Đừng để khâu thủ tục làm khó xuất khẩu nông sản thực phẩm

Một số quy định mới trong Dự thảo chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU khiến cho ngành thủy sản lo ngại phát sinh những quy định, thủ tục quá mức cần thiết. Hoặc như quy định mới về kiểm dịch thực vật làm cho ngành điều 'than trời' vì tốn kém thời gian và chi phí. Những vấn đề này đang cần các cơ quan quản lý lưu tâm, bổ sung sửa đổi cho hợp lý để không làm khó hoạt động xuất khẩu trong ngành hàng nông sản thực phẩm.

Nổi bật trên giao diện chính của website Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) vào ngày 6/11 chính là thông tin về việc Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó cũng có thể hiểu được mong muốn chính đáng của các DN ngành thủy sản trước vấn đề quan trọng này khi mà có những quy định, thủ tục đã, đang và sẽ gây khó cho hoạt động xuất khẩu (XK) của họ.

Lo những quy định mới quá mức cần thiết

Đơn cử như hồi tháng 10/2023, trong công văn góp ý gửi đến Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) về Dự thảo Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản XK sang thị trường EU, phía Vasep có nêu ra một số quy định có thể sẽ bất cập.

Mối lo của các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm là có những quy định, thủ tục hành chính quá mức cần thiết.

Cụ thể như Mục 1.1 Khoản 1 Phần V của Dự thảo về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở thu mua. Theo đó, Cơ sở thu mua thủy sản đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam số QCVN 02-10:2009/BNNPTNT “Cơ sở thu mua thủy sản - điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Về quy định này, theo Vasep, trong thực tế, nhiều cơ sở chế biến nhận trực tiếp nguyên liệu từ ao nuôi/cảng cá và vận chuyển trực tiếp về cơ sở chế biến, không bảo quản, sơ chế tại cơ sở thu mua để đảm bảo tính toàn vẹn cho sản phẩm và tránh gây nhiễm chéo cho lô nguyên liệu.

“Cơ sở thu mua chỉ là đơn vị mua bán trung gian, không trực tiếp bảo quản, sơ chế thủy sản trước khi đưa về nhà máy chế biến nên trong trường hợp này không cần phải đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm quy định tại QCVN 02-10:2009/BNNPTNT và cũng không cần phải có EU code”, phía Vasep lưu ý.

Hoặc như ở Mục 1.6 tại Khoản 1 Phần V 1.6 của Dự thảo quy định Cơ sở thu mua, chợ đầu mối thu mua nguyên liệu thủy sản, cơ sở sơ chế thủy sản cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho chế biến, XK thủy sản và sản phẩm thủy sản vào thị trường EU phải đăng ký để EU phê duyệt danh sách… quy định này của EU.

Theo Vasep, hiện tại, chưa có một cơ sở trước chế biến nào trong chuỗi cung ứng thủy sản được EU chính thức công nhận. Trong khi đó, số lượng các cơ sở trước chế biến trong chuỗi cung ứng thủy sản của Việt Nam lại rất lớn và đa phần là quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Chỉ tính riêng các đại lý cung cấp nguyên liệu của Việt Nam cũng đã lên đến trên 2.000 cơ sở.

Ngoài ra, các cơ sở này cũng thay đổi việc sản xuất, kinh doanh rất nhanh, nhiều khi vài tuần, vài tháng đã thay đổi mặt hàng, quy mô, loại hình thu gom. Do đó, việc chờ đợi để EU làm thủ tục công nhận (thường mất nhiều tháng) cho các cơ sở này rất mất thời gian, không đáp ứng được thực tế số lượng lớn, quy mô đa phần nhỏ lẻ và tốc độ thay đổi nhanh chóng của các cơ sở này cũng như nhu cầu lập hồ sơ và xin cấp H/C (giấy chứng nhận y tế cho thực phẩm XK) cho lô hàng thủy sản XK sang EU của các doanh nghiệp (DN).

Từ việc chỉ rõ một số quy định mới trong Dự thảo vẫn còn có những bất cập, như lưu ý của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, đó là cần bổ sung sửa đổi hợp lý cho Dự thảo để không tạo ra các quy định hoặc thủ tục hành chính quá mức cần thiết, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả triển khai trong thực tế.

Nên loại bỏ các rào cản

Ngoài vướng mắc trước một dự thảo như trên thì có thể kể thêm đến tình trạng nhiêu khê trong kiểm dịch thực vật. Nhất là thời gian qua có nhiều DN XK nông sản thực phẩm đã đối mặt tình cảnh phải tốn kém thời gian cho khâu kiểm dịch thực vật dựa trên quy định mới, quy trình mới trong Thông tư số 04/2023/TT-BNNPTNT được Bộ NN&PTNT ban hành vào tháng 8/2023 và có hiệu lực từ ngày 29/9/2023. Điều này dẫn đến việc tốn kém chi phí và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản thực phẩm Việt trên thị trường XK.

Điển hình là các DN trong ngành điều đã phải “than trời” vì quy trình kiểm duyệt mới dựa theo thông tư này, đó là yêu cầu kiểm dịch 100% lô hàng thực vật nhập khẩu và cả chế biến tái xuất.

Như chia sẻ gần đây của ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội điều Bình Phước, đó là cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm tra 100% các lô hạt điều chế biến đã đăng ký XK tại các nhà máy. Và tính bình quân trong một ngày, riêng tỉnh Bình Phước có khoảng gần 30 DN rải rác khắp các huyện đăng ký kiểm dịch thực vật với số lượng khoảng 60 - 70 container/ngày.

Theo ông Sơn, với tỷ lệ kiểm dịch tối đa, lực lượng thực thi lại hạn chế và các nhà máy điều ở xa khiến DN chờ đợi tốn nhiều thời gian, bị động trong việc thực hiện đơn hàng và chậm xoay vòng vốn.

Vị chủ tịch này cho rằng không cần thiết phải kiểm dịch 100% lô hàng như hiện nay khi mà trong quá trình sản xuất, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Trong khi đó, dù Mỹ và Australia có quy định kiểm dịch thực vật ngặt nghèo nhưng hạt điều Việt Nam vào đây, họ chỉ kiểm tra với tỷ lệ chưa đến 1%.

Thực ra, không chỉ kiểm dịch riêng với hạt điều đã bóc vỏ, phản ánh từ các DN cho nhiều loại nông sản thực phẩm khác như bánh kẹo các loại, bún khô, bánh tráng, hủ tiếu khô, phở khô đã đóng gói hoàn chỉnh XK có nguồn gốc thực vật cũng bị kiểm dịch tối đa. Chính vì vậy, điều mong muốn của các DN là cơ quan kiểm dịch nên xem xét loại sản phẩm XK nào có nguy cơ thì nên kiểm tra, còn loại nào không có nguy cơ thì có thể cho DN nộp mẫu và chịu trách nhiệm mẫu nộp.

Trước việc các DN trong ngành điều kêu “khó chồng khó” vì kiểm dịch, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, gần đây Cục Bảo vệ thực vật có cho biết sẽ xem xét đề xuất Bộ NN&PTNT đưa mặt hàng nhân điều sơ chế và một số mặt hàng nông sản XK khác ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch nếu không có nguy cơ.

Cần nhắc lại, để tạo thuận lợi cho thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa trong Chỉ thị số 27/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký vào hạ tuần tháng 10/2023 có nhấn mạnh là cần tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ của DN tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành.

Cho nên, từ góp ý của Vasep liên quan đến Dự thảo Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản XK sang thị trường EU hay như những vướng mắc trong kiểm dịch thực vật, đang rất cần các cơ quan quản lý lưu tâm nhằm loại bỏ các rào cản và thời gian tới cần tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện các thủ tục liên quan đến XK nông sản thực phẩm.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-khau-thu-tuc-lam-kho-xuat-khau-nong-san-thuc-pham-1096414.html