Doanh nghiệp bứt tốc với livestream

Livestream sẽ hỗ trợ doanh số cho các doanh nghiệp bứt tốc khi bối cảnh kinh tế vẫn còn trong tiến trình hồi phục.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Jasper Teow, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng để tận dụng công cụ livestream hiệu quả, doanh nghiệp (DN) phải hiểu sâu sắc đối tượng khách hàng mục tiêu, theo kịp xu hướng thị trường và tạo sự khác biệt cho thương hiệu.

Định hình lại bối cảnh cạnh tranh của thị trường

. Phóng viên: Ông nhận định thế nào về xu hướng livestream bán hàng của các DN gần đây?

+ TS Jasper Teow (ảnh): Ý tưởng livestream không mới. Đây là điều cơ bản của hoạt động bán hàng trên thị trường kỹ thuật số. Về cốt lõi, livestream vẫn khai thác sức mạnh của kết nối người mua - người bán và thổi luồng sinh khí mới vào đó thông qua tương tác trực tuyến sống động.

TS Jasper Teow, ĐH RMIT Việt Nam. Ảnh: P.MINH

Hoạt động livestream ngày càng phát triển được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, khả năng tự động nhận diện các đối tượng trong video và biến chúng thành sản phẩm có thể mua được.

Livestream không chỉ là giao dịch mà đang phát triển thành trải nghiệm sống động với thời gian thực.

Cuộc cách mạng này đòi hỏi DN phải bắt kịp những xu hướng công nghệ mới, hiểu được nhu cầu và mong muốn của khách hàng để “chọn mặt gửi vàng” nhằm tương tác và giao tiếp một cách chân thực với khách hàng.

. Một vài đánh giá của ông về tính hiệu quả của livestream, như một công cụ bán hàng đối với DN lớn và nhỏ?

+ Livestream sẽ xác định lại bối cảnh cạnh tranh của thị trường kinh doanh.

Các DN nhỏ đã sớm nhận thấy cơ hội cạnh tranh thông qua tương tác và trò chuyện được cá nhân hóa với thời gian xử lý nhanh hơn với khách hàng.

Trong khi các DN lớn đã dùng nguồn lực đáng kể của mình tạo ra nội dung hấp dẫn, thú vị cũng như trải nghiệm thương hiệu nhằm thu hút đối tượng khách hàng của họ.

Livestream sẽ tiếp tục tồn tại vì đáp ứng các nhu cầu cơ bản về mua hàng, kết nối và tương tác. Ảnh: THU HÀ

. Liệu livestream với khả năng mở rộng đối tượng khách hàng không giới hạn giữa các khu vực địa lý có tạo ra xung đột lợi ích giữa DN và hệ thống phân phối của họ? Nếu có, theo ông, hướng dung hòa lợi ích giữa các bên như thế nào?

+ Chắc chắn livestream với khả năng tiếp cận trực tiếp với khách hàng ở khắp nơi sẽ tạo ra xung đột giữa DN và kênh phân phối, cũng như khả năng suy giảm doanh số kinh doanh của các đại lý địa phương.

Tuy nhiên, có thể sử dụng tính năng livestream như một cơ hội để biến những xung đột tiềm ẩn này thành sự hợp tác.

Chẳng hạn, khi xây dựng nội dung cho một chiến lược tiếp thị cần đưa vào các thông tin, chi tiết làm nổi bật kênh phân phối như thông báo các chương trình khuyến mãi tại cửa hàng, các sản phẩm chỉ có tại cửa hàng.

Livestream nhưng nhớ đóng thuế Nguồn thu nhập từ người livestream có lượt theo dõi cao thường rất lớn nhưng hầu hết không đóng thuế. Điều này gây bất lợi cho các DN khác, tạo ra một sân chơi bất bình đẳng. Việc thiếu thống kê giấy tờ rõ ràng tạo ra thách thức cho cơ quan thuế địa phương trong việc thu thuế đối với các khoản thu nhập này. Sự thiếu minh bạch trong các phương thức thanh toán, thường người mua trả bằng tiền mặt và không có hóa đơn, hợp đồng mua bán, cũng gây cản trở cho quá trình truy thu thuế của cơ quan thuế. TS ALRENCE HALIBAS, giảng viên cấp cao ngành digital marketing, ĐH RMIT Việt Nam

Về cơ bản, livestream là một công cụ để kết nối các dịch vụ offline và online, nhằm trao quyền cho các đại lý địa phương.

Ngoài ra, các DN có thể áp dụng cách tiếp cận khách hàng thông qua thiết kế tổng quát nội dung livestream cho khách hàng toàn cầu, đồng thời trao quyền cho các đại lý địa phương tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ cho khu vực hoặc cộng đồng cụ thể mà họ sinh sống.

Cách tiếp cận này cho phép các DN kết nối online toàn cầu và tương tác offline theo hướng địa phương hóa.

Livestream không phải tràolưu

. Theo ông, mặt trái của phương thức livestream mà các DN thường bị vướng nhất hiện nay là gì?

+ Thách thức lớn nhất theo tôi là thông tin đưa ra trong quá trình livestream không thể thay đổi. Do đó, DN cần có quy định chặt chẽ về bảo mật dữ liệu khách hàng, đồng thời thông tin đầy đủ tới khách hàng của mình.

Cần đưa việc thiết lập và duy trì niềm tin của khách hàng lên ưu tiên hàng đầu, do yếu tố trực tiếp và chuyển động của livestream.

Thứ hai, việc giữ cho quá trình livestream được liền mạch giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, giảm thiểu trục trặc kỹ thuật và đơn giản hóa quy trình thanh toán là những yếu tố quan trọng để tối đa hóa lợi ích việc bán hàng qua livestream.

Cuối cùng, người tiêu dùng ngày càng coi trọng sự thật và tính chính danh nên cần giữ cho nội dung quảng cáo không bị thổi phồng quá mức khiến DN phải cân nhắc giữa mục tiêu nâng tầm thương hiệu kết hợp tính giải trí phục vụ livestream, góp phần thu hút và giữ chân khách hàng đủ để ghi nhớ hình ảnh và xây tình cảm đối với thương hiệu.

TS Alrence Halibas, giảng viên ngành digital marketing, ĐH RMIT Việt Nam.

. Ông có cho rằng đây là xu hướng (trending) mới, mà đã là xu hướng thì có thể thoái trào?

+ Như đã đề cập trước đó, livestream không phải là một trào lưu.

Trong kinh doanh, cách thức DN giao tiếp với khách hàng có thể thay đổi nhưng cốt lõi của việc kết nối trực tiếp thì đã có từ rất lâu.

Livestream sẽ tiếp tục tồn tại, một phần vì nó đáp ứng các nhu cầu cơ bản về mua hàng, kết nối và tương tác.

Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, nơi người tiêu dùng tìm kiếm sự kết nối thương hiệu với bản thân cùng với những tiến bộ công nghệ, livestream sẽ phát triển một cách mạnh mẽ.

. Ông có khuyến nghị nào với việc DN quản trị kênh bán hàng trong livestream phát huy lợi thế một cách hiệu quả, thu hút người xem và biến họ trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu?

+ Livestream có thể phát triển nhưng các nguyên tắc marketing cơ bản thì vẫn phải giữ: DN phải hiểu sâu sắc đối tượng khách hàng mục tiêu, theo kịp xu hướng thị trường và tạo sự khác biệt hiệu quả cho thương hiệu.

DN nên cân nhắc những người livestream phù hợp với nhận diện thương hiệu.

Sự tương thích giữa tính cách của người livestream và nhận diện thương hiệu là yếu tố then chốt, như cần một hình tượng ấm áp và dễ nhận biết hay một người đáng tin cậy và chuyên nghiệp hơn để truyền tải nhận diện thương hiệu.

Những người này có thể thu hút người xem thông qua ngôn ngữ mang tính giải trí và hấp dẫn hay không.

DN nên nhìn nhận khách hàng không chỉ là khán giả mà còn là cộng đồng livestream, một đội nhóm hoạt động tích cực và gắn kết có thể đóng góp vào câu chuyện về thương hiệu một cách sinh động.

Thực hiện đo lường hiệu quả chiến dịch livestream bằng cách sử dụng số liệu và phân tích dữ liệu phù hợp để đánh giá các mặt, vấn đề cần cải tiến.

. Xin cảm ơn ông.

Khó thu thuế KOL, người nổi tiếng lĩnh vực livestream

Một dịch vụ tư vấn marketing online cho biết bảng giá thuê KOL thực hiện livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng dựa theo các tiêu chí gồm số lượng người theo dõi, lĩnh vực chuyên môn, quy mô và chiến dịch của DN. Trong đó, tiêu chí số lượng người theo dõi là quan trọng nhất.

Theo đó, một KOL có 10.000 - 50.000 người theo dõi thì phí thuê để thực hiện livestream trên TikTok dao động 1-3 triệu đồng/buổi; nếu KOL có 50.000-500.000 người theo dõi thì giá thuê tăng lên 3-30 triệu đồng/buổi. Thực hiện trên Facebook thì giá cao hơn 5-6 lần. Do vậy, thu nhập mỗi năm của một KOL, người nổi tiếng trong lĩnh vực livestream ước tính lên đến hàng tỉ hay vài chục tỉ đồng.

Nhưng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết rất khó chống thất thu thuế. Do không thể quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Để làm tốt công tác truy thu thuế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Đặc biệt, khi xu hướng livestream bán hàng hay kinh doanh online ngày càng bùng nổ và đây là nguồn thu bổ sung lớn cho ngân sách nhà nước.

PHƯƠNG MINH - THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-but-toc-voi-livestream-post778282.html