Gặp mẹ

Sau khi bị thương nặng ở gần thành cổ Quảng Trị, tôi phải bó bột toàn thân. Chỉ trừ cổ và hai cánh tay, các lực lượng chuyển dần tôi ra Bắc, địch khống chế mạnh các tuyến đường giao thông thuộc phía Nam quân khu 4-thương binh bị dồn lại ở viện 112 rất đông.

Số thương binh đi được, thì họ tổ chức đi bộ từng lớp. Còn thương binh nặng như tôi phải dừng lại khá lâu. Vào một tối giữa tháng 11 năm 1972. Đội điều trị quyết định dùng 3 chiếc thuyền tam bản có gắn máy rơle chở 12 thương binh bất động như tôi vượt sông Nhật Lệ. Thuyền của tôi đi đầu, trên thuyền có anh Phận quê Thừa Thiên, anh Chính quê Thanh Hóa, cô Hoa quê Nghệ An và tôi. Ra được giữa sông thì địch phát hiện, chúng cho máy bay thả hàng trăm đèn pháo sáng, tăng cường thêm phản lực bắn đạn 20 ly, rocket và ném bom đi cùng pháo hạm, bắn từ hạm đội vào. Thuyền thứ hai, có một thương binh quê Thái Bình, bị một viên bi bắn vào động mạch, máu chảy ra quá nhiều trong bột. Anh đã tắt thở ngay trên thuyền, thuyền thứ ba bị vướng Thủy lôi phát nổ, tất cả thương binh y tá và lái thuyền đều hi sinh.

Tác giả CCB Đặng Sỹ Ngọc.

Sau những giờ phút hoảng loạn khiếp sợ ấy, thuyền của tôi cuối cùng cũng giạt được vào bờ phía Bắc an toàn. Tờ mờ sáng tôi thấy bộ đội, TNXP và dân quân sắp xếp, rồi lại thay phiên nhau cáng chúng tôi đến trạm chuyển thương 9 gọi là (CT9). Đây là Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay ở địa phương này, cách đó vài ngày cũng bị B52 rải thảm. Cây cối đang xơ xác, đất đá bới tung lên. Nhưng chúng tôi vẫn phải ở đó hai ngày nữa. Đến buổi chiều ngày thứ ba tôi nghe đồng chí Y sĩ chuyển thương thông báo. Tối nay số thương binh nặng được tiếp tục chuyển bằng ô tô ra CT10 . Tôi không biết CT10 ở đâu nhưng nghe nói ra Bắc bằng ô tô, tôi mừng lắm. Mừng vì 135 ngày qua, từ lúc bị thương tôi chịu bao nhiêu người phục vụ vất vả đầy nguy hiểm. Đã có những người phải hi sinh để dành sự sống cho chúng tôi, những thương binh đang đau đớn.

6 giờ tối, xe nổ máy xuất phát, trời có trăng. Lái xe rất cẩn thận những ổ trâu, ổ gà do bom Mỹ đào bới, làm xe nghiêng dồn xóc. Các vết thương va chạm đau đớn. Đoàn xe vẫn rì rầm trong đêm. 4 giờ sáng, đã đến CT10 đúng kế hoạch. Các xe dừng lại dưới những bờ tre, lùm cây. Tôi nằm ngửa mở mắt quan sát xung quanh xa gần, thì nơi đây giống quê tôi quá. Dân quân địa phương lặng lẽ đứng thành từng tốp. Dùng đòn tre đã buộc võng vải thứ tự nhẹ nhàng đưa thương binh khiêng vào trạm.

Đến lượt tôi, phía trước là người đàn ông, phía sau là một phụ nữ. Đi chừng 10 m, tôi mở miệng hỏi nhẹ nhàng.

Đây là địa phương nào hả chị?

Người phụ nữ nghe tiếng tôi hỏi vừa dứt, vội thốt lên:

Ngọc phải không con?

Tôi bàng hoàng vội trả lời (không phải ...ầm ừ....) .Chả là tôi đang cố tình giấu diếm không để ai là người thân biết mình đã bị thương nặng. Tôi bất ngờ lúng túng! Đúng mẹ tôi rồi ,tôi xa mẹ đã 5 năm, không một lần gặp lại. Nay đang đau đớn, âm thanh tôi yếu ớt cụt hửng. Nhưng linh cảm của tình mẫu tử đã khiến mẹ nhận ra tôi qua giọng nói. Người đàn ông phía trước chính là anh Thái, bí thư chi bộ đã tiễn tôi lúc nhập ngũ. Hai người nhẹ nhàng đặt vòng xuống đất. Anh Thái soi đèn phòng không vào mặt tôi, mẹ cũng nhìn kỹ vào tôi và run run hồi hộp nói:

- Đúng rồi! Thằng Ngọc

- Con ơi! mẹ đây mà con!

- Trời ơi! Sao con tôi lại thế này. Rồi mẹ khóc to hơn, nói to hơn cho mọi người nghe.

- Bà con ơi, thằng Ngọc! Con tôi đây rồi. Có bạn gái thân thương tên Hòe, cùng làng đã thay mẹ cùng anh Thái nâng võng đưa tôi ngay vào trạm chuyển thương đóng trong sân kho hợp tác. Mẹ bịn rịn lật đật đi bên võng. Đến trạm, y tá cùng mẹ đỡ tôi xuống phản, tôi thấy cô y tá cứ ngơ ngác nhìn mẹ.

Sau đó, anh Thái nói cho tôi biết trong số thương binh ra trước, có người đã thông báo, xã này có Anh Ngọc cũng bị thương ra sau. Nghe vậy mẹ cứ đòi đi trực thay em gái để đón Ngọc.

Đến 10 giờ hôm đó em gái và cậu tôi cùng bà con đến trạm thăm tôi rất đông. Thôi thì tôi đủ các thứ quà, cam trứng….

Tối hôm sau, lẽ ra tôi phải được chuyển ra Bắc. Mẹ và cậu cứ xin trạm cho tôi ở lại ít ngày. Nhưng vì vết thương rò rỉ, dịch và máu thấm qua bột gây nên mùi khó chịu cho mọi người. Bác sỹ cũng nói rõ tình trạng thương tật cho mẹ tôi nghe. Vậy là về quê hương, tôi gặp mẹ chỉ dừng lại được 2 ngày. Mẹ cũng muốn xin đi theo để chăm sóc con trai duy nhất của mẹ. Nhưng còn nhiều việc liên quan. Trong lúc cả nước còn chiến tranh chống Mỹ. Khi xe nổ máy chuẩn bị xuất phát mẹ nói nhỏ cho tôi đủ nghe:

- Ra chữa cho lành rồi về sống với mẹ!

Đến ngày thống nhất non sông, các vết thương trên cơ thể tôi đã liền sẹo. Tôi được an điều dưỡng nhiều trạm trại thương binh. Hội đồng giám định y khoa trung ương xác định cho tôi mất sức 81% vĩnh viễn. Tôi buồn vì không được tham gia chiến đấu, công tác với đồng đội. Tôi được về sống bên mẹ và quê hương. Được sống trong độc lập – tự do. Vẫn luôn nhớ đến những người từng cứu giúp cưu mạng phục vụ để tôi được sống sót.

Tôi phải cám ơn nhiều tới đồng bào, đồng chí suốt đời.

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gap-me-a20471.html