Độc đáo hội thổi cơm thi làng Thị Cấm

Làng Thị Cấm có hội thi nấu cơm nhằm tri ân tướng quân Phan Tây Nhạc, một vị tướng từ thời Hùng Vương có công giúp nước. Với những giá trị độc đáo đó, Hội thổi cơm thi được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tương truyền, vào đời Vua Hùng thứ 18, khi đất nước có giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc được Vua Hùng giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc. Tướng quân Phan Tây Nhạc lĩnh ý vua, nhận đủ quân số và gấp rút ngày đêm luyện rèn binh sĩ. Việc hành quân gấp gáp, nếu binh sĩ không được ăn đúng bữa thì khó có sức đuổi giặc. Ông nghĩ ra cách tổ chức thi nấu cơm có thưởng ngay trong quân ngũ để nhanh chóng ổn định đội quân hậu cần giỏi nấu nướng.

Sau khi thắng giặc, tướng quân Phan Tây Nhạc và phu nhân là bà Hoa Dung về sống ở mảnh đất Thị Cấm, dạy dân làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành Hoàng làng. Để tưởng nhớ công ơn ông, người dân làng Thị Cấm mở hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Trong đó, độc đáo nhất là cuộc thi thổi cơm, tái hiện lại khung cảnh cuộc thi năm xưa của người tướng tài.

Làng Thị Cấm xưa có 4 giáp, mỗi giáp cử ra một đội thi thổi cơm. Trước hội thi, các đội chuẩn bị sẵn các vật dụng như chày, cối, rơm, nồi.... Mỗi đội được BTC phát 1kg thóc để nấu cơm. Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL công bố Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hình ảnh trong Hội nấu cơm thi làng Thị Cấm sáng 17/2

Hội thi vẫn giữ nguyên cách tạo lửa xưa bằng cách “kéo lửa”. Người ta lấy 2 thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng 2 thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc 2 đầu rồi 2 người kéo cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên rồi dùng mồi lửa này để thổi cơm.

Đúng 11h, phần thi được tổ chức với nghi thức kéo lửa diễn ra với những chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn cùng rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang có tay cầm 2 đầu. 4 người trong đội sẽ chia nhau ra giữ và kéo tạo ra ma sát giữa que giang và thân tre, điểm ma sát đủ nóng sẽ tạo ra than hồng và bén lửa vào bùi nhùi, đốt cháy rơm khô.

Theo luật thi, đội nào phát khói và tạo ra lửa sớm sẽ giành chiến thắng ở phần thi này. Ngoài ra, các đội thi đã cử ra một người cầm bình bằng đồng tham gia thi chạy đến bờ sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm cùng thời điểm kéo lửa. Tuy nhiên, nhiều năm qua để đảm bảo an toàn, nước phải được lấy ở sông và đun sôi từ trước.

Trong khi đó, những hạt gạo được các đội thi nhau giã bằng chày gỗ và cối đá. Từ lúc giã gạo đến khi kết thúc thời gian chỉ kéo dài một giờ đồng hồ nên tất cả các phần thi đều diễn ra hết sức nhanh chóng. 10 người tham gia đội thi phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, khéo léo.

Lửa được nhóm và đun nước sẵn chờ gạo sạch.

Trong khi đó, những hạt gạo sau khi được các đội thi nhau giã bằng chày gỗ và cối đá....

... sẽ được đưa tới tay những người phụ nữ sàng sảy, nhặt sạn, vo sạch để loại bỏ trấu trước khi đem đi thổi cơm từ lửa mới tạo ra từ đồng đội.

Những hạt gạo tròn đều được nhặt kỹ lưỡng bởi các thành viên của các đội tham gia.

Gạo được vo sạch và mang đi nấu ngay sau đó.

Sau khi cơm sôi, các đội thường ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho cơm chín đều.

Ngoài những đống tro để vùi nồi cơm, các đội còn đốt thêm rất nhiều đống tro giả bên trong không có nồi cơm.

Việc này nhằm câu giờ của ban giám khảo để nồi cơm của đội mình có nhiều thời gian ủ hơn.

Sau khoảng gần nửa tiếng đồng hồ, ban giám khảo đi vòng quanh sân, dùng gậy tre chọc từng đống rơm để tìm 4 nồi cơm.

Những nồi cơm đầu tiên được tìm thấy trong các đống tro được đốt giữa sân đình Thị Cấm.

Cơm sau đó được mang vào đình làng để chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các các đội tham dự.

Những nồi cơm trắng có hạt đều, thơm của 4 đội nấu tại Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm.

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doc-dao-hoi-thoi-com-thi-lang-thi-cam-2249950.html