EU và Mỹ thúc đẩy vai trò lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương

Trong 2 ngày 4-5/4, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tổ chức cuộc họp lần thứ sáu của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC) tại TP Louvain, Bỉ. Cuộc họp đã đánh giá những kết quả đạt được của TTC sau hai năm rưỡi hợp tác, đồng thời thảo luận về các bước đi mới. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Ngoại trưởng Antony Blinken đồng chủ trì cuộc họp cùng với các Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis và Margrethe Vestager.

TTC được EU và Mỹ thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels ngày 15/6/2021. Đây là diễn đàn để hai bên tăng cường phối hợp trong các vấn đề về thương mại và công nghệ quan trọng, đồng thời tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề cùng quan tâm. Ngoài ra, EU và Mỹ cũng luôn nỗ lực hướng tới sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy lợi ích của AI đối với công dân và xã hội.

Cuộc họp lần thứ lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của châu Âu và Mỹ trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo xuyên Đại Tây Dương về các công nghệ mới nổi và môi trường kỹ thuật số, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương, cũng như hợp tác về an ninh kinh tế, bảo vệ nhân quyền và các giá trị khác. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh sự tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái đang mở ra các triển vọng tăng trưởng và đổi mới, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương hướng tới các cách tiếp cận chung.

Các đại biểu Hội đồng TCC dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, hai bên tái khẳng định cam kết chung trong cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với AI cũng như sự hỗ trợ đối với các công nghệ AI an toàn và đáng tin cậy. Hai bên tin tưởng vào tiềm năng của AI trong việc giúp tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu. Ngoài ra, EU và Mỹ cũng đã công bố một cuộc đối thoại mới giữa Văn phòng AI của EU và Viện An ninh Mỹ về việc phát triển các công cụ, phương pháp và tiêu chuẩn để đo lường và đánh giá các mô hình AI. Hai bên cũng thông qua tầm nhìn chung cho mạng 6G, định rõ hướng đi để giữ vai trò “dẫn đầu” trong công nghệ này, đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu.

Về lĩnh vực chất bán dẫn, EU và Mỹ quyết định gia hạn thêm 3 năm cho hai thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo nhanh chóng phát hiện sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đảm bảo tính minh bạch của các hoạt động trợ cấp. Hai bên cam kết hợp tác về các chất bán dẫn truyền thống và tiến hành nghiên cứu để tìm ra các chất thay thế cho chất per và polyfluoroalkyl (PFAS) trong chip, bao gồm cả việc tận dụng các khả năng của AI. Phó Chủ tịch điều hành EC Margrethe Vestager cho biết, trong thế giới không chắc chắn và thay đổi nhanh chóng hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa châu Âu và Mỹ về thương mại và công nghệ cho phép hai bên giải quyết một số thách thức quan trọng nhất của thời đại kỹ thuật số. Bà nhấn mạnh, hai đối tác sẽ tiếp tục hợp tác để tăng cường an ninh kinh tế và xây dựng môi trường kỹ thuật số công bằng, phản ánh các giá trị của châu Âu và Mỹ.

Cũng tại cuộc họp, dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis và Ngoại trưởng Antony Blinken, EU và Mỹ đã ra mắt Diễn đàn đối tác an ninh khoáng sản (MSP) với sự tham dự của 24 quốc gia. Trong số các quốc gia khách mời có Malawi, Angola, Philippines, Brazil, Indonesia, Ukraine, Libya, Kazakhstan và Uzbekistan. Diễn đàn MSP được xây dựng dựa trên mối quan hệ đối tác trước đó do Mỹ khởi xướng vào năm 2022 nhằm đẩy nhanh sự phát triển chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững cho các khoáng sản năng lượng thiết yếu.

Theo ông Valdis Dombrovskis, EU và Mỹ đưa ra một đề nghị mới và có khả năng tốt hơn cho các nước đang phát triển nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho các quốc gia này. Quan chức EC nhấn mạnh lời đề nghị dựa nhiều hơn vào mối quan hệ đối tác, sự cộng tác nhằm xác định các cơ hội về dự án, tài chính và cơ sở hạ tầng cũng như hướng tới sự bền vững. Nguyên liệu thô quan trọng rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái mà EU và Mỹ đang cố gắng đạt được. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu cho các khoáng sản này, như lithium và coban, phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc.

EU đang cố gắng đạt được sự độc lập về nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng của riêng mình, một phần thông qua quan hệ đối tác trực tiếp với các quốc gia như Norway. Hơn nữa, EU sẽ sớm ký kết quan hệ đối tác về nguyên liệu thô quan trọng với Australia và sắp ký kết quan hệ đối tác sâu hơn với ít nhất ba quốc gia khác.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/eu-va-my-thuc-day-vai-tro-lanh-dao-xuyen-dai-tay-duong-i727526/