Giải phóng mặt bằng là 'then chốt' thúc đẩy các dự án mở rộng đô thị cán đích

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án phát triển hạ tầng được đẩy mạnh triển khai. Thực tế cho thấy, với công tác này, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai dự án, để phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng.

Còn nhiều rào cản

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Công tác GPMB tại Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai linh hoạt, sát thực tế, nhờ vậy đã thu được kết quả tích cực, giúp nhà thầu có mặt bằng sạch để thi công, qua đó đảm bảo tiến độ đề ra.

Tại các đô thị lớn, việc phát triển theo mô hình TOD đóng vai trò đặc biệt quan trọng. TS Lê Chính Trực - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên 3359,8km2 với quy mô dân số dự kiến năm 2045 là 14,6 triệu người sẽ hình thành đô thị cực lớn. Do vậy, việc xây dựng Thành phố theo hình thức TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng, giảm đô thị hóa tràn lan… Ngoài ra, làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm giao thông cá nhân, ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc, giải trí.

Đáng chú ý, trong các dự án phát triển hạ tầng liên quan đến TOD thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đóng vai trò hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, để hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035 thì cần đi theo 5 lĩnh vực trọng yếu bao gồm: Quy hoạch; Thu hồi đất, GPMB; Huy động nguồn lực từ đất đai; Tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ; Mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.

Trong đó, công tác GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… Thực hiện tốt công tác GPMB góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, công tác GPMB tại các dự án hiện nay đang gặp phải những vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức cũng chỉ ra, hiện nay tại các dự án, các vướng mắc về đất đai, quy hoạch là phổ biến. Trong đó, công tác GPMB thường chịu chung cảnh chậm và khó. Chậm vì vướng các thủ tục và quy trình đầu tư nhiều bước, chậm vì phải xác định nguồn gốc đất và đặc biệt là chậm vì cơ chế phối hợp và thẩm quyền xử lý phân tán…

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khi GPMB cần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.

Chia sẻ quan điểm trên khía cạnh pháp lý, Luật sư Lê Nết - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, GPMB càng chậm thiệt hại càng lớn. Bản chất của quá trình GPMB là luôn biến động tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay của Luât Quy hoạch chưa xem xét đến việc thực hiện dự án TOD có thể gây cản trở tới vấn đề GPMB.

Ví dụ, nếu đằng sau khu vực ga Hà Nội được quy hoạch để xây dựng khu vực TOD (tòa nhà văn phòng, chung cư tái định cự tại chỗ cho toàn bộ người dân giữa Ga 11 và Ga 12 tuyến số 3), thì nếu nhiều người dân họ muốn được nhận 100 m2 căn hộ (thay vì 60 m2), tất yếu sẽ dẫn đến tăng chiều cao các khu chung cư tái định cư. Trong khi đó, quy hoạch đô thị yêu cầu phải có mảng cây xanh, gần khu phố cổ thì phải hạn chế chiều cao v.v. sẽ dẫn đến khó thảo luận với người dân về phương án di dời hay đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm trễ dự án.

Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 18 Luật Quy hoạch, để lập quy hoạch cấp tỉnh thì cần phải qua 9 bước. Dĩ nhiên, đến khi sửa đổi, bổ sung quy hoạch cũng phải qua 9 bước đó. Do vậy, nếu không có một cơ chế riêng, linh hoạt đối với dự án TOD được phản ánh trong Luật Quy hoạch, sẽ khó tìm ra giải pháp đạt được tiến độ hoàn thành GPMB trong thời hạn yêu cầu.

Gỡ khó cách nào?

Thực tế, việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác GPMB đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần đưa dự án hạ tầng “về đích” đúng hạn. Hiến kế cho công tác này, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho rằng, hoàn toàn có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB đối với công tác lập dự án thành phần GPMB.

Theo ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, tại Dự án Vành đai 4 thì việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện.

Luật sư Lê Nết cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB cần tiến hành song song các bước. Đặc biệt là cần có một cơ chế riêng, linh hoạt đối với dự án TOD.

Đặc biệt, việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án. Tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

“Việc tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp GPMB đi trước một bước, đồng thời trong việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, trong đó thành phố Hà Nội chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân; các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc và ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án…” - ông Đỗ Đình Phan hiến kế.

Ông Lê Nết cho rằng, quy hoạch đã chậm, đầu tư công đã chậm, mà quy trình đền bù GPMB cũng không nhanh được, dẫn đến chậm giải ngân và chậm thực hiện dự án. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB cần tiến hành song song các bước. Đặc biệt là cần có một cơ chế riêng, linh hoạt đối với dự án TOD.

Công tác GPMB triển khai hiệu quả sẽ giúp các dự án liên quan đến phát triển đô thị sớm "về đích".

Nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, pháp luật đất đai cần quy định cụ thể về phạm vi thực hiện quyền bề mặt của mỗi thửa đất để minh bạch phạm vi thực hiện quyền bề mặt và xác định rõ ràng mức bồi thường đối với không gian bên trên và bên dưới thửa đất. Đến nay, luật pháp chưa thống nhất cách tiếp cận cũng là một trở ngại pháp lý cho phát triển đô thị, nhất là các đô thị dạng nén.

Rõ ràng, từ thực tế cho thấy công tác GPMB đang gặp phải những vướng mắc nhất định, đặc biệt nếu công tác này bị chậm sẽ kéo theo những hệ lụy khiến các dự án trì trệ, không đạt tiến độ. Bởi vậy, đối với các dự án lớn tại các đô thị lớn thì rất cần một cơ chế thoáng và linh hoạt trong vấn đề này.

Đinh Luyện - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-phong-mat-bang-la-then-chot-thuc-day-cac-du-an-mo-rong-do-thi-can-dich-165161.html