Doanh nghiệp dệt may đợi thị trường 'ấm' lên

Doanh nghiệp dệt may hiện như đang ở giữa tâm bão khó khăn. Lượng hàng tồn kho tăng cao, đơn hàng èo uột, thêm khó khăn về vốn, dòng tiền, áp lực phải duy trì lực lượng lao động... khiến doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý 1/2023, ngoài thị trường Nhật Bản còn giữ được tốc độ tăng trưởng dương thì xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tiếp tục suy giảm. Trong đó, thị trường Mỹ suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp, quý 1/2023 chứng kiến mức giảm 30% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,1 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU trong quý 1 cũng giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 820 triệu USD; thị trường Trung Quốc giảm 33%, đạt 680 triệu USD.

“ĂN ĐONG” ĐƠN HÀNG ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2023, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: do 85 - 86% sản phẩm của ngành dệt may hướng đến xuất khẩu nên bất kỳ một biến động nào của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng đến ngành hàng này. Kết thúc 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may công bố kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể, èo uột về cả doanh thu và lợi nhuận. Bước vào quý 2, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm khi đơn hàng sụt giảm 25 - 30% so với cùng kỳ.

Ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, Thái Bình); công ty chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, tỏ ra lo lắng: “Năm nay, công ty chúng tôi rất khó khăn, đáng lo nhất là đơn hàng với các đối tác ký ở mức nhỏ lẻ, đơn giá lại thấp nên chúng tôi ở vào thế “ăn đong từng bữa”, cố bảo đảm việc làm cho hơn 700 lao động, công ty gần như không có lợi nhuận. Việc không có nhiều đơn hàng cũng khiến chúng tôi chưa thể đưa một xưởng sản xuất mới với giá trị đầu tư hơn 50 tỷ đồng vào hoạt động được”.

Tương tự, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà, cũng cho biết chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may đối diện với thực trạng đơn hàng giảm nghiêm trọng và đột ngột như hiện nay. “Đơn hàng chỉ tính theo tháng, mức giảm bình quân 50 - 60% so với năm 2019, vậy nên doanh thu cũng giảm tương ứng. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới, làm cả sản phẩm không phải là thế mạnh, miễn là có đầu ra để tạo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp quay lại tìm kiếm cơ hội từ thị trường nội địa nhưng việc này cũng không dễ”, ông Dũng chia sẻ.

85 - 86% sản phẩm của ngành dệt may hướng đến xuất khẩu nên bất kỳ một biến động nào của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng đến ngành hàng này.

85 - 86% sản phẩm của ngành dệt may hướng đến xuất khẩu nên bất kỳ một biến động nào của kinh tế thế giới đều ảnh hưởng đến ngành hàng này.

Trong bối cảnh các thị trường lớn xuất khẩu của dệt may như Mỹ, châu Âu đang tồn kho lớn, sức mua giảm mạnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm đủ cách để duy trì sản xuất. Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty May 10, cho biết: “Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả những sản phẩm có thể sản xuất bởi máy may doanh nghiệp chúng tôi đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Không riêng May 10, các doanh nghiệp dệt may khác cũng vậy. Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi”.

Chia sẻ kinh nghiệp vượt khó khăn, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean), cho biết công ty đã định vị lại về sản phẩm, thị trường, thậm chí khai thác thêm các thị trường ngách, sản phẩm ngách. “Những sản phẩm trước đây doanh nghiệp không nhận làm thì bây giờ sẽ quay lại làm. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp tục khai thác thị trường Úc, Canada - các thị trường đang cần số lượng lớn sản phẩm có giá thành hợp lý”, ông Việt chia sẻ.

Để tiếp cận được nhiều khách hàng, Việt Thắng Jean đã sử dụng các ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử để trao đổi, gửi mẫu tới khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, khách hàng cũng dễ dàng đánh giá và điều chỉnh mẫu hơn trước.

Cũng nỗ lực tìm giải pháp vượt khó, ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Tân Đệ (Thái Bình), cho hay công ty đã mạnh mẽ đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhân sự, sản xuất cho tới giao dịch, ký kết đơn hàng. Đồng thời, công ty nỗ lực xanh hóa, tăng tính nhận diện thương hiệu để đáp ứng tiêu chí của các đối tác. Mặc dù đơn hàng đã ký hiện nay giảm so với năm trước, song công ty vẫn nỗ lực bảo đảm đủ việc làm cho hơn 18.000 lao động và giữ nhịp tăng trưởng dương.

Tại hội thảo "Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu" diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp thì gần đây số lượng các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước. Do đó kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-det-may-doi-thi-truong-am-len.htm