Gặp nữ chiến sĩ vác súng trong trận Tua Hai

Qua giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, chúng tôi có dịp gặp bà Phạm Thị Mười (bí danh Mười Mét) - một trong 27 người tham gia vác súng trong trận đánh vào căn cứ Tua Hai lịch sử đêm 26.1.1960.

Bà Mười giới thiệu với phóng viên những huân chương, kỷ niệm chương cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Bà Phạm Thị Mười đang sống cùng con, cháu tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng bà vẫn minh mẫn, hằng ngày phụ giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa và tham gia sinh hoạt với Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành. Nhắc tới kỷ niệm cách đây 64 năm trong trận đánh lịch sử vào Căn cứ Tua Hai, bà Mười còn nhớ như in.

Khu di tích lịch sử Tua Hai thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Tại đây, vào lúc 0 giờ ngày 26.1.1960, quân và dân Tây Ninh bất ngờ tấn công Sở chỉ huy Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, thu giữ 1.500 khẩu súng các loại, 25 máy thông tin cùng nhiều trang bị khác.

Trong trận Tua Hai, bà cùng với các bà Nguyễn Thị Mai (Út Mai), Nguyễn Thị Hoa (Năm Hoa) và Lê Thị Y (Ba Y) được cấp trên phân công nhiệm vụ nấu cơm phục vụ bộ đội. Thấy tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trước khi ra trận, các bà xin được đi theo. Sau khi thảo luận, chỉ huy đồng ý và cho các bà biên chế vào đội vác súng.

Sau khi bộ đội ta chiếm được kho vũ khí, được lệnh xuất phát, các bà cùng với những người được phân công xung phong vào kho lấy súng. Đường đi từ Tua Hai đến căn cứ của ta rất dài, là đường rừng, trời lại tối nên rất khó đi. Mọi người bảo nhau mỗi người nên vác 2 khẩu súng. Vào kho, thấy súng nhiều quá nên ai cũng muốn vác càng nhiều càng tốt. Người thì vác 3, người vác 4, 5 khẩu.

"Thấy sức mình khỏe nên tôi vác 6 khẩu, trong đó có 5 khẩu carbine và 1 khẩu súng trường. Lấy xong, chúng tôi vừa đi, vừa chạy, mặc dù trời mưa, trơn trượt nhưng chúng tôi không thấy mệt chút nào. Đi hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới địa điểm tập kết, lúc đó trời đã gần sáng"- bà Mười kể.

Bà Mười được tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Sau chiến thắng Tua Hai, bà Mười tiếp tục công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành. Năm 1969, bà mới sinh con trai được 3 tháng thì bị địch bắt. Hai mẹ con bà bị nhốt tại Khám đường Tây Ninh. Sau 6 tháng tra khảo, địch không khai thác được gì nên thả hai mẹ con bà.

Năm 1971, trong một chuyến công tác, mẹ con bà Mười lại bị địch bắt, nhốt trong Khám đường Tây Ninh thời gian 9 tháng. Sau khi được thả, bà Mười tiếp tục công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện rồi chuyển qua làm công tác dân vận. Khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, bà Mười nghỉ hưu và hưởng chế độ thương binh cho đến hôm nay.

Với những thành tích cống hiến cho cách mạng, bà Mười được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Được biết, chồng bà Mười là liệt sĩ Nguyễn Văn Cầu, được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ông Lê Tự Nhiên- Bí thư Chi bộ khu phố 3, thị trấn Châu Thành bày tỏ: “Bà Mười là người sống có tình làng nghĩa xóm. Bà luôn dạy dỗ con cháu trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực tham gia phong trào thi đua do khu phố và thị trấn phát động, được bà con trong khu phố tin yêu”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Thành (giữa) cùng cán bộ Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành tặng quà cho bà Mười.

“Là hội viên Hội Người tù kháng chiến của thị trấn Châu Thành, dù tuổi cao sức yếu, bà Mười luôn phát huy tinh thần cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, thường xuyên giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ. Bà xứng danh là một nữ tù kiên trung trong thời chiến, gương mẫu thời bình”- bà Phạm Thị Tư, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến thị trấn Châu Thành nhận xét về bà Mười.

Tố Tuấn - Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gap-nu-chien-si-vac-sung-trong-tran-tua-hai-a168683.html