Đọc lại và suy ngẫm về 'Lặng lẽ Sa Pa'của nhà văn Nguyễn Thành Long

Tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Thành Long vô tình đã gắn bó định mệnh với vùng đất nổi tiếng này. Sa Pa không chỉ là một địa danh danh du lịch nghỉ dưỡng … mà còn là một địa danh du lịch văn học. Nguyễn Thành Long đã làm sang trọng địa danh du lịch nơi phố núi huyền ảo, mộng mơ.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn tiêu biểu và làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Thành Long (1925 - 1991). Theo lời kể của nhà văn, tác phẩm được thai nghén và ra đời từ một chuyến đi thực tế lên vùng núi Sa Pa vào mùa hè năm 1970, được in trong tập truyện “Giữa trong xanh”, xuất bản năm 1972. Thoạt nghe cái tên truyện như thế người ta ngỡ rằng Sa Pa phải tĩnh tại, lặng lẽ như những gì vốn có của nơi gặp gỡ đất trời nhưng thực tế lại không phải vậy. Hóa ra, đằng sau cái bề mặt vốn rất giản dị, bình yên và có phần khắc nghiệt vào những mùa đông ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn kia lại là nơi hội tụ, ẩn chứa trong mình biết bao tấm lòng trong sáng, cao cả. Chính những tấm lòng ấy đã làm nên một chất men say khiến Nguyễn Thành Lòng mê đắm và khởi phát thành một cái tứ truyện đầy chất thơ diệu kỳ, đặc biệt hấp dẫn này. Có thể nói, với việc tái hiện thành công vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động mới trên vùng non cao cực Bắc cùng với sự thơ mộng của núi rừng tươi đẹp Nguyễn Thành Long đã cho người đọc, đặc biệt là các thế hệ học sinh bao nhiêu năm qua thêm yêu, thêm quý về đất nước và con người của một thời đã qua; đồng thời cũng lấy đó làm một tấm gương để soi chiếu và điều chỉnh lại những suy nghĩ và hành động của bản thân hướng tới những giá trị cao đẹp, có ích cho cuộc đời. Và, cái chiều sâu của giá trị nhân văn này cũng chính là bức thông điệp mà nhà văn muốn chia sẻ cùng với người đọc qua tác phẩm.

1. Sa Pa, hiện thực và những nguyên mẫu của nhân vật chính

Phố núi Sa Pa bây giờ không còn là Sa Pa của hơn nửa thế kỷ trước. Một Sa Pa từng một thời tựa như ốc đảo chìm trong làn mây bồng bềnh huyền ảo, biến những con người ở nơi ấy trở nên “cô độc nhất thế gian” bây giờ được mênh danh là “thành phố trong sương” và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng của Việt Nam được du khách nước ngoài rất yêu thích. Nhưng chúng ta hãy ngược dòng thời gian, trở về những thập niên sáu mươi, bẩy mươi của thế kỷ trước để tìm hiểu về vùng đất này và những con người sinh sống trên mảnh đất ấy trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thành Long để hiểu thêm về một vùng đất của một thời kỳ gian khó nhưng rất đỗi hào hùng của đất nước; để thấy được vẻ đẹp của những con người đêm ngày lao động thầm lặng cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Đỉnh núi Yên Sơn nằm trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, nơi giáp ranh giữa Lào Cai và Lai Châu, theo Nguyễn Thành Long cao hai ngàn sáu trăm mét so với mực nước biển. Đấy chính là nơi đặt trạm khí tượng của nhân vật anh thanh niên. Thời kỳ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX núi ngàn Hoàng Liên Sơn nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc, khó khăn và gian khổ trăm bề. Cái vất vả, gian khó này chúng ta có thể thấy được phần nào trong truyện ngắn của nhà văn qua các chi tiết miêu tả về sự “thèm người” của anh thanh niên và của thời tiết rất cực khổ ở cái nơi: “mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ trực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Đấy là cảnh vật xứ sương mù trong những trang văn của Nguyễn Thành Long, còn thực tế ngoài đời như lời kể của chính nguyên mẫu nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm thì vùng đất ấy hiện lên cũng vô cùng khắc nghiệt: “hun hút với gió núi, mưa rừng. Buổi chiều cuối hạ mà nơi đây đã mịt mùng sương giăng”; “những cái lạnh buốt cắt da cắt thịt lúc một giờ sáng trời mùa đông phủ trắng băng tuyết” … (baolaocai.vn - Gặp nguyên mẫu nhân vật trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”)

Nếu Sa Pa bây giờ pha nét cổ kính giữa hoa lệ, lộng lẫy với những nhà cao dãy dài trong màn sương mờ ảo đầy quyền rũ khiến người người khắp chốn cùng nơi tìm về trong những cuộc chơi đêm cũng như ngày thì cũng đã có một Sa Pa hồi ấy vắng lặng trong giá buốt. Cái vắng lặng ấy đến mức khiến một chàng thanh niên hai mươi bảy tuổi phải lăn cây gỗ ra giữa đường để chặn xe qua lại nhằm kiếm cơ hội được nhìn và nói chuyện với người qua đường cho thỏa nỗi khao khát “thèm người”. Bởi trên cái đỉnh cao Yên Sơn ấy chỉ có mình anh với “bốn bề cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Cái khắc nghiệt của thời tiết cùng với sự vắng vẻ, cô đơn của con người khiến cho những người “lúc mới lên trạm buồn muốn khóc”. Một trong những nguyên mẫu của nhân vật chính từng chia sẻ: “Trên đỉnh đèo cả ngày không một bóng người. Những buổi chiều ngồi nhìn mặt trời lặn, chỉ còn rừng với núi, và cả một không gian tĩnh lặng, nước mắt cứ chảy ra. Thèm được gặp người, thèm nghe tiếng người kinh khủng”; “Vào những ngày dòng xiết (đới gió Tây ở trên cao) xuất hiện trên đỉnh đèo, tốc độ gió lên tới 40 mét/giây, tương đương với gió bão cấp 8. Nếu đang ở trong rừng thì phải chui ngay vào dưới lùm cây rậm rạp mà trú. Nếu ở trạm thì tốt nhất là trú trong nhà. Gió mạnh đến nỗi nằm trong nhà đắp chăn trùm đầu mà vẫn nghe thấy tiếng gió thổi u u, ù ù. Trời khô, độ ẩm chỉ còn dưới 10%. Người nào mà yếu thì máu cam cứ chảy ra miết. Mùa đông, có hôm băng tuyết phủ khắp núi rừng. Rét không dám ra ngoài” (Hanoimoi.vn - “Tìm lại người lặng lẽ ở Sa Pa”).

Văn học bắt nguồn từ đời sống, phản ánh hiện thực đời sống qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” và nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Thành Long thể hiện rõ nguyên lý này. Đương thời, Nguyễn Thành Long đi nhiều nơi, đọc các truyện của ông ta thấy mỗi tác phẩm hầu như là kết quả của một chuyến đi cụ thể nào đó. Có lẽ “nhờ đi vào cuộc sống, đi cần mẫn và hào hứng khắp đất nước quê hương, nên nhà văn có những trang văn rất đẹp, gọi ra được những cái thơ mộng, tình tứ riêng của mỗi vùng miền. Không thua kém bất cứ nhà văn nào, văn Nguyễn Thành Long có những trang miêu tả thiên nhiên đất nước trăm miền bằng những lời lẽ gấm hoa tinh mỹ”. Cũng do “bám sát vào cuộc sống, bám sát các phong trào xã hội, bám sát vào các điển hình con người mới, đặt cả niềm tin vào nó, ngợi ca nó nồng nhiệt” (Vanvn.vn – Nguyễn Thành Long còn lại …) mà các tác phẩm của ông mang đậm hơi thở của cuộc sống xã hội hiện thực. Trong số những hơi thở ấy nhân vật anh thanh niên ở truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một minh chứng điển hình.

Nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” là kết tinh cho cả một thế hệ người sống dung dị nhưng “chứa chan khát vọng sống với lý tưởng bất diệt của thanh niên thế hệ thời đại Hồ Chí Minh: “sống là cống hiến, hy sinh cho dù trong thầm lặng”. Nhân vật này được xây dựng trên những nguyên mẫu có thật là những cán bộ ở trạm Vật lý địa cầu Sa Pa. Đó là các nguyên mẫu Nguyễn Văn Ngọ, Trần Hữu Thiểm, Đỗ Văn Tị, Lê Văn Sử làm nhiệm vụ là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, tham dự vào những công việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Trong đó Nguyễn Văn Ngọ là nguyên mẫu chính. Ông Ngọ nguyên là cán bộ khí tượng làm ở Đài 5, Vật lý địa cầu Sa Pa; là học trò của nhà văn Ma Văn Kháng; chính Ma Văn Khánh kết nối cho nhà văn Nguyễn Thành Long gặp ông Nguyễn Văn Ngọ - xin đọc thêm “Phút giây huyền diệu” - Bút ký và tiểu luận của Ma Văn Kháng. Cũng theo ông Ngọ ngoài nguyên mẫu chính là mình ra thì “một số chi tiết là của những nhân vật khác, nhưng nhà văn khéo léo đưa vào để cùng xây dựng nên một nhân vật đại diện”. Chẳng hạn như chi tiết kéo khúc gỗ ra giữa đường chặn xe cho đỡ “thèm người” là “câu chuyện thật của bác Trưởng Đài 5, Vật lý địa cầu Trần Hữu Thiểm. Hoặc có những đồng nghiệp thường xuyên trực ở trạm trên đèo như anh Đỗ Văn Tị. Những đồng nghiệp ấy tôi đều kể và được nhà văn sử dụng xây dựng nhân vật “anh thanh niên” nhằm vinh danh những người làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu”. Có thể nói với nhân vật anh thanh niên, Nguyễn Thành Long đã thành công trong việc xây dựng một nhân vật điển hình đại diện cho một lớp người mới - lớp người lao động xã hội chủ nghĩa “sống là cống hiến, hy sinh cho dù trong thầm lặng” như chính lời của nguyên mẫu chính từng tâm sự.

2. Nghệ thuật trữ tình và bức thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long người ta sẽ nhớ ngay đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Và nếu để tính đến thành tựu của truyện ngắn sau năm 1945, chắc chắn phải có “Lặng lẽ Sa Pa”. Nhìn tiêu chí này, có lẽ tác giả cũng thuộc trường hợp nhà văn một bài, tựa như thể nhà thơ một bài (Quang Dũng với “Tây Tiến”, Vũ Đình Liên với “Ông Đồ”). Nhắc như vậy để khẳng định giá trị bất biến của tác phẩm. Để làm nên giá trị đặc sắc này trước hết phải kể đến một nghệ thuật trữ tình bậc thầy và bức thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn mà nhà văn Nguyễn Thành long đã thể hiện gửi gắm trong hình tượng nhân vật trung tâm.

Nghệ thuật trữ tình của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” chính là chất thơ mà nhà văn đã thể hiện trong câu chuyện. Chất thơ ấy như mạch nguồn suối mát chảy xuyên suốt tác phẩm từ cảnh vật tự nhiên, cốt truyện, tình huống đến mối quan hệ của các nhân vật trong mọi suy nghĩ và hành động. Không phải ngẫu nhiên mà đọc “Lặng lẽ Sa Pa” nhiều người bảo nó giống như một bài thơ với cái tứ là cuộc gặp gỡ tình cờ và để lại những dư vị ngọt ngào trong lòng các nhân vật và người đọc. Và có lẽ cũng chính ở điểm này mà người ta bảo văn Nguyễn Thành Long gần gũi với Thạch Lam, trữ tình và giàu tính nhân văn như Pautovsky và Aimatov.

Trước tiên là cốt truyện và tình huống truyện. Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” có cốt truyện đơn giản: Đó là trên một chuyến xe từ Lào Cai qua Sa Pa đi Lai Châu, ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ mới quen nhau được bác lái xe kể về một anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Sau đó là cuộc gặp gỡ giữa họ, khi xe khách dừng lại cho mọi người nghỉ ngơi. Anh thanh niên đã mời hai người khách lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Qua cuộc gặp gỡ chớp nhoáng này, cả ông họa sĩ và cô kĩ sư đã nhận thấy: tuy sống trong một hoàn cảnh đặc biệt nhưng anh thanh niên vẫn rất yêu đời, sống có trách nhiệm với công việc của mình và anh đã để lại trong lòng mọi người những suy nghĩ và tình cảm tốt đẹp. Tình huống cơ bản của truyện chính là cuộc gặp gỡ của anh thanh niên với bác lái xe, ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trong một thoáng chốc. Tình huống này là cơ hội thuận tiện để tác giả vẽ lên bức chân dung của nhân vật chính, anh thanh niên. Hơn thế nữa, qua lời kể của nhân vật anh thanh niên trong lần gặp gỡ, tác giả cũng lại vẽ lên một số bức chân dung khác: ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét để khắc sâu chủ đề của tác phẩm.

Cái cốt truyện và tình huống truyện rất nhẹ nhàng và đầy dư vị ấy được đặt trên một cái nền của những bức tranh phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng của Sa Pa; được miêu tả qua cái nhìn của người họa sĩ già. Ví dụ: cảnh nắng sớm trên những rừng thông non “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông non chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bàng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòn lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe” hay ánh nắng rực rỡ ở đoạn kết truyện “Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu càng làm cho bó hoa rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Đây là những bức tranh đầy ánh sáng và rực rỡ sắc màu. Hai bức tranh ấy được đặt ở đoạn đầu và đoạn kết của tác phẩm tạo nên một cái nền tươi sáng, trong trẻo cho cuộc gặp gỡ, trò chuyện của những con người đầy nhiệt huyết, lí tưởng.

Tiếp đến, cái chất trữ tình ấy được thể hiện để tạo dựng nhân vật chính - nhân vật anh thanh niên. Bắt đầu là việc kể về hoàn cảnh sống và làm việc. Nhà văn đã mượn lời của bác lái xe để giới thiệu về nhân vật anh thanh niên. Theo như lời kể của bác lái xe thì người đọc được biết anh thanh niên “hai mươi bảy tuổi”, sống và làm việc một mình ở một trạm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét, quanh năm suốt tháng hầu như vắng bóng người, anh dường như sống và làm việc giữa mây phủ của rừng núi Sa Pa. Do hoàn cảnh công việc như vậy nên bác lái xe từng coi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Cũng bởi vậy mà anh “rất thèm người”. Anh đã từng phải lăn cây gỗ chắn ngang đường chặn xe để được nhìn thấy người cho đỡ “thèm người”, nhờ có chuyện này mà anh đã thân quen với bác lái xe. Hàng ngày, công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước cuộc sống hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Có thể nói công việc của anh đảm nhiệm có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó liên quan trực tiếp tới công việc sản xuất, chiến đấu hàng ngày của dân và quân ta. Tuy nhiên để làm được công việc này không phải là dễ. Yêu cầu kĩ thuật của nghề không đòi hỏi cao mà chỉ cần sự chính xác. Nhưng cái khó của nghề là đòi hỏi người làm phải yêu nghề, đặc biệt là phải chấp nhận gian khổ. Bởi theo như lời kể của anh thanh niên thì chúng ta thấy cái nghề “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất” là rất gian khổ. Đó là, hàng ngày anh phải ốp về nhà (báo cáo về trung ương) vào các thời điểm: một giờ sáng, bốn giờ, mười một giờ và mười chín giờ. Trong đó gian khổ nhất là lần ốp vào lúc một giờ sáng. Bởi lúc ấy “Rét lắm”, “ Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Có thể nói nếu không có lòng yêu nghề, sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm cao thì không bao giờ theo được cái nghề ấy ở trên đỉnh núi cao hai ngàn sáu trăm mét. Và trên cái nền thiên nhiên khắc nghiệt ấy mọi vẻ đẹp của anh thanh niên, từ trong suy nghĩ, hành động đến phong cách sống đã được bộc lộ một cách rất nên thơ. Vẻ đẹp của anh thanh niên được thể hiện đầu tiên ở lòng yêu nghề và đặc biệt là ý thức trách nhiệm về công việc. Anh thấy được công việc thầm lặng của mình đang làm là có ích cho cuộc sống, cho mọi người, cho Tổ quốc nên dù có gian khổ thế nào đi nũa anh vẫn đón nhận một cách tự giác và vui vẻ. Bởi ý thức được điều đó nên anh tìm thấy niềm vui trong công việc. Cũng bởi yêu nghề và ý thức cao về tầm quan trọng của nhiệm vụ mình đang tham gia mà anh cảm thấy rất hạnh phúc khi được biết một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta ở cầu Hàm Rồng, bắn rơi nhiều máy bay Mĩ. Niềm hạnh phúc ấy đã được anh kể với ông họa sĩ: “Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”. Hạnh phúc là phải, bởi hơn ai hết anh đã hiểu được ý nghĩa lớn lao của công việc đang làm, hiểu được rằng nó không chỉ đem lại lợi ích cho cuộc sống con người mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do vậy anh càng cảm thấy yêu đời và yêu công việc của mình hơn: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất”. Việc làm và ý thức của anh đáng để chúng ta khâm phục và học tập. Hành động bất chấp gian khổ để say mê với công việc của anh thanh niên rất đáng trân trọng nhưng suy nghĩ của anh về công việc ấy, về những gian khổ ấy lại khiến ta cảm phục hơn rất nhiều. Anh đã tâm sự với mọi người “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia”. Quả thực suy nghĩ của anh rất đúng và sâu sắc. Phải say mê, yêu nghề lắm, đặc biệt là có ý thức rất cao về công việc thì anh mới coi mình với công việc là đôi được. Câu nói của anh cho thấy một tâm hồn đầy nhiệt huyết và cũng rất lạc quan. Anh đã xác định công việc là người bạn gắn bó, thân thiết với mình. Thực tế không phải lúc nào anh cũng lạc quan như vậy. Có lúc anh cũng đã từng nghĩ mình thật lẻ loi, tựa như ngôi sao xa giữa bầu trời đen kịt. Tuy nhiên ý thức sâu sắc được mục đích việc làm của mình mà anh đã nhận ra “nếu cất nó đi thì buồn đến chết mất”. Vẻ đẹp của anh là vẻ đẹp của người thanh niên xã hội chủ nghĩa sống có hoài bão và lí tưởng. Dường như với anh, con người và công việc đã hòa vào nhau làm một, gắn bó khăng khít khó thể tách rời. Bởi có niềm đam mê ấy nên anh cũng đã quên đi cái cảm giác mình là người cô độc nhất thế gian. Anh làm việc một cách trách nhiệm và cần mẫn bằng tất cả những niềm say mê, tâm huyết để âm thầm góp phần vào công việc xây dựng đất nước, vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Vẻ đẹp thứ hai mà chúng ta thấy ở anh thanh niên là nếp sống của một con người có học thức, văn minh, lịch sự. Sống một mình trên núi cao, không một bóng người anh có thể chọn cách sống tùy tiện, bừa bãi, lôi thôi như suy nghĩ của ông họa sĩ: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước, dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn màn chẳng hạn”. Nhưng không phải vậy. Khi bước chân lên bậc thang bằng đất, nơi ở của anh thanh niên, cả ông họa sĩ và cô kĩ sư đều phải thốt lên ngạc nhiên, sững sờ vì những gì trông mình đang trông thấy. Đó là ngôi nhà ngăn nắp gọn gàng. Anh tự biết làm cho cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp, đần ấm, thơ mộng... Quả thực ở giữa đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm mây phủ nhưng cuộc sống của anh không cô đơn buồn tẻ vì anh tìm thấy một nguồn vui khác nữa ngoài công việc. Đó là niềm vui đọc sách. Đọc sách, anh thấy như lúc nào cũng có người bạn để trò chuyện. Anh nói với cô gái : “Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò truyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Như vậy anh đã biết tìm đến những nguồn vui lành mạnh để cân bằng cuộc sống tinh thần của mình. Không những thế anh đã tổ chức sắp xếp cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật đẹp, ngăn nắp và rất có ý nghĩa. Anh trồng đủ các loại hoa; hoa dơn, thược dược..., anh nào nuôi gà, tự học và đọc sách ngoài giờ làm việc. Ngôi nhà ba gian anh ở cũng được sắp đặt rất khoa học, gọn gàng và sạch sẽ. Tất cả thu gọn trong một góc trái gian nhà với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách... Như vậy anh đâu có cô đơn. Sống như thế không phải là dễ nhưng thực sự như thế mới là sống đẹp. Cái đẹp ấy không phải bắt nguồn từ ham muốn giả tạo mà bắt nguồn từ một bản chất đẹp. Vẻ đẹp thứ ba mà chúng ta nhận thấy ở người thanh niên này còn là những nét tính cách và phẩm chất rất đáng mến khác. Đó là sự cởi mở chân thành, rất quí trọng tình cảm của mọi người, luôn khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Ta thấy anh rất quan tâm đến mọi người. Ngay từ lúc mới gặp, ông họa sĩ và cô kĩ sư đã chứng kiến những hành động hết sức nhiệt thành như thế. Anh tặng bác lái xe củ tam thất khi nghe tin vợ bác ốm, anh đã chuẩn bị trà để mời khách, hái những bông hoa rực rỡ ở trong vườn để tặng cho cô gái. Khi chia tay anh tặng họ một làn trứng để họ ăn đường. Và anh cũng thật tự nhiên không chút e ngại với những vị khách mới làm quen, anh dễ dàng nói những điều mà người ta chỉ nên nghĩ mà thôi. Tiếp xúc với anh trên trang sách, người đọc còn nhận ra ở anh một đức tính đáng quí là thái độ khiêm tốn. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh nhiệt tình và chân thành giới thiệu với ông những người khác mà anh cho rằng họ tiêu biểu, đáng vẽ hơn mình. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét. Đức tính này lại càng làm ta cảm phục và đáng để học tập. Chỉ bấy nhiêu thôi, bằng một số chi tiết và chỉ cho xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả đã phác họa được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp hành động và suy nghĩ, cách sống ... Anh là một con người tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên mới trong công cuộc xây dựng đất nước ở những nơi gian lao, khó khăn nhất. Vẻ đẹp của anh khiến người đọc trân trọng, yêu mến và cảm phục.

Ngoài nhân vật trung tâm, các nhân vật khác trong truyện cũng góp phần khắc họa bổ sung soi sáng chủ đề. Đó là các nhân vật: ông họa sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kỹ sư vườn rau, anh cán bộ lập bản đồ sét … Họ là những con người cùng có chung một lý tưởng sống.

Ở nhân vật ông họa sĩ,tuy không dùng cách kể ở ngôi thứ nhất nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào nhân vật họa sĩ để quan sát miêu tả và kể chuyện. Qua nhân vật này tác giả đã gửi gắm những suy nghĩ về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật. Ông là họa sĩ là người có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ phút đầu gặp anh thanh niên, ông họa sĩ đã thấy xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Sau đó ông lại ngạc nhiên khi thấy anh thanh niên đang hái hoa; rồi cảm động và bị cuốn hút trước sự cởi mở chân thành của anh. Sau đó ông lại rơi vào cảm giác bối rối khi nghe anh thanh niên kể về công việc của mình. Bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã thực sự xúc động và bối rối “Vì ông đã bắt gặp một điều thật ra ông đã ao ước được biết, ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác…”. Ông trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của con người nên ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa. Có thể nói cảm hứng được khơi gợi đã thôi thúc người họa sĩ sáng tác. Người thanh niên muốn nghe chuyện dưới xuôi còn người họa sĩ lại muốn dành trọn vẹn thời gian ấy để phác họa chân dung anh thanh niên, nhưng làm thế nào để “Cho người xem hiểu anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp được một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài”. Ông chấp nhận những thử thách của quá trrình sáng tác nghệ thuật, đã bắt cảm hứng của mình hiện trên trang giấy: “Cũng may chỉ bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ… ”.Những xúc cảm, suy tư và hành động của ông họa sĩ về anh thanh niên, về những vấn đề của nghệ thuật, của đời sống được gợi lên từ câu chuyện của anh thanh niên đã làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu tư tưởng.

Ở nhân vật cô kĩ sư,đây là cô gái dám rời bỏ Hà Nội, bỏ lại sau lưng mối tình nhạt nhẽo để lên công tác ở vùng cao Tây Bắc.Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, nghe những điều anh nói, câu chuyện anh kể về mình cũng như những người khác đã khiến cô “bàng hoàng” , “Cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những người như anh mà anh kể, và về con đường cô đang đi tới?”. Và nhờ cái bàng hoàng ấy cô mới nhận ra mối tình của mình lâu nay là nhạt nhẽo biết bao, cuộc sống của mình lâu nay tẻ nhạt, thế giới của mình lâu nay tầm thường biết bao! Khoảnh khắc ấy chính là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ tâm hồn, cuộc sống của người khác. Cùng với sự bàng hoàng ấy là “một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải vì bó rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”. Cuộc gặp gỡ đã khơi lên trong tâm tư cô gái trẻ những tình cảm và suy nghĩ mới mẻ, cao đẹp về con người, về cuộc sống. Qua tâm tư của cô, ta nhận ra vẻ đẹp và sức ảnh hưởng của nhân vật anh thanh niên.

Ở nhân vật bác lái xe, đây là người đã giới thiệu anh thanh niên với mọi người, Lời giới thiệu đầy ấn tượng của bác đã làm cho mọi người chú ý, đón chờ sự xuất hiện của anh thanh niên: “Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn”. Cũng qua nhân vật này mà mọi người biết được những nét chính về nhân vật anh thanh niên và nỗi thèm người của anh khi mới lên sống ở nơi núi cao, quanh năm lạnh lẽo chỉ có cây cỏ và sương mù này.

Ngoài ra còn có những nhân vật xuất hiện gián tiếp, góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm. Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa hằng ngày ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy mật của ong rồi tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào, để có được hạt giống tốt, cho những củ su hào to hơn, ngon hơn. Anh cán bộ nghiên cứu đã mười một năm ròng túc trực chờ sét, để lập bản đồ sét tìm tài nguyên cho đất nước.

Có thể thấy, cùng với nhân vật anh thanh niên, những nhân vật này đã tạo nên một cái thế giới của những con người miệt mài lao động. Họ lặng lẽ mà khẩn trương làm việc vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người. Từ đây chủ đề của truyện được bộc lộ. Truyện ca ngợi những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh. Thông qua câu chuyện dường như tác giả muốn nói với người đọc rằng: “Trong cái lặng im của Sa Pa … có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Nhờ có anh thanh niên và thế giới những con người lao động như anh mà đất nước ta mới được xây dựng như ngày hôm nay. Tác phẩm đã giúp cho người đọc nhìn lại chính mình để có ý thức hơn về trách nhiệm đối với đất nước… Đồng thời qua tác phẩm nhà văn cũng gợi ra những vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa về niềm vui và lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người.

Qua “Lặng lẽ Sa Pa” chúng ta thấy Nguyễn Thành Long nhìn đời, nhìn người bằng đôi mắt đầy niềm tin và lạc quan. Thế giới nhân vật của ông trong truyện ngắn này hiện lên như một huyền thoại. Ở đó không có cái xấu, cái tiêu cực. Các nhân vật được xây dựng theo tinh thần “cổ tích” (nhân vật chức năng) tốt xấu rõ ràng. Những người tốt thì tốt đến tận cùng. Sinh ra đã mang trong mình mầm thiện, lớn lên lại được cuộc sống rèn luyện, nuôi dưỡng cho cái mầm thiện ấy trổ hoa, đơm trái. Dường như nhà văn đã phản ánh hiện thực xã hội bằng “cái nhìn đạo đức, lấy đạo đức truyền thống được bổ sung thêm những phẩm chất của con người mới để lựa chọn nhân vật, soi xét nhân vật” (Ngô Văn Giá – Nguyễn Thành Long còn lại …).

Có thể nói truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” lựa chọn được tình huống truyện là “moment” (khoảnh khắc) cuộc sống “được nâng cao thêm mức mà ta muốn” như chính tác giả đã từng nói (“Các nhà văn nói về văn”, tập hai, NXB Tác phẩm mới, 1986) đã làm thành cái tứ giống một bài thơ như thế nên chất trữ tình cứ bàng bạc và toát lên trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến những con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó của họ đối với đất nước, đối với mọi người. Tác giả đã tạo được bầu không khí trữ tình cho toàn tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và những vẻ đẹp từ những sự việc, con người bình dị. Nhờ thế mà ý nghĩa chủ đề của truyện trở nên sâu sắc. Bức thông điệp: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước” dễ dàng đi vào lòng người và để lại những hiệu ứng tốt đẹp.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và làm lên tên tuổi của Nguyễn Thành Long. Tác phẩm đã được người đọc biết bao thế hệ đón nhận và yêu quý, đặc biệt là đã có tác động không nhỏ tới đời sống tình cảm, tư tưởng của biết bao thế hệ học sinh trong suốt mấy chục năm kể từ khi được lựa chọn đưa vào học tập trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn cho đến ngày nay. Có thể thấy, thông qua vẻ đẹp của những con người lao động bình thường, vẻ đẹp của thiên nhiên Nguyễn Thành Long đã ca ngợi, khẳng định vẻ đẹp của những con người lao động mới; ngợi ca những cảnh đẹp của một miền núi cao của Tổ quốc trên cái nền thời tiết còn đầy khắc nghiệt, gian khổ. Tác phẩm làm cho người đọc rung động và thêm yêu, thêm quí về con người và tổ quốc mình hơn. Đồng thời cũng lấy đó làm tấm gương để mỗi người có thể soi chiếu, tự nhìn lại và điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình. Đây chính là chiều sâu nhân văn của tác phẩm mà nhà văn đã ký thác, gửi gắm.

Bây giờ Sa Pa đã nổi tiếng. Có thể chẳng cần đọc “Lặng lẽ Sa Pa” người ta vẫn biết và tìm đến với “thành phố trong sương”, với “nơi gặp gỡ đất trời”. Nhưng cũng đã từng có một thời, hơn nửa thế kỷ trước, khi truyền thông và du lịch chưa phát triển, khi đời sống còn khó khăn, người ta đã từng biết đến nơi này bởi tác phẩm của Nguyễn Thành Long. Và có lẽ hôm nay, trong số những người đến với Sa Pa hẳn cũng có không ít người vẫn mang trong mình sự háo hức, tò mò muốn tìm hiểu khám phá nơi ở và làm việc của nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm mình đã từng học, từng yêu thích. Bởi vậy tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Thành Long vô tình đã gắn bó định mệnh với vùng đất nổi tiếng này. Sa Pa không chỉ là một địa danh danh du lịch nghỉ dưỡng … mà còn là một địa danh du lịch văn học. Nguyễn Thành Long đã làm sang trọng địa danh du lịch nơi phố núi huyền ảo, mộng mơ. Nếu thị xã du lịch yêu thương này có tên một con đường hay một ngôi trường mang tên Nguyễn Thành Long và mở thêm một tuyến du lịch văn học dựa trên tinh thần của tác phẩm của ông hẳn là sẽ đẹp và ý nghĩa biết bao?

_________________________

*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội

Đào Thị Thu Hiền*

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/doc-lai-va-suy-ngam-ve-lang-le-sa-pacua-nha-van-nguyen-thanh-long-a21977.html