Giải bài toán thiếu hụt bác sỹ ở các đội tuyển thể thao

Trải qua 78 năm hình thành và phát triển của ngành Thể thao Việt Nam, bác sĩ thể thao – người có đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của thể thao Việt Nam trong nhiều giải đấu quốc tế.

Công việc thầm lặng

Tại Asiad 19, Thể thao Việt Nam giành được 3 tấm HCV ở các môn bắn súng, Karate, cầu mây. Đó là những thành quả không biết mệt mỏi của các HLV, VĐV trong thời gian dài tập luyện để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Mỗi khoảnh khắc chiến thắng của HLV, VĐV và niềm vui hạnh phúc vỡ òa của 1 tấm HCV không thể thiếu những đóng góp của các bác sỹ thể thao. Trải quả 78 năm hình thành và phát triển của nền Thể thao Việt Nam, những người hùng áo trắng đã và đang thầm lặng với công việc của mình nhưng lại đóng góp chuyên môn rất lớn đản bảo tốt nhất sức khỏe cho các VĐV.

Thể thao Việt Nam cần giải bài toán thiếu hụt bác sỹ ở các đội tuyển. Ảnh: Bùi Lượng.

Trong các kỳ Đại hội thể thao, thành phần bác sỹ, chuyên gia hồi phục thể lực theo Đoàn Thể thao Việt Nam đều được bố trí cụ thể. Duy nhất, các đội tuyển thể thao bóng đá nam, bóng đá nữ là có bác sỹ riêng đi cùng đội. Tại Asiad 19 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), đội ngũ bác sỹ của Đoàn Thể thao Việt Nam là 22 người (trong đó có 4 bác sỹ của đội bóng đá nam, bóng đá nữ).

Ở đội cầu mây Việt Nam, người hùng áo trắng luôn sát cánh cùng đội tuyển là bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng thuộc Viện khoa học TDTT. Không ngại ngày đêm, bất cứ lúc nào đội cần là bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng có mặt để chăm sóc cho các VĐV nhằm tránh những chấn thương, hồi phục thể lực nhanh nhất để sẵn sàng thi đấu.

“Toàn đội vẫn gọi đùa vui bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng là thần y. Công tác về y tế, sức khỏe mang tính chất chuyên môn chuyên biệt, bác sỹ Thắng luôn trách nhiệm hết khả năng của mình cùng các HLV đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho VĐV” - lãnh đội cầu mây tại Asiad 19 Lê Thanh Sơn cho biết.

Trong khi đó, “thần y” của đội Karate Việt Nam là bác sỹ Nguyễn Văn Triển cũng âm thầm làm công tác chuyên môn mảng y tế giúp đội đạt mục tiêu cao nhất. Thành quả của cả tập thể với tấm HCV tại Asiad 19 không thể thiếu sự đóng góp của anh.

“Bác sỹ Nguyễn VănTriển là người nhiệt tình, chu đáo, có chuyên môn tốt. Trong suốt thời gian chúng tôi làm nhiệm vụ thi đấu tại Asiad 19 luôn được sự quan tâm, bám sát 24/24 của bác sỹ, sẵn sàng giúp đỡ VĐV nếu gặp vấn đề sức khỏe” - lãnh đội Karate Việt Nam tại Asiad 19 Vũ Sơn Hà cũng chia sẻ.

Thật khó để thấy những hình ảnh của các bác sỹ thể thao xuất hiện bên ngoài khi các VĐV giành thành tích cao, những âm thầm phía sau chỉ nở nụ cười khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp các VĐV đủ sức khỏe, giành chiến thắng chuyên môn.

Cần có cơ chế mở

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, số lượng y, bác sĩ theo Đoàn Thể thao Việt Nam luôn bị thiếu hụt lớn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung. Tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự hơn 700 VĐV nhưng chỉ có 31 bác sĩ và Asiad 19 là gần 380 VĐV, chỉ có 16 bác sĩ. Đây là con số nói lên sự thiếu hụt bác sỹ nghiêm trọng của Thể thao Việt Nam.

Hiện tại, theo thống kê, mỗi bác sĩ theo đội tuyển của Đoàn Thể thao Việt Nam ngoài chăm lo sức khỏe, điều trị chấn thương thì mỗi tối còn kiêm thêm cả massage, hồi phục cho hơn 10 VĐV.

“Không chỉ lo chăm lo về mặt sức khỏe, dinh dưỡng, nhiều khi các bác sĩ còn phải đảm đương luôn công việc của chuyên gia tâm lý” – Trưởng phòng Y sinh Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Trọng Hiền cho biết.

Hiện tại, trong các quy định về tập trung huấn luyện và thi đấu dành cho thể thao không có quy định cụ thể đề cập rằng sẽ có lực lượng bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia hồi phục thể lực cùng. Đáng chú ý, các theo quy định, việc tập trung dành cho hai đối tượng cụ thể là HLV và VĐV. Các chế độ về lương, thưởng cũng chỉ quy định dành cho HLV, VĐV, chưa có thành phần bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia hồi phục thể lực. Việc chăm sóc sức khỏe, vấn đề y tế của từng đội tuyển sẽ do bộ phận y tế của từng Trung tâm HLTTQG chịu trách nhiệm.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 mang chủ đề “Nâng tầm Asiad, khát vọng Olympic” do Cục TDTT thực hiện cũng đã trao đổi và đưa ra giải pháp. Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, giải pháp sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho VĐV, sử dụng hệ thống khoa học công nghệ hiện đại mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh phát huy những mặt mạnh của kỹ thuật. Từ đó đưa ra giải pháp tối ưu nâng cao kỹ thuật cho VĐV. Với các đội tuyển trọng điểm, quá trình huấn luyện cần có sự theo dõi của đội ngũ y, bác sỹ thể thao để đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý thể thao. Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, để có lực lượng y, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, cần có chiến lược dài hơn.

Theo Trưởng phòng y học thể thao (Liên đoàn bóng đá Việt Nam), để tìm kiếm và nâng cao cần có 2 hướng: “Một là đào tạo tại chỗ với các y, bác có với đội ngũ y, bác sĩ hiện có ở các Trung tâm HLTTQG, bệnh viện Thể thao Việt Nam. Hai là liên kết với một số các bệnh viện có đào tạo về y học thể thao để có thêm nguồn nhân lực về sau. Hiện nay, lực lượng đội ngũ y bác sĩ theo các đội tuyển mỏng và thường xuyên quá tải”.

Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Sức khỏe và thể dục” đăng trên báo Cứu quốc số 199, nhằm kêu gọi toàn dân tham gia tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe. Từ năm 1991, ngày 27/3 hằng năm được chọn là “Ngày Thể thao Việt Nam” nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh.

Hoàng Quân - Ngọc Mai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-bai-toan-thieu-hut-bac-sy-o-cac-doi-tuyen-the-thao.html