Đổi mới tinh giản và quyết tâm cơ cấu lại chất lượng đội ngũ

Thực hiện chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế (TGBC), các địa phương đã có nhiều đổi mới để phần việc này đạt hiệu quả. Mới đây, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 1-5-2023 về thí điểm đổi mới TGBC gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đồng thời nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xét về mặt bằng chung, Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô kinh tế nhỏ, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chiếm khoảng 4% toàn vùng; thu nội địa thấp, phần lớn là nhận điều tiết, hỗ trợ từ Trung ương. Chỉ ra một trong những yếu tố đang làm cản trở sự phát triển của địa phương, lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đang là “điểm nghẽn” lớn của tỉnh.

Đồng chí Lê Công Lý, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang nêu thực tế: Hiện nay, cơ cấu độ tuổi bình quân của cán bộ trong tỉnh khá cao, trong đó, cán bộ trẻ từ 30 đến 35 tuổi chỉ chiếm 14,5% và dưới 30 tuổi trở xuống chưa được 9%. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa ngang tầm và chưa đáp ứng được nhiệm vụ, đây là “điểm nghẽn” thách thức lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ được đào tạo chính quy thấp, phần lớn là đào tạo không chính quy và chủ yếu là cán bộ tiếp nhận thẳng vào làm việc không qua thi tuyển (chiếm 65%). Số cán bộ ngạch công chức là chuyên viên cao cấp chỉ chiếm 1,13% và viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng I chỉ chiếm 0,7%...

Những năm qua, mặc dù công tác quản lý và thực hiện TGBT ở Hậu Giang đều đạt kế hoạch Trung ương giao hằng năm, nhưng TGBC chủ yếu là giảm cơ học, chưa gắn chặt với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị vẫn chưa có chuyển biến thực chất. Số lượng cán bộ của tỉnh ngày càng giảm dần qua các năm và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong giai đoạn 2022-2026 khi thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị (giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức). Do đó, về cơ bản sẽ không thể tuyển dụng mới cán bộ nếu không có giải pháp quyết liệt, đột phá mạnh nhằm TGBC để tạo dư địa nhằm tuyển dụng mới cán bộ trẻ.

 Lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang khảo sát thực tế và trao đổi với công dân sau khi ghi nhận ý kiến tại buổi tiếp dân định kỳ. Ảnh: THÚY AN

Lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang khảo sát thực tế và trao đổi với công dân sau khi ghi nhận ý kiến tại buổi tiếp dân định kỳ. Ảnh: THÚY AN

Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, đồng chí Nguyễn Thanh Thuấn, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do trước đây, tỉnh chưa có quy định cứng về việc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ ở mức thấp để thay thế bằng nguồn thi tuyển cán bộ trẻ có trình độ, năng lực. Mặt khác, công tác đánh giá cán bộ để sàng lọc vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể (năm 2021, tỉnh Hậu Giang chỉ có 73 cán bộ, công chức, viên chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 0,84%). Các trường hợp yếu về năng lực, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nhưng chưa được thay thế kịp thời dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu, chưa giảm được người cần giảm.

Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay, Tỉnh ủy Hậu Giang quyết tâm thực hiện các giải pháp đột phá về TGBC, nhất là phải quyết liệt tinh giản cán bộ không đủ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp. Tỉnh ủy Hậu Giang đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2026, ngoài hoàn thành chỉ tiêu TGBC được Trung ương giao, tỉnh sẽ quyết tâm TGBC tối thiểu 5% đối với cán bộ công chức và tối thiểu 5% đối với viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực.

Để khẳng định quyết tâm này, ngoài những cán bộ tự nguyện tinh giản và cán bộ thuộc diện TGBC theo quy định của Nhà nước, tỉnh sẽ mở rộng đối tượng tinh giản. Đối tượng hướng đến là những cán bộ có 1 năm trước liền kề với thời điểm xem xét tinh giản mà đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ có 2/5 năm gần nhất được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ có 2/5 năm gần nhất xếp loại hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp hơn cán bộ khác cùng cơ quan, đơn vị nằm trong chỉ tiêu TGBC được giao. Những trường hợp này, các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ tự nguyện làm đơn đề nghị TGBC và sẽ được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh. Đồng thời, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương TGBC, Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả tinh giản.

TGBC là phần việc khó vì liên quan đến sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, chắc chắn sẽ khiến không ít người tâm tư và tạo tâm lý ngại khó khăn trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc đổi mới TGBC gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt là yêu cầu cấp bách, có tác động lâu dài đến sự phát triển của Hậu Giang. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kỳ vọng, với quyết tâm đổi mới và quyết liệt TGBC sẽ nâng cao được ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ của tỉnh.

MINH MẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/doi-moi-tinh-gian-va-quyet-tam-co-cau-lai-chat-luong-doi-ngu-752696