Gà nướng, cơm lam- hương vị đại ngàn

'Gà nướng, cơm lam' là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mang hơi thở nhịp sống đại ngàn Tây Nguyên.

Chúng tôi có chuyến đi từ miền núi huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) đến với phố núi Pleiku khoảng cách 176 km hướng về Tây qua các huyện: Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, Chư Sê. Hành trình xuyên qua những đồi núi cao chót vót rất hùng vĩ. Đèo Tô Na, Đèo Chư Sê khúc khuỷu, sông Ba chở nặng con nước yêu thương, những cánh đồng lúa thơm bát ngát. Và được ngắm hoa dã quỳ vàng rực Núi lửa Chư Đăng Ya, dạo chơi Đồi Cỏ Hồng (Đăk Đoa), hóng gió rừng thông vi vu bên Biển Hồ xanh biếc, thưởng thức hương vị đậm đà những món ăn đặc sắc núi rừng.

Những cô gái Jrai nướng gà

Xưa kia, cơm lam là bữa ăn của người miền cao nói chung, người Jrai nói riêng trong những chuyến đi rừng, đi rẫy. Cơm lam được nấu từ gạo rẫy là ngon hơn cả. Mà bất kỳ loại gạo nào khi cho vào ống tre đem nướng lửa cũng đều thơm ngon. Chẳng cần phải mang xoong, nồi, bà con “sắm chuyến” bằng túi gạo và nắm muối là đủ. Lên rừng đã có sẵn tre, nứa làm dụng cụ sạch để nấu. Thêm nữa là hoa chuối, cá, cua bắt được, rau đắng, cà nút hái được… Cũng đủ cho một bữa ăn ngon, đậm chất núi và giàu dinh dưỡng. Gà nướng, cơm lam là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng ở miền núi Tây nguyên. Nhưng gà nướng, cơm lam ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai có sự độc đáo và mùi vị riêng đậm chất của núi rừng và đời sống nơi đây… Tôi về Pleiku được một người bạn bản địa mời cơm trưa, với gà nướng, cơm lam của Jrai Food (nhóm những người Tây Nguyên làm gà nướng, cơm lam). Và nghe câu chuyện của những bạn trẻ Jrai và một số dân tộc khác ở Gia Lai với mong muốn đơn giản chỉ là nhà nhà, người người được thưởng thức những món ăn truyền thống này.

Món ăn này còn được những người bản địa mang từ buôn làng về các phố thị tạo nên một không gian văn hóa đại ngàn. Để có được đặc sản này, các chàng trai đã phải đi rừng sâu chọn ống nứa xanh. Cây nứa cũng có nhiều giống loại và mỗi vùng miền có những giống nứa khác nhau. Giống nứa làm cơm lam khác hẳn với nứa để làm nhà, làm nhạc cụ... Nứa dùng để làm cơm lam rất mỏng, đốt dài. Cơm được nướng từ giống nứa này có mùi hương thơm đặc trưng.

Gà được nướng chín

Để có cơm lam ngon và thơm người ta lấy gạo truyền thống Jrai, ngâm từ 4 – 6 tiếng cho gạo hơi mềm. Sau đó, họ vo gạo lại lần nữa để ráo nước rồi cho vào ống nứa có đốt ở một đầu, đầu còn lại thì bỏ gạo vào rồi cuộn lá chuối và bịt kín. Đổ gạo vào ống nứa nhưng không đổ đầy để khi chín gạo nở ra là vừa. Sau đó, thì nướng các ống cơm trên bếp than rồi thường xuyên đảo đều tay để cơm chín đều và không bị cháy. Để có món gà nướng thơm, ngon thì những “đầu bếp núi rừng” phải chọn gà thả vườn, gà ta có chân vàng, thân nhỏ, da vàng. Hay còn nói là gà chạy bộ… Và những gia vị như: sả, hành, muối tiêu, ớt xanh… để ướp gà và nướng với lửa than hồng.

Ngày nay, cơm lam, gà nướng Jrai Food được giới thiệu, trình diễn và phục vụ khách du lịch. Những người con Tây Nguyên mong muốn rằng cơm lam, gà nướng được thương hiệu hóa thành sản phẩm du lịch áp dụng rộng rãi không chỉ trong bữa ăn hàng ngày mà còn phổ biến trong các homestay, nhà hàng… Gà nướng, cơm lam không chỉ là món ăn ngon mà còn là nét bản sắc của ẩm thực cần được gìn giữ và lan tỏa như một nét văn hóa trong không gian cộng đồng các dân tộc dọc theo dãy Nam Trường Sơn Tây Nguyên nói chung, cộng đồng người Jrai, Ba Na, Chăm Hroi… nói riêng.

Bài, ảnh: Bá Nha-Y K'Rư

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ga-nuong-com-lam-huong-vi-dai-ngan-n188768.html