Đồng Nai ít doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Đồng Nai hiện có khoảng 49 ngàn doanh nghiệp (DN) nhưng hầu hết là DN ứng dụng KH-CN. Số DN KH-CN mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Trương Thanh Khoan. Ảnh: NVCC

Mục tiêu của Sở KH-CN là trong năm 2023 sẽ tư vấn, hướng dẫn để phát triển, cấp giấy chứng nhận cho 2 DN KH-CN.

Lợi ích khi trở thành DN KH-CN

Tháng 7-2016, Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) được Sở KH-CN cấp giấy chứng nhận DN KH-CN.

Những sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN của DN bao gồm: chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm; sản phẩm trầm nhân tạo (trầm cảnh, trầm kiến miếng); các sản phẩm được làm ra từ trầm hương (tinh dầu trầm hương, nước cất dầu trầm hương, cao trầm hương).

Ông Trương Thanh Khoan, Giám đốc công ty chia sẻ, để có thể thành lập DN KH-CN, ông đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ trầm hương từ năm 2011. Những năm sau đó, ông tham gia nhiều cuộc thi liên quan đến KH-CN và liên tục đoạt nhiều giải cao từ cấp tỉnh đến quốc gia.

Ông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền sáng chế phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm; cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nhãn sản phẩm…

Riêng vấn đề thủ tục pháp lý, ông Khoan được Sở KH-CN, Sở Công thương, Sở NN-PTNT, kiểm lâm, các trung tâm khuyến nông, khuyến công cấp huyện, xã quan tâm giúp đỡ tận tình.

Cũng năm 2016, ông Khoan được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong sáng chế phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi được công nhận là DN KH-CN, Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm nước cất dầu trầm hương làm ra đến đâu bán hết đến đó, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường Hàn Quốc. Tổng doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2021, sản phẩm tinh dầu trầm hương của công ty được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.

DN KH-CN là DN thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như tiến hành thực hiện các nhiệm vụ KH-CN.

“Hiện nay, công ty đang trồng 1,2ha cây dó bầu, có 12 công nhân đang làm việc thường xuyên. Thời điểm đơn hàng nhiều, công ty mua thêm nguyên liệu của người dân tại địa phương và của người dân H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục, sẵn sàng xuất hàng đi Mỹ, chỉ chờ DN đối tác hoàn thiện mã code cho sản phẩm” - ông Khoan cho hay.

Trong khi đó, Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học - DONATECHNO (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) có 3 sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN là: cây giống sầu riêng DONA; cây giống chôm chôm DONA; phương pháp sử dụng thuốc trừ bệnh Agri - Fos 400 (Photphoruos Acid) cho sầu riêng, cây lúa, cây cao su, cây hồ tiêu và cây thanh long.

Công ty TNHH Hồ Giáp Việt (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) có 2 sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN là: máy gieo hạt và bón phân; máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) có 2 sản phẩm là hệ thống thu nhiệt mặt trời và máy sấy nhiệt mặt trời.

Cũng như Công ty TNHH Trương Thanh Khoan, cả 3 công ty trên đều nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý của các sở, ngành, địa phương. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN có nhiều thuận lợi.

Cần đẩy mạnh truyền thông đến các DN

TS Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, mặc dù có nhiều lợi ích nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 6 DN KH-CN, rất ít so với tổng số DN trong tỉnh.

Ngoài 4 DN kể trên, còn có 2 đơn vị khác là Công ty TNHH Đồi Phú An (xã Phú An, H.Tân Phú) và Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán).

Theo lãnh đạo Sở KH-CN, sở dĩ có rất ít DN KH-CN bởi để được công nhận là DN KH-CN phải đáp ứng được một số tiêu chí khá khắt khe.

Cụ thể, theo Nghị định số 13/2019 ngày 1-2-2019 của Chính phủ về DN KH-CN, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận DN KH-CN gồm: DN được thành lập và hoạt động theo Luật DN; có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH-CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định; có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Những DN mới thành lập dưới 5 năm đáp ứng 2/3 tiêu chí trên cũng được chứng nhận là DN KH-CN.

DN phải nộp cho cơ quan chức năng đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ cần thiết như: văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ/quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật; bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về KH-CN do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp, tổ chức xét tặng giải thưởng/giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ…

Ngoài ra, DN còn phải có phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN.

Theo khảo sát ở một số DN trên địa bàn tỉnh, ngoài các tiêu chí khắt khe, nhiều DN chưa làm thủ tục để được công nhận là DN KH-CN do họ chưa nắm được đầy đủ các thông tin có liên quan. Do vậy, việc tổ chức các hội nghị để tuyên truyền cho các DN về vấn đề này là rất cần thiết.

Anh Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX Quyết Thắng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại máy công nghiệp phụ trợ nhằm thay thế thao tác của người công nhân. Các loại máy do công ty sản xuất được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ ô tô, điện tử, thực phẩm… theo đơn đặt hàng của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cả nước.

Mục tiêu công ty hướng tới là đơn vị cung cấp các giải pháp kỹ thuật, tự động hóa trong hệ thống cấp phôi tự động cho sản xuất công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Với đội ngũ nhân lực trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và đam mê, công ty tiếp cận với những công nghệ mới với thái độ ham học hỏi để tạo ra các sản phẩm, giải pháp có giá trị hiện thực cao, đáp ứng được các yêu cầu, ứng dụng phức tạp khác nhau của khách hàng.

“Các sản phẩm do công ty sản xuất đều xuất phát từ nghiên cứu KH-CN. Một số sản phẩm đạt chất lượng ISO 9001:2015, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải thưởng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ các tiêu chí để thành lập DN KH-CN. Nếu các tiêu chí phù hợp và có nhiều chính sách ưu đãi, chúng tôi sẵn sàng làm hồ sơ đăng ký” - anh Bình chia sẻ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202306/dong-nai-it-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-3168624/