Đức viện trợ thêm tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine

Đức thông báo viện trợ thêm một hệ thống đánh chặn Patriot cho Ukraine. Đây sẽ là tổ hợp Patriot thứ ba mà Đức cung cấp cho Ukraine kể từ khi chiến sự Đông Âu bùng phát tháng 2/2022

Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây chuyển giao thêm hệ thống phòng không, đặc biệt là Patriot để giúp nước này đối phó với đòn tập kích từ Nga.

"Đức sẽ lập tức chuyển giao thêm một hệ thống Patriot cho Ukraine để đối phó các đợt tập kích của Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo trên X hôm 14/3. Theo ông Boris Pistorius, các đợt tập kích của Nga đang gây thiệt hại rất lớn cho hạ tầng cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius

Cùng ngày, Thủ tướng Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Kiev, theo phát ngôn viên chính phủ Đức. Hai lãnh đạo bàn về việc Đức chuyển giao thêm Patriot và nhất trí "các đối tác khác cần tăng cường nỗ lực" để giúp Ukraine cải thiện năng lực phòng không.

Tổng thống Zelensky cảm ơn Thủ tướng Scholz vì viện trợ thêm Patriot vào "thời điểm quan trọng", kêu gọi lãnh đạo các nước khác hành động tương tự.

Thủ tướng Scholz và Tổng thống Zelensky

Đây sẽ là tổ hợp Patriot thứ ba mà Đức cung cấp cho Ukraine kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát tháng 2/2022. Động thái diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang gặp nhiều bất lợi, còn lực lượng Nga tăng cường tập kích hạ tầng năng lượng của nước này.

Tổ hợp phòng không Patriot

Tổ hợp phòng không Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Patriot không thể giải quyết được mọi vấn đề phòng không của Ukraine chủ yếu là do số lượng quá ít, trong khi đòn tập kích của Nga ngày càng gia tăng về cường độ.

Tổ hợp phòng không Patriot

Patriot là hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 đầu tiên trên thế giới tham chiến. Hệ thống này đã đánh chặn thành công những những tên lửa đạn đạo trong thực chiến, điều đó đã được kiểm chứng khi nó bắn hạ 70% các loại tên lửa đạn đạo của Iraq bắn đến Saudi Arabia, và 40% các loại tên lửa bắn tới Irael trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ). Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12/1981.

Tổ hợp phòng không Patriot

Hệ thống phòng không Patriot gồm có: Trạm chỉ huy AN/MSQ-104; radar đa chức năng AN/MPQ-53; bệ phóng M901; tên lửa phòng không MIM104; trạm nguồn năng lượng AN/MSQ-26; phương tiện kỹ thuật ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin. Xe chỉ huy AN/MSQ-104 được bố trí trên khung xe M814, là nơi điều khiển, kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot. Bên trong xe chỉ huy có các thiết bị liên lạc, các máy tính dữ liệu thiết bị đầu cuối và một số phụ kiện khác.

Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được nhiều nước sử dụng nhất, hiện có tới 16 quốc gia đang có hệ thống này trong biên chế, nó chỉ đứng sau S300 của Liên Xô về độ phổ biến.

Ngày nay các biến thể mới trong gia đình tên lửa Patriot luôn được cải tiến, biến thể PAC3 mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn mới với phương thức Hit to Kill (truy đuổi và tiêu diệt), đây là phương thức có độ chính xác cực cao, và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng đầu đạn nổ. Với phương thức này quả đạn tên lửa sẽ nhỏ và nhẹ hơn, điều đó cho phép mỗi hệ thống có thể mang nhiều đạn hơn trong mỗi lần xuất trận.

Theo AFP, Reuters, Military Today

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duc-vien-tro-them-to-hop-phong-khong-patriot-cho-ukraine-post573359.antd