Gắn công tác thi đua với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung vào việc khó, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh

Sáng 15/11, Đoàn công tác của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) T.Ư do đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT T.Ư làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác TĐKT tại tỉnh Bắc Giang.

Cùng đi có các đồng chí: Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phạm Huy Giang, Ủy viên thường trực Hội đồng TĐKT T.Ư, Trưởng Ban TĐKT T.Ư và đại diện lãnh đạo một số vụ, cơ quan chuyên môn.

Các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Lê Ánh Dương chủ trì buổi làm việc.

Làm việc với Đoàn, tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐKT tỉnh; Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Tống Ngọc Bắc, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh; các đồng chí thành viên Hội đồng TĐKT tỉnh.

Lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước

Thời gian qua, công tác TĐKT của tỉnh có những bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu, là nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua của tỉnh. Tiêu biểu như phong trào: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM); vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau... Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Với sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến tháng 8/2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát. Ngay sau đó, Bắc Giang nhanh chóng phát động các phong trào thi đua để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất và đạt kết quả toàn diện.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 14%/năm. Quy mô GRDP năm 2023 vươn lên thứ 12 cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh luôn đứng đầu cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,4%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt hơn 506 nghìn tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2020). Đến nay toàn tỉnh có 6/10 huyện, TP đạt chuẩn huyện NTM; 148/182 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; 44/182 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Công tác thi đua trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, cải cách hành chính, xây dựng Đảng, quốc phòng an ninh được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được nâng cao.

Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, chính xác, khách quan, minh bạch. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm khen thưởng chuyên đề, đột xuất; khen thưởng nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp (đạt hơn 70%). Việc tuyên truyền gương, tập thể điển hình tiên tiến được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng. Hằng năm, tỉnh Bắc Giang tổ chức tôn vinh 10 công dân Bắc Giang ưu tú có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, tạo động lực thi đua trong lao động, sản xuất. Từ đó nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và xây dựng hình ảnh con người Bắc Giang trong thời kỳ mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hoạt động của công tác TĐKT

Tại buổi làm việc, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cùng đó trao đổi làm rõ cách thức triển khai các phong trào thi đua tại cơ sở; quy trình xét khen thưởng; công tác phối hợp; hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác TĐKT ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, khối thi đua. Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang làm rõ hơn về vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động của Ban TĐKT tỉnh thành Phòng TĐKT thuộc Sở Nội vụ; quá trình chuẩn bị, xây dựng quy chế TĐKT tại tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả Luật TĐKT năm 2022.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận và chúc mừng những kết quả tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Cùng đó khẳng định sự phát triển khởi sắc của Bắc Giang ngoài vai trò đồng hành của hệ thống chính trị, sự góp sức của các tầng lớp nhân dân còn có đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.

Đối với công tác TĐKT, tỉnh Bắc Giang đã triển khai tốt, thực chất và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, MTTQ và các đoàn thể rất quan tâm đến công tác TĐKT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai TĐKT trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ, bài bản. Hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp ngày càng nền nếp, chất lượng được nâng lên. Đặc biệt Bắc Giang đã phát huy được truyền thống yêu nước của nhân dân, tạo được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

Đối với phong trào thi đua yêu nước, Bắc Giang đã hưởng ứng, cụ thể hóa phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động sát với thực tế địa bàn, hợp lòng dân. Một số phong trào đạt hiệu quả cao, nhất là phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đồng chí đề nghị tỉnh tổng kết, đúc rút bài học kinh nghiệm về công tác phát động thi đua, triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch để vận dụng, ứng phó khi không may xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Đối với các phong trào thi đua xây dựng NTM, vì người nghèo, tỉnh cần rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn thực hiện, từ đó tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Bắc Giang đã thực hiện tốt pháp luật về khen thưởng, tạo sự đồng thuận giữa những người được khen thưởng và chưa được khen thưởng. Về đối tượng khen thưởng đã có những chuyển biến, đổi mới. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung khen đúng người, đúng việc, bảo đảm sự hài hòa để phong trào TĐKT diễn ra thực chất và có tính lan tỏa cao.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác TĐKT trong thời gian tới, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đề nghị UBND tỉnh, Hội đồng TĐKT tỉnh quán triệt sâu sắc ý nghĩa của công tác TĐKT với các tầng lớp nhân dân; triển khai sớm và hiệu quả các chính sách, Luật TĐKT năm 2022. Có kế hoạch và phương án cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu ra; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị. Gắn triển khai TĐKT với nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó tập trung vào việc khó, khâu đột phá, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh. Đồng chí cũng gợi mở tỉnh xem xét, cân đối cơ cấu kinh tế phù hợp, nhất là tỷ trọng công nghiệp; quan tâm nâng chất lượng đô thị và tỷ lệ đô thị hóa để Bắc Giang phát triển tương xứng với tiềm năng.

Quá trình triển khai các phong trào thi đua cần chọn việc phù hợp với tâm tư nguyện vọng nhân dân, yêu cầu phát triển của địa phương để tập trung nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải. Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật và kịp thời; tạo tính lan tỏa cao. Quan tâm kiện toàn bộ máy làm công tác TĐKT theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác TĐKT trong tình hình mới. Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hội đồng TĐKT các cấp. Đồng chí đề nghị Ban TĐKT T.Ư tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cơ sở. Kịp thời cập nhật những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật về TĐKT để tổng hợp báo cáo.

Cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp, chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch nước và các đồng chí thành viên trong Đoàn giám sát, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết sẽ triển khai những nội dung trên trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, Bắc Giang luôn xác định công tác TĐKT là động lực quan trọng để thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Từ đó các cấp, ngành, tổ chức chính trị, xã hội triển khai từng phong trào phù hợp. Hằng năm, tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác khen thưởng.

Thời gian tới, Luật TĐKT năm 2022 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới, đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan T.Ư để tỉnh thực hiện hiệu quả Luật và công tác TĐKT trên địa bàn. Cùng đó đề nghị T.Ư quan tâm cải cách hành chính hơn nữa đối với các thủ tục về TĐKT.

Trước đó, chiều 14/11, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh, ở xã Liên Chung (Tân Yên) và đánh giá cao hoạt động của mô hình.

Tin, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/414935/gan-cong-tac-thi-dua-voi-nhiem-vu-chinh-tri-cua-dia-phuong-tap-trung-vao-viec-kho-diem-nghen-can-tro-su-phat-trien-cua-tinh.html