậm nhất, ngọt ngào và thiêng liêng nhất là những lần được gặp Bác Hồ”, ông Hồ Vai vừa nói vừa ngước lên nhìn bức ảnh chụp chung với Bác Hồ treo trên tường.

Đó là một buổi chiều tháng 10-1965, A Vai được gặp Bác Hồ. Khi gặp Bác, thấy Người quá bình dị, A Vai đã òa khóc. Bác ân cần hỏi thăm cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của đồng bào, của quân dân A Lưới. A Vai thấy Bác gần gũi nên xin đổi sang họ Hồ của Bác. Bác cười hiền hậu và đặt tên là Hồ Đức Vai.

Bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được Anh hùng Hồ Vai treo trang trọng ở phòng khách (trong ảnh: Anh hùng Hồ Vai đứng cạnh Bác Hồ phía bên phải).

Bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được Anh hùng Hồ Vai treo trang trọng ở phòng khách (trong ảnh: Anh hùng Hồ Vai đứng cạnh Bác Hồ phía bên phải).

Nhấp ngụm trà xanh, Anh hùng Hồ Vai kể tiếp: Có lần, Bác hỏi tôi: “Dân tộc cháu có bao nhiêu người?”. Tôi lễ phép đáp: “Báo cáo Bác, dân tộc cháu đông lắm”. “Thế họ có biết nói tiếng Kinh không?”. “Có ạ, ai cũng biết nói tiếng Kinh”.

Bác hỏi tỉ mỉ nhiều thứ, rồi Bác nói: “Cháu nói Bác nghe được nhưng nhiều người chưa nghe được vì cháu nói chưa đúng dấu. Bác dặn cháu cố gắng học chữ, học tiếng Kinh để nói chuyện với mọi người. Có biết đọc, biết viết thì nói tiếng Kinh mới rõ được, mới làm cán bộ của đồng bào, phục vụ cách mạng được...”. Trở về quê hương, tôi nhờ anh em cán bộ biết tiếng Kinh dạy chữ, học thuộc từng câu viết để sớm trở thành người cán bộ nói thông viết thạo như lời Bác Hồ dạy.

Cũng theo lời ông Hồ Vai, trong cuộc đời ông may mắn được gặp Bác và được ăn cơm, trò chuyện thân mật với Bác tổng cộng 6 lần. Mỗi lần gặp, Bác đều thăm hỏi, động viên, dặn dò rất kỹ. Bây giờ, tuy Bác đã đi xa, nhưng dù vậy, đồng bào Pa Kô luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước.

Dân tộc Pa Kô là con cháu Bác Hồ….

Tự hào về cái tên được Bác đặt cho, ngày Hồ Đức Vai trở về, quân dân A Lưới tổ chức mít tinh để ông kể về chuyện được gặp Bác Hồ. Cũng từ đó, người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều trên đất A Lưới đều mang họ Hồ. “Ngày đó, báo đài đều đưa tin: Dân tộc Pa Kô là con cháu Bác Hồ”, ông Hồ Vai phấn khởi nói.

 Sau khi nghỉ hưu, ngoài tham gia công tác xã hội, Anh hùng Hồ Vai ở nhà trồng cây, nuôi gà, sống vui quây quần cùng con cháu. Ảnh: Lâm Khánh

Sau khi nghỉ hưu, ngoài tham gia công tác xã hội, Anh hùng Hồ Vai ở nhà trồng cây, nuôi gà, sống vui quây quần cùng con cháu. Ảnh: Lâm Khánh

Riêng với bản thân mình, Hồ Vai nguyện biến những giá trị của một người anh hùng giữa đời thường bằng những hành động cụ thể. Dù bất cứ ở cương vị nào, dù là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới, đại biểu Quốc hội khóa VI và VII, hay cả khi đã nghỉ hưu, ông Vai tích cực tham gia tuyên truyền, kêu gọi bà con dân bản hăng hái tham gia lao động sản xuất, bám bản làng, trồng tỉa.

83 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, tuy đôi chân giờ không còn rắn rỏi nhưng ông Hồ Vai thường xuyên tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những nạn nhân chất độc da cam để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia. Đồng thời, ông kêu gọi các dân tộc thiểu số trên đất A Lưới hăng hái lao động sản xuất, đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. “Ngày xưa bà con rất khổ, bây giờ ta xây dựng cuộc sống định canh định cư, nay là tốt rồi. Ở đây có 5 dân tộc là Pa Kô, Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hy và người Kinh sinh sống vui lắm….”, ông Hồ Vai nói.

Chia tay ông Hồ Vai-“cây đại thụ” của đồng bào dân tộc Pa Kô-khi ánh nắng chiều vừa tắt, chúng tôi vô cùng cảm phục ý chí, sự gan dạ, dũng cảm của ông. Nay dù tuổi cao, sức khỏe đã giảm nhưng nụ cười của ông vẫn luôn rạng rỡ, lạc quan và yêu đời.

(còn nữa)

LINH OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/giu-mai-pham-chat-anh-hung-giua-doi-thuong-bai-1-cay-dai-thu-trong-long-dong-bao-dan-toc-pa-ko-741262