Rút kinh nghiệm vụ án cho hưởng thừa kế dù không biết người đó ở đâu, còn sống hay đã chết

Một trong những vấn đề cần rút kinh nghiệm là chị S được cho làm con nuôi ở Mỹ, không biết chị S ở đâu, còn sống hay đã chết nhưng tòa lại chia cho chị S một phần đất và không ai chịu quản lý...

Vừa qua (25-4), VKSND Cấp cao tại Hà Nội ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp tài sản gắn liền với đất, chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông V và bị đơn là bà M được giải quyết tại Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2022/DS-ST ngày 21-10-2022 của TAND tỉnh Lạng Sơn.

 Hình minh họa

Hình minh họa

Theo hồ sơ, mẹ ông V có chồng đầu tiên và sinh được 5 người con, trong đó có bà K. Bà K không có chồng, có con gái là chị S đã được cho nhận làm con nuôi tại nước ngoài, hiện nay không xác định được địa chỉ cụ thể.

Sau khi người chồng đầu mất, mẹ ông V mới lấy chồng thứ hai (ba ông V) và sinh được 3 người con, trong đó có ông V và ông L (chồng bà M).

Mẹ ông V có một thửa đất với diện tích 1.602m² tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn. Sau khi mẹ ông V chết, bà M đưa ra bản di chúc lập ngày 22-7-1993 có nội dung mẹ ông V chia cho vợ chồng bà M thừa kế toàn bộ nhà cửa, đất đai. Ngôi nhà trên thửa đất được mẹ ông V xây dựng từ năm 1975, đến năm 2013, bà M sửa chữa xây dựng ngôi nhà mới trên nền móng cũ.

Không đồng tình, ông V khởi kiện yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu, hủy các giấy chứng nhận mà UBND TP Lạng Sơn đã cấp cho bà M năm 1999 và năm 2015.

Theo VKSND Cấp cao tại Hà Nội, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn đã có những vi phạm sau:

- Trong vụ án, các đương sự đều thừa nhận chị S là con của bà K (đã chết) nhưng đã được cho làm con nuôi ở Mỹ. Từ khi chị S mới 9 tuổi từ đó đến nay không biết chị S ở đâu, còn sống hay đã chết.

Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không đưa chị S vào tham gia tố tụng nhưng đã quyết định chia cho chị S 140m² đất tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn và giao cho bà M quản lý. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M từ chối nhận quản lý phần của chị S. Các đương sự khác cũng không thống nhất được ai là người quản lý kỷ phần này của chị S.

- Bản án sơ thẩm buộc 4 người thừa kế chịu án phí có giá ngạch theo kỷ phần được hưởng với số tiền hơn 2,9 triệu đồng trong khi những đương sự này là người cao tuổi được miễn án phí là không đúng quy định. Việc xác định chi phí tố tụng cũng chưa tương xứng với tỷ lệ giá trị tài sản của mỗi đương sự được hưởng thừa kế.

Từ đó, VKSND cấp cao tại Hà Nội thông báo để các VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện trong khu vực nghiên cứu, tổ chức rút kinh nghiệm tại đơn vị mình đối với vi phạm đã nêu ở trên nhằm tích lũy kinh nghiệm, tránh xảy ra sai sót...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/rut-kinh-nghiem-vu-an-cho-huong-thua-ke-du-khong-biet-nguoi-do-o-dau-con-song-hay-da-chet-post791208.html