Giặc cái

'Cái lũ giặc cái này! Chúng mày nghịch nó vừa vừa thôi!. Ông già mắt kém ngã ra rồi đây này! Bố mẹ chúng mày đâu mà để chúng mày nghịch thế!'.

Bố mẹ nó ở trong nhà, nghe tiếng người đàn bà chửi, chỉ thở dài, không dám chạy ra, biết ngay là sẽ có nó trong cái đám "giặc cái" ấy.

Cái lũ giặc cái ấy là những đứa trẻ chín, mười tuổi, toàn là con gái, nghịch như quỷ sứ nhà trời, mà nó là thủ lĩnh.

Buổi trưa hôm ấy, cả lũ bị chửi là vì chúng nó té nước lên dốc lối đi từ dưới sông lên bờ, làm cho ông cụ, (bố người đàn bà) đi tắm truồng, bị trơn, ngã chổng kềnh, bỏ hai tay úm dưới rốn ra, giơ lên trời. Còn lũ chúng nó, nấp trong bụi cây, cười ré lên, chạy tá lả.

Ở cái làng quê đất bãi ven sông này, không ai lạ gì chúng nó. Buổi trưa mùa hè, cả nhà ngủ yên, chúng nó trốn ra ngoài, cùng tụ tập, rủ nhau ra sông tắm.

Dòng sông Hồng về mùa hè, nước đỏ ngầu phù sa, chảy mạnh. Chúng nó rủ nhau lấy liềm cắt cỏ, nạo đất cho phẳng, theo độ dốc từ trên bờ xuống sông rồi té nước lên làm cầu trượt. Thế là cả lũ lần lượt trượt từ trên xuống, mình mẩy đầy bùn đất. Trong đất nhiều khi còn lẫn những mảnh vỏ ốc, vỏ sò, vỏ hến, cào vào da thịt làm cho chúng nó rách cả da bụng, máu chảy đỏ lòe lẫn cả bùn đất phù sa. Chẳng hề hấn gì, chúng nó lên bờ, lấy lá chuối non, nhai rập, rịt vào chỗ rách cho cầm máu, lại trượt tiếp. Bụng đau, chúng nó nằm ngửa lên để trượt, lại vướng vật cứng, lại rách lưng, lại chảy máu. Không sao cả, nằm ngửa đau, nằm sấp đau thì chúng nằm lên để trượt. Mà ngồi trượt thì có lúc lại rách cả mông. Cứ như vậy mà người ngợm chúng nó ở bụng, ở mông và ở lưng đầy những sẹo.

"Thôi, đi đánh răng, tắm xong rồi về!" - Nó (thủ lĩnh của đám choai choai) ra lệnh.

Cả bọn nhảy ào xuống sông, bắt đầu lặn xuống nước, gạt lớp bùn phù sa trên bề mặt, vục sâu tay xuống, lấy cát sạch nắm chặt vào tay cho khỏi trôi. Chúng bắt đầu cho cát vào miệng, lấy tay đánh răng. Chúng lùa đi lùa lại trong miệng, nghe ken két, ken két. Rồi, chúng vục miệng xuống sông cho nước ùa vào, ùng ục... ùng ục... làm cát ở miệng trôi hết. Sau đó, đứa nọ nhe răng cho đứa kia xem, hỏi trắng chưa? Thấy đối phương bảo trắng rồi thì thôi, còn nếu chưa thì tiếp tục lấy cát, đánh tiếp. Cách đánh răng như thế mà răng chúng nó trắng lắm. Thế mới tài.

Xong tiết mục đánh răng, chúng nó tắm rửa qua loa, lên bờ mặc quần áo ra về. Trên người chúng nó, những váng phù sa vẫn còn in loang lổ, tóc tai bê bết cát. Kệ nó, khô là nó tự khắc rời.

Suốt ngày dãi nắng chăn trâu, cắt cỏ, kiếm bã lợn, củi đun, người chúng nó đen nhẻm, da dẻ cóc cách, tóc đỏ như lông bò và cứng như rễ tre, đầu tóc đầy trứng chấy. Cứ như vậy, chúng nó lớn lên như cỏ dại, ít khi thấy ốm đau.

Thành tích của chúng nó còn phải kể đến cái trò trêu chọc những người trên thuyền hoặc xà lan chở hàng trên sông. Thấy thuyền đi qua, chúng cũng bắt chước người lớn, hò hát, ví von khích bác, trêu ghẹo.

- Hò ơ.....hò

Thuyền kia đi ơ...ơ.. ngược mà về.. ..ơ..ơ..xuôi

Có thằng cầm lái b.b...tao cho tao....ơ hò....

- Hò ơ...hò...

Ước gì anh ơ...ơ... hóa mà thành ơ....ơ chum

Em hóa thành ơ...ơ.. váy em trùm anh lên anh...ơ hò....

V....v....và v...v. Còn nhiều câu hò lắm.

Nào đã xong, cậy ở trên bờ, dễ chạy, chúng nó quay lưng lại, chổng mông ra sông, vỗ đen đét và chửi bậy.

Trên thuyền thì có những chàng trai còn trẻ, nhưng cũng có những bác trung niên đáng tuổi bố mẹ chúng nó, nghe chúng nó nói láo, tức lắm nhưng không làm sao được, đành chờ dịp trả thù.

Và rồi đi đêm lắm thì cũng có ngày gặp ma. Một lần đang quay lưng, vỗ mông chửi bậy, bất thình lình, có một thủy thủ trên xà lan, từ từ lặn ngầm xuống sông, nhảy lên bờ, tóm được một đứa. Cả bọn chạy tán loạn. Con bé bị tóm, mặt tái xanh như tàu lá chuối, lạy như tế sao, van xin tha tội:

- Cháu xin chú. Cháu biết lỗi rồi. Lần sau cháu không như thế nữa.

- Nhớ nhé! Lần sau mà như thế, tao cho lên xà lan chở đi, quẳng xuống sông cho thuồng luồng ăn thịt, nhớ chưa? Về nói với cả lũ bạn mày như thế. Nhớ chưa?

- Dạ! Cháu nhớ rồi ạ. Chú tha cho cháu ạ!

Người thủy thủ buông tay tha cho nó. Trước khi xuống sông bơi ra xà lan còn nhắc lại:

- Nhớ đấy! Lần sau thì đừng có trách.

Nhưng rồi, chúng nó cũng chỉ chờn được một thời gian rồi đâu lại đóng đấy. Có điều, sau này chúng nó khôn hơn, chạy vào xa bờ một đoạn mới quay lại chửi bậy và chổng mông ra sông, vỗ.

Chuyện về cái tụi giặc cái ấy thì nhiều vô kể. Tắm táp trên sông từ khi còn bé tí nên cả lũ trẻ con quê nó, đứa nào cũng biết bơi và bơi giỏi. Ngày ấy, có đoàn công nhân của công trường 305 về xây dựng trạm bơm, đến làng ở trọ. Buổi chiều họ ra sông tắm, nó cùng lũ bạn lặn ngầm dưới nước, bò vào, cấu chân họ. Các cô gái rú lên, sợ hãi. Lũ chúng nó bơi ra xa, nhe hàm răng trắng ởn, cười toe toét, trêu ngươi.

Thời gian trôi, chúng nó lớn dần lên, trên cơ thể, đã bắt đầu thấy dấu hiệu của tuổi dậy thì. Ấy thế mà, vẫn quần áo để trên bờ, cả lũ lội ào xuống sông, bơi thỏa thích. Rồi sau đó, cả hội rủ nhau lên bờ, chưa cần mặc quần áo, cứ tồng ngồng như vậy, cùng nhau dàn hàng ngang, mốt hai mốt duyệt binh.

Đấy là chuyện khi chỉ có chúng nó với nhau, còn khi có người khác giới thì chúng cũng biết xấu hổ, không ở trên bờ nữa mà ở lì dưới nước, khi nào không có ai mới vùng dậy, chạy lên bờ, vơ vội quần áo, mặc nhanh.

Thường thì cánh con trai hay đi xa hơn, ngược về phía trên, không tắm cùng bọn nó. Có một lần, lũ con trai đi qua thấy quần áo chúng nó dồn đống để trên bờ, đem giấu hết đi. Cả bọn dầm mình lâu dưới nước, môi tím ngắt mà ngượng không dám đi lên. Cãi cọ, xin xỏ mãi chẳng được, một đứa trong bọn đánh liều, cứ tơ hơ như thế, chạy lên. Bọn con trai ngượng quá, phải đi lấy ở chỗ giấu ra, vứt trả.

Từ đó, bọn chúng nó khôn hơn, để quần áo trên bờ, cử một đứa ngồi canh, rồi xuống tắm trước, sau đó lên bờ ngồi đợi đứa kia xuống tắm sau. Và cứ thế, chúng nó luân phiên nhau, mỗi đứa canh một lần để không đứa nào bị thiệt.

Tắm táp, nghịch ngợm chán chê, chúng nó lại trở về với công việc hàng ngày của mình. Nhà có trâu bò thì đi cắt cỏ, chăn trâu; nhà không có trâu bò thì đi kiếm củi, kiếm bã lợn. Rau lấp, rau rệu, rau thài lài, rau dền cơm là những thứ mà chúng nó săn tìm. Ngày ấy nuôi lợn là cứ phải nấu một nồi cám to đùng, chứa bao nhiêu là bã, nên cần phải có nhiều rau và củi lắm.

Cỏ ở ngoài bờ, ven sông thì trâu bò gặm hết, muốn cắt được nhiều, chúng nó phải chui vào trong ruộng ngô, ruộng đay để cắt. Ở trong ấy cỏ tốt và non. Nhiều nhất là cỏ hoa, cỏ vực, cỏ mật, những loại cỏ mà trâu bò rất thích. Vừa cắt cỏ, chúng nó vừa để ý thấy có cây đay nào chết thì nhổ lên, gập làm đôi, làm ba để gọn, bó vào. Thế là lúc về, vừa có cỏ cho trâu, vừa có củi đun, cha mẹ chúng nó vừa lòng lắm.

Ngày ấy, có một loại đồ đun rất thịnh hành ở quê nó. Đó là lá đay khô. Lá đay già rụng xuống, khô cong, chỉ việc vơ về, đun rất chắc, chắc hơn rơm rạ rất nhiều. Có điều, những gai nhỏ trong lá đay cào xước cả da, thâm lại, thô ráp và đen đúa. Nhìn bàn tay của chúng nó vào những ngày đi vơ lá đay này, xấu lắm.

Những ngày hè nghỉ học, mỗi ngày chúng kiếm được mấy bó lá đay. Những bó lá đay to đùng, nặng khự, một mình không thể đưa được lên đầu, chúng nó thay phiên nâng cho nhau. Đến đứa cuối cùng thì phải ngồi xuống, để đứa kia một tay giữ của mình, một tay nâng lên đầu cho bạn, đội về. Kiếm được nhiều quá, đun không hết, bố mẹ chúng nó quây lại thành đống như đống rơm, dùng để đun dần. Có năm vỡ bối, nhà bị ngập, cả đống lá đay ngập nước, thối nhủn thành đất, không dùng được nữa, mất toi công của chúng nó mấy tháng nghỉ hè.

Chuyện vui về cái thời trẻ trâu cùng tụi giặc cái kia vẫn là chủ đề chính khi họ tụ họp. Mỗi người đều có một kí ức riêng, một kỉ niệm đáng nhớ từ thời trẻ con, và những câu chuyện đó mang lại tiếng cười, hồi ức và tình cảm đoàn kết.

Chuyện làng quê

Trần Thị Thúy Hằng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/giac-cai-a20177.html