Khí đốt Nga chưa ngừng chảy vào EU bởi 'rào cản tiềm tàng', đã đến lúc châu Âu cần 'ra tay'?

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mua khí đốt Nga nhưng một lượng đáng kể vẫn đang chảy vào khối.

Kho cảng LNG ở Wilhelmshaven, Đức. (Nguồn: Reuters)

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải tính đến sự phụ thuộc lâu dài vào cả khí đốt và dầu mỏ của Nga.

Khí đốt là một vấn đề đặc biệt, vì vào năm 2021, 34% lượng khí đốt của EU đến từ Nga.

Các nước ở Trung và Đông Âu đặc biệt phụ thuộc vào mặt hàng này. Khi EU bàn về lệnh cấm khí đốt, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhanh chóng lên tiếng phản đối.

Ông nói: “Châu Âu đã cố tình miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu phục vụ mục đích sản xuất nhiệt, cung cấp điện và ngành công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nắm bắt được điểm yếu này. Trong suốt năm 2022, Moscow cắt giảm nhập khẩu khí đốt sang châu Âu.

Thời điểm đó, các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng về tình trạng thiếu năng lượng trong mùa Đông. Tuy nhiên, những lo ngại này chưa bao giờ thành hiện thực và ngược lại, EU chưa bao giờ thực sự trừng phạt khí đốt của Nga.

Ông Benjamin Hilgenstock từ Trường Kinh tế Kiev nhận định: "Rời bỏ khí đốt Nga là quyết định tự nguyện của các quốc gia và là một quyết định thông minh, nhằm đa dạng hóa nguồn cung".

Tích cực mua LNG Nga

Theo dữ liệu của EU, tỷ trọng nhập khẩu khí đốt qua đường ống của các quốc gia thành viên Nga đã giảm từ 40% trong tổng số năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023. Tuy nhiên, khi tính cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tổng thị phần khí đốt của Nga xuất khẩu sang EU năm ngoái là 15%.

Một cách quan trọng để khối 27 thành viên giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow là tăng cường nhập khẩu LNG từ các nước như Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, điều này đã vô tình dẫn đến "làn sóng" LNG Nga giá rẻ tràn vào khối.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU. Nhập khẩu LNG từ Moscow chiếm 16% tổng nguồn cung LNG của khối 27 thành viên vào năm 2023. Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu đặc biệt lớn của Nga. Ba quốc gia này chiếm 87% lượng LNG vào EU vào năm 2023.

Tuy nhiên, phần lớn LNG nói trên không được thị trường châu Âu cần đến. Lượng LNG này đang được xử lý tại các cảng châu Âu, trước khi được tái xuất khẩu sang các nước thứ ba trên toàn thế giới, khiến một số quốc gia và công ty thu lợi nhuận.

Ông Hilgenstock cho biết, rất nhiều LNG của Nga chỉ được vận chuyển tới châu Âu mà không sử dụng. Vì vậy, điều đó không liên quan gì đến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu. "Các công ty châu Âu kiếm tiền từ việc hỗ trợ xuất khẩu LNG của Nga", ông nói.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), chỉ dưới 1/4 lượng LNG nhập khẩu của châu Âu từ Nga (22%) được vận chuyển sang thị trường toàn cầu vào năm 2023.

Ông Petras Katinas, một nhà phân tích năng lượng của CREA nói rằng, phần lớn lượng LNG này được bán cho các nước ở châu Á. Do đó, một số thành viên EU như Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic, đang gây áp lực lên khối để ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG của Nga - một động thái cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.

Các cuộc thảo luận của EU hiện đang tập trung vào việc cấm tái xuất LNG của Nga từ các cảng châu Âu.

Theo hãng tin Bloomberg, việc xử phạt các dự án LNG quan trọng của Nga như Arctic LNG 2, kho cảng LNG UST Luga và nhà máy Murmansk cũng đang được xem xét.

Ông Hilgenstock nói: “Về cơ bản, châu Âu thực sự nên cấm LNG của Nga".

Tuy nhiên, gần đây, Acer, cơ quan quản lý năng lượng của EU đã cảnh báo rằng, bất kỳ việc giảm nhập khẩu LNG nào của Nga đều phải diễn ra “theo các bước dần dần” để tránh cú sốc năng lượng.

Khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga vẫn đang chảy vào EU. (Nguồn: Euro News)

Châu Âu vẫn đam mê khí đốt của Nga

Khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga cũng vẫn đang chảy vào EU.

Mặc dù đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) không hoạt động và đường ống Yamal không còn đưa khí đốt của Nga đến châu Âu, nhưng khí đốt của Moscow vẫn chảy vào trung tâm khí đốt Baumgarten của Áo thông qua các đường ống đi qua Ukraine.

Công ty năng lượng OMV thuộc sở hữu nhà nước của Áo có hợp đồng với công ty khí đốt Gazprom (Nga) cho đến năm 2040.

Vào tháng 2, Áo xác nhận rằng 98% lượng khí đốt nhập khẩu trong tháng 12/2023 là từ Nga. Chính phủ cho biết, họ muốn "phá vỡ" hợp đồng với Gazprom càng sớm càng tốt và các biện pháp trừng phạt của EU đối với khí đốt của Mosocw là cần thiết để điều đó xảy ra một cách hợp pháp.

Giống như Áo, Hungary tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn khí đốt qua đường ống của Nga. Gần đây, đất nước cũng đã đạt được thỏa thuận khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các chuyên gia cho rằng, lượng khí đốt này, thông qua Turkstream - đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ - cũng đến từ Moscow.

Ông Hilgenstock nói rằng, một số quốc gia đã tiếp tục mua khí đốt của Nga vì họ đang hưởng lợi từ các hợp đồng giá rẻ và hấp dẫn. Ông nhận thấy: “Cho đến khi có lệnh cấm vận đối với khí đốt tự nhiên của Nga, thì việc này thực sự tùy thuộc vào từng đất nước".

Đã đến lúc cấm vận?

Mặc dù khí đốt của Nga vẫn được nhập khẩu vào châu Âu, nhưng tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này vào châu Âu đã giảm đáng kể từ năm 2021.

EU cho biết muốn các thành viên trong khối hoàn toàn không có khí đốt của Nga vào năm 2027 - một mục tiêu mà ông Hilgenstock tin rằng ngày càng thực tế.

Ông nhận định: “Trên thực tế, chúng ta có thể đa dạng hóa tương đối nhanh chóng nguồn cung khí đốt và các nguồn năng lượng khác khỏi đất nước của Tổng thống Putin”.

Tuy nhiên, ông tin rằng, các điều kiện chính trị "không có lợi" cho lệnh cấm vận khí đốt hoàn toàn hiện nay, đặc biệt là lệnh cấm vận khí đốt vận chuyển đường ống.

"Nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary vào nửa cuối năm 2024 là một rào cản tiềm tàng", ông Hilgenstock chỉ rõ.

Budapest có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow so với hầu hết các nước thành viên EU.

Về LNG, ông Hilgenstock lạc quan hơn và nói rằng, ngoài hành động của EU, các nhà nhập khẩu LNG với khối lượng lớn như Tây Ban Nha và Bỉ phải tự mình thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng chảy này.

Ông nhấn mạnh: "Châu Âu đang giúp đỡ Nga bằng chuỗi cung ứng LNG - điều mà không nên làm".

Ngày 22/4, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết, EU dự định sẽ đưa lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga, cũng như các biện pháp nhằm hạn chế đội tàu “bóng tối” vận chuyển dầu của Moscow.

Ông nói: “Việc thông qua gói trừng phạt thứ 14 là một trong những điều quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi sẽ đưa ra lệnh cấm nhập khẩu LNG cũng như các biện pháp nhằm hạn chế đội tàu ‘bóng tối’ của Nga”.

(theo DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-nga-chua-ngung-chay-vao-eu-boi-rao-can-tiem-tang-da-den-luc-chau-au-can-ra-tay-269634.html