Giải pháp cho các khu công nghiệp sinh thái

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 416 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có bốn khu chế xuất với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho thấy, nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các khu công nghiệp của Việt Nam đã được quy hoạch lên đến khoảng 600-650 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp lên đến khoảng 650-700 tỷ USD.

Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và tái cấu trúc, chuyển đổi 293 khu công nghiệp hiện hữu thành các khu công nghiệp sinh thái để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng rất lớn.

Theo ghi nhận của Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam, thời gian triển khai một dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có thể kéo dài hơn 3 năm, thậm chí 5 năm vì gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc về khung pháp lý, giải phóng mặt bằng…, nhất là đầu tư theo mô hình khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đưa ra các định nghĩa rõ hơn về khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao… nhưng quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Hiện tại, việc thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đang bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Đó là quy hoạch, định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu tầm nhìn tổng thể, tính dài hạn, còn dàn trải theo địa giới hành chính, thiếu liên kết ngành và liên kết vùng; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong nước vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy, chưa thật sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và xã hội của dự án đầu tư cho nên hiệu quả đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Mặt khác, do năng lực tài chính hạn chế, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp còn có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp.

Để huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, cần có những thay đổi căn bản trong việc khai thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái cần được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể, khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-phap-cho-cac-khu-cong-nghiep-sinh-thai-169126.html