Đường chéo chưa chắc đã ngắn nhất

Gần đây, nhiều giải chạy marathon được tổ chức liên tục, đáp ứng nhu cầu chạy của đông đảo quần chúng. Không hiểu sao lắm người ham chạy thế, đua trường là những quãng đường full marathon 42km và siêu marathon có thể là 100km và hơn nữa.

Người chạy giờ đông lắm, nhiều hot girl, quý bà, đại gia cũng chạy như ma đuổi; hễ ở đâu có giải, các quý anh, chị, chú, thím co giò lao đến ghi tên ứng thí; cứ cán đích về là huy chương đeo đầy cổ hay ít ra cũng có bộ ảnh chân dài “nuôi” facebook.

Muốn chạy tiết kiệm sức thì phải dùng chiến thuật chạy tiếp tuyến. Cắt nghĩa chữ “Điền kinh” thì “điền” là ruộng, còn “kinh” là đường thẳng, lối tắt. Chạy theo lối tắt chính là đường tiếp tuyến. Giả sử đường chạy hình sin thì chạy tiếp tuyến là đường thẳng nối hai mép cong lồi ra của quãng đường. Nếu khó hình dung thì có thể liên tưởng tới chiến thuật mà đông đảo người tham gia giao thông ứng dụng rẽ trái, gọi là “cướp cua, lấn làn”.

Người tham gia giao thông tuy không ai học mấy thứ lý thuyết điền kinh nhưng luôn áp dụng triệt để chiêu chạy tiếp tuyến. Cứ đường chéo là đường ngắn nhất. Nếu đứng trên tầng cao ngắm cái bùng binh tròn ở quảng trường thì sẽ thấy mọi phương tiện không đi theo làn đồng tâm, mà như đàn kiến đều bó vào mép “cái đĩa”. Họ bị chui vào một cái phễu phương tiện và ùn lại. Trong khi đó phía bên ngoài vẫn rộng bát ngát thì lãng phí. Muốn tất cả phương tiện cùng trôi chảy thì chỉ cần đi theo nhiều làn từ trong ra ngoài và đồng tâm.Trước khi lao vào phễu thì các phương tiện đều có xu hướng tăng ga, khi không cựa nổi thì mới chịu yên.

Tư duy di chuyển của ô tô, xe máy giống hệt người đi bộ hay nói cách khác là cũng xuất phát từ tư duy đi tắt chéo qua sân của người đi bộ. Hiện tượng này giải thích vì sao người đi bộ hay dẫm vào chân nhau, đang đi đúng làn, tự dưng bước chéo. Ơ hay.

Rất nhiều ô tô vào đại lộ, cao tốc vẫn cắt chéo mặt xe cùng chiều để đi kiểu tiếp tuyến. Dường như mục tiêu của họ là vô địch đường đua. Nhiều anh cho rằng lỗi tại đường không đạt chuẩn nhưng lại không đếm xỉa tới tay lái không đạt chuẩn.

Sát hạch lý thuyết bằng lái xe có 600 câu hỏi. Thoạt tiên tưởng rắc rối nhưng thật may những câu hỏi đều xuất phát từ sự hợp lý của giao thông nên có thể hiểu hoặc suy đoán khá dễ dàng. Ấy vậy mà nhiều anh chị thi nhiều lần vẫn trượt lý thuyết. Té ra là họ lý thuyết theo “cẩm nang” dạy mẹo, tương tự như một loại “phao” thi oẳn tà rà oằn vài chục trang A4. Mở đầu tài liệu mẹo phần lý thuyết chữ, mục 1 ghi rằng: Thấy đáp án nào có chữ BỊ NGHIÊM CẤM chọn ngay là đáp án đúng (ví dụ câu 1,2,3,4,5,6,33)… Mục 3, nếu thấy tất cả các đáp án đều bắt đầu bằng các từ: YÊU CẦU, KIỂM TRA, QUAN SÁT thì chọn luôn đáp án dài nhất. Ví dụ câu 110, 193, 208, 212, 213, 215, 217, 230, 258”. Đọc dạng “bí kíp” nhảm nhí này không ai hiểu nó nói gì và có ích gì cho an toàn giao thông. Lỡ kẻ học vẹt mà thi lọt lưới lấy bằng thì thật là mầm họa cho xã hội. Với kiểu thuộc không cần não này thì bảo sao tai nạn hoành hành. Nếu ai còn đang xoắn não vì cái bí kíp mẹo này thì xin từ bỏ ngay để từ chỗ tối ra chỗ sáng.

Đã có rất nhiều khẩu hiệu kể cả khẩu hiệu vui dân dã để thức tỉnh tài xế. Thí dụ: “Phía trước tay lái là sự sống”, “Đi thong thả cho đỡ vất vả”, “Đi đúng chiều gặp nhiều may mắn”, “Giành khách, lấn đường, Diêm Vương mừng đón”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Chạy xe nhường nhịn, là thương chính mình”, “Đua xe đường phố là bố tử thần”, “Chạy nhanh thắng gấp, nằm sấp như chơi”, “Tránh kẹt xe, học nghe đàn kiến”, “Nhanh một giây chậm một đời”. “Chậm lại vài giây, hơn gây tai nạn”… Cần bao nhiêu lời cảnh báo mới đủ?

Dọc Quốc lộ 1 tại miền Trung có một ngôi nhà khoảng 5 tầng. Trên tầng thượng, chủ nhà đặt một chiếc xe 7 chỗ bị tai nạn đầu méo, nát tươm khiến ai cũng có thể nhìn thấy từ xa. Nó là một sự cảnh báo khủng khiếp, thẳng thắn và hiệu quả. Nhìn thấy hình ảnh này, tài xế cũng thong thả hơn.

Có một ông giáo già nói đi xe máy, ô tô đã là nhanh rồi, sao cứ phải cố nhanh nữa. Ngẫm kỹ thì thật thấm, chúng ta mới có nhiều xe máy, ô tô trong 2 thập kỷ thôi. Trước đó, tốc độ chậm hơn, xã hội ít kịch tính hơn hẳn. Cần tốc độ bao nhiêu để đạt tới sự thoải mái? Thưa rằng một chút nhanh lên, chẳng bằng chậm xuống cho thêm an nhàn.

Sống bằng cái đầu không có nghĩa là bằng mọi giá phải dẫn đầu. Hãy thưởng thức sự thư thái đi. Ta sẽ thấy thật buồn cười khi cứ cứng đầu không chịu nhịn ai để lao lên phía trước. Giao thông không phải là điền kinh thành tích cao kiểu một người về đỉnh cao, một người về vực sâu. Giao thông là win - win khi tất cả đều về đích an toàn. Muốn không ùn tắc và an toàn, hãy di chuyển đúng làn của mình, đừng đi kiểu tiếp tuyến. Đường chéo trên hình học là đường gần nhất nhưng trong cuộc đời chưa chắc là đường gần nhất, thậm chí có thể là con đường xa nhất, xa vô cực.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/duong-cheo-chua-chac-da-ngan-nhat-i723956/