Đồng Ruble rời 'vùng thoải mái' và liên tục trượt dốc - tất cả nằm trong 'tính toán' của Nga?

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, hoạt động xuất khẩu dầu khí bị thu hẹp và khả năng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi Nga là lý do khiến đồng Ruble liên tục trượt dốc.

Trong năm qua, đồng Ruble liên tục giảm giá. (Nguồn: DW)

Tháng 2/2022, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng Ruble đã liên tiếp trượt dốc. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng đồng tiền này đã lấy lại được vị thế đã mất, khi Moscow được hưởng lợi từ giá năng lượng cao hơn đáng kể.

Nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã thành công trong việc “cai” dầu thô và khí đốt Nga, bằng cách tăng cường nhập khẩu năng lượng từ các nguồn khác như Mỹ, Canada và Na Uy.

Cùng với đó, giá dầu thô và khí đốt giảm mạnh vì mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng, gây áp lực tài chính đối với Nga giữa lúc chiến dịch quân sự ở Ukraine chưa kết thúc, đặt ra sức ép mất giá đối với đồng Ruble.

Trong năm qua, đồng tiền này lại liên tục giảm giá.

Trong năm nay, đồng Ruble đã giảm 25% so với USD và hiện thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Ghi nhận chiều 14/8, 1 USD đổi được 100,7 Ruble. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, tỷ giá đồng nội tệ Nga vượt mốc tâm lý quan trọng là 100 Ruble một USD.

Đồng nội tệ mất giá đang đẩy lạm phát ở Nga tăng nhanh. Tốc độ lạm phát ở nước này đã vượt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), lên mức 4,3% vào tháng 7/2023 và được dự báo sẽ tăng lên mức 5-6,5% trong năm nay.

Vì sao Ruble trượt giá?

Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho rằng, phạm vi từ 1 USD đổi 80-90 Ruble như một "vùng thoải mái". Đồng tiền nước Nga đã thoát ra khỏi vùng này vào đầu mùa Hè.

Theo ông Nabiullina, hoạt động ngoại thương suy giảm là nguyên nhân khiến đồng tiền yếu đi. Bên cạnh đó, chi tiêu chính phủ tăng mạnh và tình trạng thiếu lao động đã khiến lạm phát luôn ở mức cao.

Ngày 14/8, CRB cho biết, giá trị xuất khẩu đang đối mặt với "sự sụt giảm đáng kể" vào thời điểm nhu cầu nhập khẩu tăng lên.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc CBR Alexei Zabotkin nhận thấy, không có bất kỳ rủi ro nào đối với sự ổn định tài chính. Ông nói: “Ngân hàng trung ương tiếp tục tuân thủ chính sách tỷ giá hối đoái cho phép nền kinh tế thích ứng hiệu quả với các điều kiện bên ngoài đang thay đổi".

CBR đã tăng lãi suất cơ bản lên 8,5% - mức cao hơn dự kiến vào tháng 7 - để ngăn chặn sự trượt giá của đồng Ruble.

Ông Maxim Oreshkin, một cố vấn kinh tế của chính phủ, thì cho rằng, sự suy yếu của đồng Ruble và sự gia tăng lạm phát là do chính sách tiền tệ mềm mỏng của ngân hàng trung ương.

Theo các nhà phân tích, sự suy giảm của đồng Ruble trong những tuần gần đây là do nhập khẩu cao hơn và dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng cao.

Nêu quan điểm về lý do đồng Ruble trượt dốc, ông Albrecht Rothacher, một học giả đã làm việc 30 năm tại Ủy ban châu Âu cho hay, yếu tố quan trọng là Nga chỉ có thể bán dầu với giá thấp hơn giá trên thị trường thế giới.

Theo dữ liệu mới nhất của CBR, doanh thu của các nhà xuất khẩu dầu khí nước này đã giảm xuống còn 6,9 tỷ USD (6,3 tỷ Euro) trong tháng 7, từ mức 16,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Một yếu tố khác là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rút khỏi Nga, kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu. Bloomberg ước tính, các công ty nước ngoài rời Nga năm ngoái đã bán tài sản trị giá từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD.

Bà Elina Ribakova thuộc nhóm chuyên gia tư vấn tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) thì cho rằng, lý do đằng sau sự sụt giảm của đồng Rubble là do xuất khẩu dầu khí bị thu hẹp và khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rút vốn.

Ông Rothacher nói thêm: "Chi phí nhập khẩu ngày càng tăng của các sản phẩm công nghệ cao từ phương Tây thông qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Trung Quốc và Serbia cũng là tác nhân đẩy Ruble đi xuống".

Làm gì để bình ổn Ruble?

Nhà phân tích Alexei Antonov của Alor Broker đã cảnh báo, đồng Ruble có thể giảm sâu hơn nữa xuống còn 115-120 Ruble đổi một USD. Ông nói: "Để đồng nội tệ Nga ngừng giảm, cần chờ đợi việc giảm nhập khẩu hoặc các quyết định mới của CBR".

Đồng quan điểm, ông Alexander Isakov, nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics nhấn mạnh, để bình ổn giá Ruble, lãi suất tham chiếu cần lên sát 10%. Chi ngân sách liên bang cũng phải được giữ dưới mức trần.

Nhà kinh tế này khẳng định: "Đồng Ruble có thể sẽ hưởng lợi khi giá dầu thô tăng cao, nhưng các chính sách tiền tệ trong nước mới là nền tảng để quyết định. CBR cần nâng lãi suất thêm 50-100 điểm cơ bản trong phiên họp giữa tháng 9 để tăng tiết kiệm trong nước và giảm nhập khẩu”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế khác tin rằng, chính phủ Nga ủng hộ sự suy yếu dần dần của đồng tiền này.

Nhà phân tích Tim Ash bày tỏ, đồng Ruble đang được chính quyền Nga quản lý yếu hơn để đối phó với trần giá dầu và tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây trong việc giảm cả xuất khẩu và thu ngân sách.

(theo DW, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-ruble-roi-vung-thoai-mai-va-lien-tuc-truot-doc-tat-ca-nam-trong-tinh-toan-cua-nga-238428.html