Dự kiến 22-4 mới thông đường sắt qua hầm Bãi Gió

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy vừa họp trực tuyến với tổ công tác hiện trường, các cơ quan, đơn vị, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bàn phương án nhằm khắc phục sự cố sụt hầm đường sắt Bãi Gió.

Thi công xử lý sự cố sụt trượt hầm Bãi Gió

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu thành lập tổ chỉ huy tiền phương để chỉ đạo bảo đảm thi công an toàn 24/24 giờ. Tổ công tác định kỳ hàng ngày giao ban với tổ công tác của Bộ GTVT nhằm khắc phục sớm nhất sự cố.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy giao nhiệm vụ và yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện chuyển tải hành khách, hàng hóa thuận lợi, ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn.

Theo báo cáo từ hiện trường, do địa chất phía trên vỏ hầm rất phức tạp, các đơn vị phải thay đổi nhiều giải pháp để khắc phục sự cố. Đến thời điểm này, các đơn vị đã cơ bản ổn định được vỏ trên nắp hầm. Sau khi lắp hết các khung chống vào vị trí, đơn vị thi công sẽ phun vữa và triển khai làm bê tông vỏ hầm như thiết kế được duyệt. Dự kiến kế hoạch đến ngày 22-4 hoàn thành xử lý để thông tàu Bắc - Nam.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trung bình đường sắt chuyển tải 10 đoàn tàu/ngày, tính đến ngày 16-4 đã tổ chức chuyển tải hơn 16.000 hành khách trên 48 đoàn tàu khách từ ga Tuy Hòa (thuộc tỉnh Phú Yên) đến ga Giã (thuộc tỉnh Khánh Hòa) và ngược lại. Các hành khách được cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí...

Ngành đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy tàu khách theo kế hoạch đã bán vé hành khách, kết hợp với việc nâng cao chất lượng tổ chức chuyển tải hành khách.

Về hàng hóa, có 77 đoàn tàu hàng bị ách tắc do ảnh hưởng sự cố. Đường sắt phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải, hiện đã chuyển tải được 16 đoàn qua khu vực bị sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là sự cố vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát nên thiệt hại đối với vận tải đường sắt rất lớn. Tổng công ty kiến nghị các cấp xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ. Để giảm thiểu thiệt hại, đề nghị địa phương bố trí xe chuyển tải đảm bảo số lượng, điều kiện phục vụ hành khách; kiến nghị cấp thẩm quyền miễn phí sử dụng đường bộ cho xe chuyển tải hành khách, hàng hóa qua hầm Đèo Cả.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị, sau khi khắc phục xong sự cố sụt hầm Bãi Gió, các cấp có thẩm quyền cần xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Cùng đó có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Thống nhất.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, do địa chất phức tạp, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn, các đội thi công luân phiên vào hầm khắc phục trong nhiều ngày qua. Đơn vị thi công phải bổ sung phương án vá hầm bằng cách khoan nhiều mũi từ trên sườn núi để đổ bê tông vào nóc hầm.

Các máy chuyên dụng được đưa vào hầm. Ảnh: CÔNG NHÂN

Ông Vinh cho biết ở bên dưới hầm cơ bản ổn định, đất đá sạt lở đã phun bê tông giữ chân cố định. Đơn vị thi công khắc phục sự cố phải khoan bên trên xuống, với chiều sâu 23-24m. Khi bơm bê tông có hiện tượng nước chảy qua vỏ hầm vào trong hầm. Vì vậy, phải kéo dài thời gian khắc phục, chờ bê tông đông cứng mới tiếp tục bơm xuống tiếp.

Trong ngày 16-4, tiến hành chuẩn bị thiết bị khoan neo, máy phun vữa áp lực cao, trạm trộn, neo... để tiến hành khoan cắm neo dẫn trước vào vị trí miệng hố sụt và bơm vữa áp lực cao để tạo sự kết dính ổn định. Sau đó tiến hành đưa dần khối đất đá sụt trong hầm ra ngoài, đào đến đâu tiến hành lắp khung chống đến đó để giữ.

Thực hiện khoan trên nóc hầm. Ảnh: CÔNG NHÂN

Sau khi lắp hết các khung chống vào vị trí, tiến hành phun vữa và triển khai làm bê tông vỏ hầm như thiết kế được duyệt. Dự kiến đến ngày 22-4 sẽ hoàn tất xử lý để thông tàu Bắc – Nam.

MINH ANH - CÔNG NHÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-kien-22-4-moi-thong-duong-sat-qua-ham-bai-gio-post735652.html