Dự án phát triển kỹ năng tranh luận của học sinh trung học: Nhiều triển vọng để mở rộng

Sau quá trình nghiên cứu, 2 học sinh (HS) Võ An Bảo Thơ (lớp 10 Sinh) và Lê Đỗ Thùy Nhiên (lớp 11 Lý), Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) đã hoàn thành Dự án “Phát triển kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện của HS trung học". Dự án đoạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật HS trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024; giải tư cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua.

Em Thơ (thứ 3 từ phải qua) và em Nhiên chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 - 2024.

Theo em Võ An Bảo Thơ, để thực hiện dự án, từ tháng 8-2023 đến hết tháng 1-2024, nhóm đã tiến hành khảo sát thực tiễn bằng bảng hỏi trực tuyến trên nền tảng Google Forms ở phạm vi rộng đối với 8.357 người và qua các buổi hội thảo, giao lưu, tọa đàm… Kết quả cho thấy, phần lớn người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện trong học tập; HS thể hiện sự quan tâm và mong muốn tiếp cận được những phương pháp đúng đắn để phát triển kỹ năng này. Tuy nhiên, chỉ có chưa tới 1/4 số HS được tiếp cận và vận dụng hiệu quả kỹ năng này vào thực tiễn do nhiều nguyên nhân như: Không biết cách diễn đạt, bảo vệ lý lẽ của mình; thiếu kiến thức về vấn đề được đưa ra; tâm lý e ngại, lo sợ; lối học thụ động; quan niệm, phương pháp, kỹ thuật dạy học còn lạc hậu; nội dung chương trình dạy học thiên về lý thuyết; sự can thiệp suy nghĩ, hành vi, thói quen từ gia đình và phụ huynh. Trên cơ sở đó, nhóm đã đề ra nhiều giải pháp nhằm góp phần rèn luyện và nâng cao kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện của HS trung học.

Theo đó, để nâng cao nhận thức về kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện ở HS, nhóm đã xây dựng Fanpage “T3L - Tranh tài tranh luận”, thường xuyên đăng tải những bài viết về các chủ đề gần gũi, giới thiệu những đầu sách hay, cập nhật những thông tin về các hoạt động. Fanpage đã thu hút gần 2.500 lượt theo dõi và nhận được những bình luận tích cực. Cùng với đó, nhóm kết nối với các chuyên gia uy tín để tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về chủ đề này, với những câu chuyện thú vị, người thật, việc thật, những góc nhìn khoa học và chia sẻ trải nghiệm đáng quý. Qua khảo sát hơn 1.200 HS của 7 trường trung học trong và ngoài tỉnh tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, nhóm nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt trong hiểu biết và nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện. Để giúp các HS có cơ sở thực hành tranh luận, phản biện hiệu quả, nhóm thiết kế 2 cuốn cẩm nang “Nâng cao kỹ năng tranh luận" và “Phát triển tư duy phản biện”; làm các tờ rơi: “Làm chủ nghệ thuật giao tiếp - Phát triển kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện”; “Mũi tên tư duy sắc bén - Nâng cao kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện dành cho HS trung học”; “Đồng hành cùng con phát triển năng lực tranh luận phản biện” (dành cho phụ huynh); “Cùng học, cùng phát triển” (dành cho giáo viên).

Bên cạnh đó, nhóm đã thực hiện các giải pháp nhằm góp phần rèn luyện kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện ở HS trung học, như: Tổ chức cuộc thi về “Tranh tài tranh luận” ở các trường THCS, THPT; phối hợp với đoàn trường tổ chức thi “Rung chuông vàng” với chủ đề “Tư duy phản biện”. Đồng thời, tổ chức và duy trì hoạt động câu lạc bộ “Hãy nói lên suy nghĩ của bạn” để tạo sân chơi cho HS thực hành tranh luận trực tiếp với nhau. Câu lạc bộ đã duy trì đều đặn việc sinh hoạt trực tiếp lẫn trực tuyến qua ứng dụng Google Meet 2 tuần/lần. Khảo sát sau 12 buổi tham gia câu lạc bộ, 2 em vui mừng khi nhận được kết quả là 100% HS tự tin về khả năng phản biện của mình, thay cho sự tự ti, lo lắng trước đó.

Chia sẻ về dự án, em Lê Đỗ Thùy Nhiên cho biết, cả hai mong muốn có thể mở rộng đối tượng, phạm vi nghiên cứu, áp dụng thực nghiệm, giải pháp đối với HS trung học trên cả nước. Đồng thời, mở rộng về quy mô, chất lượng các giải pháp giúp HS nâng cao kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện và vận dụng hiệu quả vào học tập, cuộc sống. Trong đó, có việc tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển một hệ hỗ trợ quyết định DSS (Decision support system) nhằm phát hiện lỗi sai, thiếu hụt của từng HS trong việc phát triển và vận dụng kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện.

Cô HUỲNH DIỄM HỒNG THƯ - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, người hướng dẫn 2 em nhận định: Cả 2 em Thơ và Nhiên đều có thế mạnh về năng lực tư duy phản biện; tự tin, mạnh dạn đứng trước đám đông để nói lên quan điểm, chính kiến của mình. Trong quá trình thực hiện, 2 em đã rất nỗ lực, sắp xếp hợp lý việc học ở trường để hoàn thành dự án một cách tốt nhất. Sau khi nghiên cứu, kỹ năng tranh luận và phản biện của 2 em cũng được nâng lên.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/du-an-phat-trien-ky-nang-tranh-luan-cua-hoc-sinh-trung-hocnhieu-trien-vong-de-mo-rong-6707333/