Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện TOD

Nhiều chuyên gia cho rằng, sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội để Hà Nội thực hiện TOD - một mô hình phát triển lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Người dân đi tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông Ảnh: Hồng Thái

TOD hoàn toàn phù hợp với Việt Nam

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của phương tiện cá nhân cùng với việc tăng dân số cơ học đã khiến cho bài toán ùn tắc giao thông trở nên nan giải. Thực tế, các TP lớn ở giai đoạn tăng trưởng nóng đều gặp phải thách thức khi mở rộng quy mô và đi kèm với đó luôn là vấn nạn tắc đường.

Trước thực trạng giao thông Hà Nội, việc đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị là điều quan trọng. Theo nhiều chuyên gia, muốn giải quyết bài toán phát triển giao thông đô thị thì cần căn cứ trên sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, quan tâm phát triển đường sắt đô thị, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ trong đó mô hình TOD chính là một trong các giải pháp khuyến khích phát triển an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ quan điểm về mô hình trên, tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, mô hình TOD hoàn toàn phù hợp với Việt Nam, bởi lẽ nếu nói hạn chế phát triển nhà cao tầng là không phù hợp, chúng ta có thể tham khảo mô hình TOD trên thế giới để áp dụng phát triển. Tức là những ga, điểm đón của đường sắt đô thị đã có thì phát triển cao tầng xung quanh đó, bán kính gần.

Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, triển khai dự án giao thông đô thị tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn ví dụ như chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay từ nước ngoài và chúng ta không chủ động được về mặt công nghệ. Và nếu như chúng ta áp dụng được mô hình TOD, chúng ta có cơ chế hài hòa được lợi ích của các bên liên quan và từ đó giúp chúng ta có tâm thế chủ động hơn.

Việc phát huy nguồn lực song song với cơ chế có thể hài hòa ở mức độ cao hơn lợi ích của các bên, kỳ vọng rằng cơ chế về TOD như quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp như đã đề ra trong Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam. Ảnh: N.M.

Cần tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ cùng tham gia

Giáo sư – tiến sĩ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay, rõ ràng để làm TOD hiệu quả thì chúng ta phải giải quyết nhiều sự thay đổi. Thay đổi thứ nhất là quan điểm về phát triển đô thị hiện nay, không phải phát triển tràn ra như vết dầu loang để sử dụng không gian bề mặt mà phát triển đô thị phải đi theo hướng tạo ra hiệu quả cao, sử dụng tối đa không gian ngầm, không gian chiều cao và dành không gian mặt đất cho phát triển về cây xanh, công cộng.

Và khi khai thác được không gian ngầm chúng ta sẽ đưa các yếu tố sức chịu tải như vận tải hành khách số lượng lớn xuống đó. Những hoạt động kinh doanh dịch vụ đang nổi trên mặt đất có thể chuyển xuống dưới và bên trên sẽ tạo ra không gian cho phát triển hiện đại và như vậy nó sẽ đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, và thậm chí người dân phải đồng tình.

Khi có quy hoạch phát triển đô thị khả thi, người dân sẽ chấp nhận mô hình chuyển đổi để sẵn sàng thay đổi vị trí chỗ ở, từ đang ở nhà mặt đất lên không gian trên cao và ở đấy có hạ tầng tiện nghi thì chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên và diện mạo đô thị sẽ thay đổi.

Luật gia Vũ Đình Thọ, Chi hội Luật gia phường Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ, mặc dù đã nhận định giao thông công cộng trở thành một định hướng trong quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội nhưng tại thời điểm hiện tại, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai giao thông công cộng bằng các quy định pháp lý thì chưa được rõ nét. Thực tế, dự án giao thông công cộng thường có quy mô lớn, số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, không chỉ có sự tham gia của một vài DN mà cần tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ cùng tham gia.

Ngoài ra, việc phát triển giao thông công cộng cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quy định trong luật bởi hiện nay pháp luật về đất đai không cho phép thu hồi đất mà không gắn với đầu tư dự án trên phạm vi đất được thu hồi.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-tao-dieu-kien-cho-ha-noi-thuc-hien-tod-378090.html