Dự án Báo chí Facebook đã chết (phần 1): Đổi sang thuật toán ít hiển thị tin tức

Mark Zuckerberg đã có những cuộc thảo luận thường xuyên vào năm 2017 và đầu năm 2018 về cách làm cho tin tức trên Facebook đáng tin cậy hơn. Các cuộc thảo luận này xoay quanh việc mua lại một hãng tin tức lớn, uy tín hoặc Facebook tự thành lập tổ chức riêng.

Vào thời điểm đó, Facebook (chưa đổi tên thương hiệu thành Meta Platforms) vẫn đang loay hoay với vấn đề chính trị hóa và thao túng nền tảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, góp phần giúp ông Donald Trump đắc cử. Sau khi ban đầu bác bỏ vai trò của Facebook trong chính trị và ảnh hưởng với cử tri, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã thay đổi thái độ.

Trong một bản ghi nhớ năm 2017, ông đã trình bày cách Facebook nỗ lực cải thiện thành một nền tảng có trách nhiệm với người dùng và ngành tin tức. Tỷ phú người Mỹ sinh năm 1984 viết: “Cung cấp cho mọi người tiếng nói là không đủ nếu không có những người tận tâm khám phá thông tin mới và phân tích nó. Chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ ngành tin tức nhằm đảm bảo chức năng xã hội quan trọng này được bền vững.”

Theo một số người quen thuộc với ghi chú và suy nghĩ của Mark Zuckerberg vào thời điểm đó, giọng điệu của ông rất chân thành. Đích thân Mark Zuckerberg đã phê duyệt Dự án Báo chí Facebook (Facebook Journalism Project), trong đó một nhóm tại công ty đã soạn thảo hợp đồng với các tổ chức tin tức lớn và nhỏ.

"Khi đó, với vấn đề tin tức giả mạo, câu hỏi được đặt ra là liệu chúng tôi có thể tự mình giải quyết nó không?", một người có kiến thức trực tiếp về các cuộc thảo luận tại Facebook nói với trang Insider.

Xây dựng nó hoặc mua lại

Mark Zuckerberg cân nhắc các lựa chọn của mình: "Xây dựng nó hay mua lại?", theo một người quen thuộc với các cuộc đàm phán. Hai người có hiểu biết về quy trình này tiết lộ ứng cử viên hàng đầu trong hạng mục “mua lại” của Facebook là hãng tin Associated Press (AP). Mark Zuckerberg quan tâm đến việc Facebook có dịch vụ tin tức riêng và AP phù hợp với điều đó hoàn toàn.

Nhóm mua bán và sáp nhập của Facebook đã trực tiếp tham gia, nhưng ý tưởng này dần phai nhạt vì rõ ràng việc mua lại hoàn toàn một nhà xuất bản tin tức lớn sẽ chịu sự giám sát của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, cuộc thảo luận "xây dựng nó" xoay quanh việc Facebook tạo ra kênh tin tức riêng. Ý tưởng đó cũng bị gác lại, một phần vì lo ngại về phản ứng tiêu cực của công chúng với sự ra mắt dịch vụ như vậy.

Tracy Clayton, người phát ngôn Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram), từ chối bình luận về chuyện này, nhắc với trang Insider về một bài đăng trên blog công ty từ tháng 2 rằng họ sẽ xóa thẻ tin tức chuyên dụng trên Facebook.

“Dù báo chí có quan trọng đến đâu thì bây giờ, nó có thể là điều kém thú vị nhất trên thế giới với Mark Zuckerberg” - Ảnh: Getty Images

"Mọi thứ mà nhóm tin tức xây dựng đã bị hủy bỏ"

Không lâu sau cuộc nói chuyện "xây dựng hoặc mua nó", Mark Zuckerberg đã quyết định rằng mảng truyền thông tin tức nói chung là rắc rối hơn nhiều so với những gì nó có thể mang lại cho công ty. Trong khoảng 18 tháng qua, Meta Platforms đã không còn quan tâm đến ngành tin tức cũng như không ngầm ủng hộ nó. Ngân sách tin tức của Meta Platforms từng tăng lên 2 tỉ USD, gồm cả các khoản thanh toán trực tiếp đã thương lượng với các nhà xuất bản, theo trang Insider. Năm 2023, trong bối cảnh “Năm hiệu quả” của Meta Platforms, ngân sách đó đã bị cắt giảm xuống còn khoảng 100 triệu USD.

Một cựu nhân viên cấp cao của Meta Platforms cho biết: “Dù báo chí có quan trọng đến đâu thì bây giờ, nó có thể là điều kém thú vị nhất trên thế giới với Mark Zuckerberg”.

Điều đó đã trở nên rõ ràng. CrowdTangle, công cụ mà Meta Platforms cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất của nhà xuất bản, sẽ ngừng hoạt động vào tháng 8. Dự án Báo chí Facebook thực sự đã chết.

Gần như tất cả mọi người trong nhóm tin tức trong Meta Platforms đã bị sa thải hoặc rời đi từ cuối năm 2022 đến 2023. Facebook bắt đầu chặn tin tức ở Canada. Meta Platforms đã xóa hoàn toàn thẻ Tin tức chuyên dụng của Facebook ở một số quốc gia, gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Úc, nghĩa là nội dung tin tức không còn được hiển thị một cách có chủ ý nữa, ngay cả khi người dùng tìm kiếm nó (thẻ này từng có trên trang chủ Facebook).

Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram và Threads, tuyên bố rõ ràng rằng các nền tảng của Meta Platforms đang quyết định hiển thị cho mọi người ít tin tức và nội dung chính trị liên quan hơn.

Đáng chú ý nhất là toàn bộ thuật toán của Facebook và Instagram cũng được chuyển sang thuật toán đề xuất "nội dung không liên kết" hoặc nội dung dựa trên những gì người dùng đã tương tác. Vì không có nội dung tin tức nào có thể truy cập dễ dàng trên các nền tảng của Meta Platforms nên thực sự không có cách nào người dùng có thể tương tác ngẫu nhiên với chúng và được hiển thị nhiều hơn.

Cựu nhân viên cấp cao này cho biết: “Mọi thứ mà nhóm tin tức xây dựng đều bị hủy bỏ. Đó là một sự thay đổi hoàn toàn từ ngân sách khổng lồ để tài trợ cho tin tức đến việc mọi thứ về cơ bản bị tắt vào một ngày nào đó. Trong nội bộ, không có chuyện gì xảy ra cả, Mark không hề xúc động. Ông ấy nói: Điều này rõ ràng không giúp ích gì cho công việc kinh doanh của chúng ta và đây là một quyết định kinh doanh. Chúng ta xong việc rồi".

Dấu hiệu ban đầu cho thấy Meta Platforms muốn tách mình khỏi ngành tin tức xuất hiện vào năm 2022 khi công ty đổi tên một trong những sản phẩm đầu tiên và thành công nhất của mình là News Feed (riêng biệt với thẻ Tin tức) thành Feed.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-an-bao-chi-facebook-da-chet-phan-1-doi-sang-thuat-toan-it-hien-thi-tin-tuc-217195.html