Giờ dạy sáng tạo của cô giáo Hóa học với nhiều thông điệp ý nghĩa

Khi dạy về chất Alcohol thuộc chương trình Hóa học hữu cơ lớp 11, cô Trần Thị Thúy đã truyền thông điệp lái xe thì không uống rượu bia tới cộng đồng.

Cô Trần Thị Thúy và các em học trò trong một giờ dạy môn Hóa học trên lớp.

Tham gia với tinh thần cống hiến

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT năm học 2023-2024. Hội thi cấp thành phố năm nay được tổ chức 4 môn gồm Vật lý, Hóa học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh với sự tham dự của 144 thầy cô.

Là một trong số các giáo viên đạt giải Nhất môn Hóa học, cô Trần Thị Thúy đến từ Trường THPT Sóc Sơn bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng về kết quả vừa qua. Với bài dạy Alcohol thuộc chương trình hóa học hữu cơ lớp 11, cô đã khéo léo truyền thông điệp về việc đã uống rượu bia thì không lái xe cũng như vấn đề bảo vệ môi trường.

Cô Trần Thị Thúy là một trong các giáo viên đạt giải Nhất hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp THPT năm nay.

Cô giáo Trần Thị Thúy tốt nghiệp Khoa Hóa học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với tấm bằng loại giỏi. Cô giáo trẻ vào nghề với tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề và luôn cố gắng học hỏi. Năm 2018, cô Thúy tiếp tục học cao học và có bằng thạc sĩ năm 2020. Trong suốt nhiều năm công tác, cô Thúy luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được đồng nghiệp, học trò và phụ huynh quý mến.

Cô Nguyễn Thị Diệu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn cho hay, ban giám khảo hội thi đánh giá, cô Thúy đã dũng cảm chọn dạy Hóa học hữu cơ lớp 11 theo Chương trình GDPT 2018 mà rất ít giáo viên trong thành phố chọn dạy. Dạy theo chương trình mới có sự thay đổi toàn bộ danh pháp các chất hóa học so với Chương trình GDPT 2006. Cô Thúy đã phát âm rất chuẩn tên các chất hữu cơ, đây là kỹ năng mà không phải giáo viên nào cũng thực hiện tốt.

Trong giờ dạy, cô Thúy đã sáng tạo tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn; chú trọng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực học sinh. Đặc biệt, cô tổ chức những hoạt động học tập rồi liên hệ kiến thức bài học với thực tế cho học sinh tư duy, trả lời.

Ví dụ, tính toán nồng độ cồn trong hơi thở của người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia. Từ đó tuyên truyền “Không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông” do tác động của Alcohol đến thần kinh có thể gây ra tình huống mất kiểm soát, gây nguy cơ mất an toàn cho chính mình cũng như người đi đường.

Bên cạnh đó, trong giờ học, học sinh được thảo luận và tìm hiểu về xăng sinh học E5 bằng hoạt động hết sức sinh động. Từ đó đưa ra thông điệp tuyên truyền bảo vệ môi trường với chủ đề “sử dụng năng lượng xanh vì một trái đất xanh”.

Những sáng tạo trong giảng dạy

Trong giảng dạy, cô Thúy luôn có nhiều sáng tạo để đem đến những giờ học ý nghĩa cho học trò.

Cô Trần Thị Thúy chia sẻ, để nâng cao hiệu quả giảng dạy môn hóa, giúp học sinh hứng thú thì giáo viên phải luôn nhiệt huyết, yêu nghề, yêu bộ môn của mình. Bản thân có yêu thì mới lan tỏa được tình yêu môn Hóa học đến học sinh và biết cách truyền lửa đến trái tim của các em.

Thầy cô cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các kỹ thuật dạy học hiện đại trong giờ học; tổ chức các hoạt động để tăng cường sự tương tác giữa giáo viên - học sinh, học sinh với nhau như chơi trò chơi, đóng kịch...; luôn gắn kiến thức bộ môn với thực tế cuộc sống.

Để có được giờ dạy thành công phải từ sự sáng tạo và nhiệt huyết của giáo viên. Việc triển khai tổ chức dạy học theo chương trình GDPT 2018 tại các nhà trường phải được thực hiện hiệu quả. Việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học đã trở thành hoạt động thường xuyên, sự hỗ trợ giữa các đồng nghiệp càng được gắn kết, tạo cơ hội phát triển cho các giáo viên trẻ.

Hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố gồm các giáo viên xuất sắc được lựa chọn từ vòng thi cấp cụm. Trường THPT Sóc Sơn có 3 giáo viên dự thi đã đạt 1 giải Nhất môn Hóa học và 2 giải Nhì ở môn Vật lý, Giáo dục Quốc phòng & An ninh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tham gia hội thi năm nay đa số là các thầy cô giáo trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Song chất lượng tiết dạy của các thầy cô đều không hề thua kém các thầy cô đã có kinh nghiệm giảng dạy. Cùng với sự hỗ trợ từ phía đồng nghiệp, với quyết tâm vượt lên chính mình, khao khát được thể hiện mình, các thầy cô đã nhanh chóng trưởng thành để tiếp tục cống hiến cho nền Giáo dục Thủ đô ngày một phát triển.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gio-day-sang-tao-cua-co-giao-hoa-hoc-voi-nhieu-thong-diep-y-nghia-post680006.html