Định Hóa: Đảm bảo nước tưới cho vụ xuân

Nhờ quan tâm đầu tư sửa chữa các hồ thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng, vụ xuân năm nay, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa được đảm bảo.

Tranh thủ những ngày nắng ấm vừa qua, bà con nông dân xã Bảo Cường (Định Hóa) khẩn trương gieo mạ, làm đất để chuẩn bị cấy lúa xuân.

Định Hóa là huyện miền núi, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do địa hình cao nên trước đây, trên địa bàn huyện từng xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất vụ xuân, một số diện tích không thể gieo cấy được hoặc gieo cấy nhưng không đủ nước để tưới dưỡng.

Vì vậy, những năm gần đây, tỉnh và huyện đã quan tâm đầu tư sửa chữa các hồ đập thủy lợi và kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay, khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã cơ bản chủ động được nguồn tưới nước.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa có 218 công trình thủy lợi. Trong đó, huyện quản lý 181 công trình (gồm: 29 hồ chứa, 130 đập dâng và 22 trạm bơm); tỉnh quản lý 37 công trình (12 hồ chứa và 25 đập dâng). Giai đoạn 2021-2023, 7 hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Định Hóa được đầu tư sửa chữa, cải tạo, với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng.

Trong đó, một số hồ thủy lợi được đầu tư sửa chữa lớn, như: Hồ Bảo Linh được đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các xã Định Biên, Đồng Thịnh, Trung Hội, Trung Lương, Bảo Cường; hồ Thẩm Ngược được đầu tư 9 tỷ đồng để sửa chữa, đảm bảo nước tưới cho hơn 20ha đất nông nghiệp của xã Tân Dương…

Theo ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa: Bên cạnh nguồn kinh phí của tỉnh, hàng năm, UBND huyện và các xã, thị trấn đều bố trí kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Vì vậy, diện tích đất nông nghiệp phải phụ thuộc vào “nước trời” ngày càng giảm. Đặc biệt, trong 3 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng. Đến nay, 329/528km kênh mương dẫn nước trên địa bàn huyện đã được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 62,29%.

Công trình hồ chứa nước Nà Tấc, xã Bảo Linh (Định Hóa) cơ bản đủ nước tưới cho vụ xuân ở địa phương. Ảnh: T.L

Còn theo đại diện ngành chuyên môn của huyện Định Hóa, vụ xuân năm nay, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, các phòng chuyên môn và Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa (thuộc Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) đã tổ chức kiểm tra tất cả các hồ, đập trên địa bàn. Đồng thời trước khi xả nước, cán bộ phụ trách thủy lợi đều thông báo để bà con nắm bắt, kịp thời lấy nước vào đồng ruộng.

Nhờ đó, mặc dù gần 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện không có mưa to, thời tiết khô hanh, nhưng hiện tại, các hồ, đập dâng thủy lợi vẫn tích trữ lượng nước đạt hơn 70% công suất, cơ bản đủ nước tưới cho khâu làm đất, gieo cấy.

Bà Hoàng Thị Đằng, Bí thư Chi bộ xóm Bản Lác, xã Kim Phượng, chia sẻ: Trước đây, cánh đồng xóm Bản Lác thường xuyên thiếu nước vào vụ xuân, khiến sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng. Từ năm 2021, bằng nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, bà con trong xóm đã kiên cố hóa được 3km kênh mương nội đồng, đảm bảo dẫn nước làm đất cấy lúa. Thời điểm này, bà con trong xóm đang làm đất gieo mạ để ngay sau Tết Nguyên đán, khi thời tiết ấm hơn, chúng tôi sẽ tập trung xuống đồng.

Theo đánh giá chung, điều kiện thủy văn tại các hồ thủy điện và các sông lớn cung cấp nước phục vụ gieo cấy vụ xuân năm nay khó khăn hơn so với cùng kỳ các năm trước. Hiện nay, huyện Định Hóa đang khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân bố trí khung thời vụ hợp lý để cấy lúa; tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các diện tích khó cấp nước...

Với sự chủ động của người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguồn nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu gieo trồng vụ xuân của người dân trên địa bàn.

Vụ xuân năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch gieo trồng trên 4.500ha lúa và rau màu (trong đó diện tích lúa là 4.000ha, còn lại là các loại rau màu). Do điều kiện thời tiết có rét đậm, sương muối nên bà con nông dân đã lựa chọn các giống lúa có khả năng chịu rét, hạn và sâu bệnh, như: Khang Dân, J02, Syn 6, HT 1, HT 9, Thiên Ưu 8...

Đến thời điểm này, bà con đã gieo xong mạ và tiến hành che chắn bằng ni lông để đề phòng rét đậm, rét hại trong những ngày tới. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của huyện cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở cung cấp giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kịp thời xử lý các cơ sở cung cấp giống không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202402/dinh-hoa-dam-bao-nuoc-tuoi-cho-vu-xuan-aa30426/