Du lịch trượt tuyết Italy thiệt hại nghiêm trọng vì không đủ tuyết

Theo Reuters, Monte Cimone, một khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng ở dãy núi Apennine tại Italy, đã phải đầu tư tới 5 triệu euro để tạo tuyết nhân tạo.

Tuy nhiên, số tiền lớn như vậy không mang lại hiệu quả. Những chiếc máy tạo tuyết hoạt động theo cơ chế bắn ra nước, sau đó chúng gặp thời tiết lạnh sẽ đông thành tuyết và rơi xuống đất. Tuy nhiên, dù tốn nhiều tiền để vận hành những chiếc máy này, biến đổi khí hậu khiến thời tiết không đủ lạnh giá. Cho đến giữa tháng 1 năm nay, nhiệt độ chưa bao giờ xuống dưới 0 độ C.

Luciano Magnani, người đứng đầu Hiệp hội các khu trượt tuyết địa phương cho biết: "Các thang máy đưa du khách lên đỉnh trượt tuyết đã bị đóng cửa. Nhiều hướng dẫn viên trượt tuyết và lao động thời vụ không có việc làm và chúng tôi đã mất 40% doanh thu trong cả mùa du lịch. Đây là lần đầu tiên sau 40 năm chúng tôi phải đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh".

Nhiệt độ tăng cao đang đe dọa ngành du lịch trượt tuyết trên toàn thế giới. Nhưng Italy, nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tầm thấp tại Apennines và dãy Alps, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Khoảng 90% đường trượt tuyết ở Italy đang phụ thuộc vào tuyết nhân tạo, so với 70% ở Áo, 50% ở Thụy Sĩ và 39% ở Pháp, theo dữ liệu từ tổ chức vận động hành lang Legambiente của Italy. Và tình cảnh này đang đe dọa môi trường, nền kinh tế và sinh kế địa phương.

Nhiệt độ tăng cao ở châu Âu cũng đang gây ra hạn hán và Italy không đủ khả năng chi trả cho hàng triệu m3 nước mà họ cần để tạo tuyết hàng năm.

Legambiente tính toán rằng lượng nước tiêu thụ hàng năm của các đường trượt tuyết trên dãy Alpine có thể sớm bằng với một thành phố có một triệu dân, chẳng hạn như Napoli.

Năng lượng tiêu thụ của một chiếc máy tạo tuyết cũng rất lớn. Mario Tozzi, một nhà địa chất kiêm nhà bảo tồn Italy cho biết, năng lượng cần thiết để cung cấp tuyết nhân tạo cho toàn bộ các khu nghỉ dưỡng trên dãy Alpine của châu Âu sẽ tương đương với mức tiêu thụ hàng năm của 130.000 gia đình bốn người.

Các khu trượt tuyết tầm thấp tại Italy đang không có đủ tuyết để phục vụ du khách. Ảnh: Reuters.

Tìm cách thích nghi với tình cảnh mới

Ngành du lịch trượt tuyết thế giới, trong đó có Italy, phải đối mặt với một quyết định mới: tiếp tục chiến đấu với tình cảnh hiện tại, hy vọng tiến bộ công nghệ có thể khắc phục ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao, hoặc thay đổi mô hình kinh doanh và tìm kiếm các nguồn doanh thu du lịch thay thế.

Trong khi các nhà khí hậu học và thậm chí cả Ngân hàng Italy đề xuất hướng hành động thứ hai, hầu hết các cơ sở trượt tuyết vẫn muốn đi theo con đường thứ nhất.

Valeria Ghezzi, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất thang máy trượt tuyết của Italy (Anef), bao gồm 300 công ty và chiếm 90% thị trường nước này, cho biết: "Nếu không có trượt tuyết, các cộng đồng miền núi sẽ mất đi nền tảng kinh tế và người dân sẽ rời đi".

Thiệt hại kinh tế là tương đối cao. Theo dữ liệu của Anef, ngành trượt tuyết Italy sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp 400.000 người và tạo ra doanh thu 11 tỷ euro (11,92 tỷ USD), tương đương khoảng 0,5% GDP.

Italy có khoảng 220 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết với ít nhất 5 thang máy, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Pháp, theo Báo cáo Quốc tế năm 2022 về Du lịch núi và tuyết. Nước này cũng đón số lượng khách trượt tuyết nước ngoài cao thứ ba sau Áo và Pháp.

Italy bắt đầu phát triển máy làm tuyết nhân tạo vào khoảng năm 1990 sau hai năm gần như không có tuyết trên dãy núi Alps. Hiện tại họ cũng đang dẫn đầu thế giới về thiết bị này. "Vào cuối những năm 1980, không ai nói về biến đổi khí hậu. Và chúng tôi đã không tuyệt vọng, chúng tôi tìm ra cách đối phó mạnh mẽ là bắt đầu sáng chế ra máy tạo tuyết," Ghezzi nói.

Italy cũng không hề đơn độc trong việc cố gắng hết sức để duy trì hoạt động trượt tuyết mùa đông. Vào tháng 12 năm ngoái, các nhà chức trách ở khu nghỉ mát Gstaad của Thụy Sĩ đã sử dụng máy bay trực thăng để đổ tuyết lên một đường trượt lớn ở khu vực Zweisimmen e Saanenmoser. Tuyết ở đây cũng được tạo ra từ máy trượt tuyết.

Các nhà môi trường lên tiếng

Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ ngành trượt tuyết này đang dấy lên sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường.

Tháng trước, các nhà hoạt động đã tập trung tại Pian del Poggio, Italy, để phản đối việc lắp đặt máy tạo tuyết tại khu nghỉ dưỡng cao 1.300m.

Năm nhóm bảo vệ môi trường của Tây Ban Nha cũng đang vận động Liên minh châu Âu ngăn chặn việc sử dụng 26 triệu euro tiền chung của khối để tài trợ cho một dự án liên kết hai khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong dãy núi Pyrenees.

Một số nhà kinh tế học và khí hậu học lập luận rằng việc cố gắng duy trì các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở độ cao thấp chắc chắn sẽ thất bại và việc tạo tuyết chỉ làm trì hoãn một kết cục không thể tránh khỏi.

Giulio Betti, một nhà khí hậu học tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Italy, cũng nói rằng trượt tuyết ở độ cao từ 1.000 đến 2.000m sẽ không còn mang lại giá trị bền vững về mặt kinh tế nữa và thay vào đó, các khu nghỉ dưỡng nên tập trung vào việc thu hút các nguồn khách du lịch khác nhau.

Ngành Ngân hàng Italy cũng cho biết trong một báo cáo vào tháng 12 rằng: "Trong bối cảnh này, các chiến lược thích ứng dựa trên sự đa dạng hóa là rất quan trọng".

Ngày càng nhiều cộng đồng miền núi đã làm theo lời khuyên này. Ở Piani di Artavaggio, một khu nghỉ mát cao 1.600m cách Milan 100 km về phía bắc, chính quyền đã tháo dỡ thang máy trượt tuyết đồng thời cải thiện cơ sở vật chất cho người đi bộ đường dài, người đi xe đạp leo núi và những người bình thường muốn trải nghiệm thiên nhiên.

Ngôi làng Elva, có 88 cư dân sống ở độ cao 1.600m trong Thung lũng Maira gần biên giới Pháp, cũng đang hướng đến phục vụ du khách leo núi và đi bộ đường dài./.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-lich-truot-tuyet-italy-thiet-hai-nghiem-trong-vi-khong-du-tuyet-20230403153059775.htm