Điều đơn giản

Năm giờ sáng. Giờ này, nếu hồi còn ở nhà là lúc Tân đang 'khoanh tròn' trên giường, mặc cho má vừa cặm cụi nấu cơm vừa đánh thức Tân đi làm đồng.

Má mắng yêu: “Con trai ngủ trưa lưng dài làm biếng, con gái nó chê!”. Tân cứ vô tư chờ khi mặt trời lên phía đằng đông, ánh sáng sớm xuyên qua ngọn tre chiếu xuống mái nhà hình rẻ quạt thì Tân mới chui ra khỏi mùng. Còn ở đây, chưa tỏ mặt đã nghe ba hồi kẻng dài đến chói tai. Tiếp theo ông trực ban thổi còi te te gọi tập thể dục. Nếu thằng nào không nghe hai hiệu lệnh ấy là hắn bị bệnh. Bệnh thì qua quân y điều trị. Không ăn cơm được thì ăn cháo. Mà cháo đầy đủ thịt cá, gia vị, chẳng phải như cháo trắng ngoài chợ vẫn thường bán với giá... bèo! Có lần, Tân giả bộ nằm “nướng”, đến trưa qua quân y ăn cháo. Đang mạnh cùi cụi mà ăn cái thứ lỏng lỏng ấy, Tân ngốn một hơi sạch ba suất cháo mà vẫn thấy đói. Nhưng có lẽ Tân ám ảnh nhất là chuyện xếp nội vụ. Ở nhà chỉ việc vắt mùng lên nóc hoặc tháo dây giăng cuộn tròn lại hay để đó thì có má làm, còn bây giờ phải ngồi tẩn mẩn, tỉ mỉ xếp giống hình hộp diêm, bốn mặt vuông, bằng phẳng và sắc cạnh. Suốt tuần đầu Tân luôn có trong danh sách xếp nội vụ chưa gọn, vì thế, cứ giờ nghỉ là Tân phải tập gấp mùng mền đến khi trực ban đơn vị bảo đạt yêu cầu mới thôi. Một lần Tân lẩm bẩm: “Tại trực ban rập khuôn, ép mình!”. Phải vậy đâu, nhìn thấy nội vụ của Tân thì cười chết được, nó không vuông, không tròn, “chễm chệ” nằm cạnh ba-lô giữa hàng nội vụ chỉnh tề, ngăn nắp. Có hôm, Tân xếp đến giờ cơm sáng vẫn chưa xong. Tiểu đội trưởng Hớn thấy tội nghiệp nên cho mượn bộ khung bằng giấy xếp tạm thời cho có nếp, khi nào được thì trả lại. Từ đó, Tân mới... thoát nạn!

Minh họa: LÊ HẢI.

Buổi tối, chín giờ rưỡi đánh kẻng ngủ. Với Tân thì còn sớm, rất sớm. Hồi chưa nhập ngũ, đêm nào Tân cũng thức đến nửa đêm, có khi một-hai giờ sáng mới về nhà. Tân cùng đám bạn trai chung xóm sang tán tỉnh mấy cô gái làng bên, hoặc kéo nhau đi uống rượu, bởi cái xã của Tân không có một trò chơi nào cho thanh niên giải trí sau một ngày vất vả ngoài đồng. Phong trào Đoàn thì cứ hô hào, còn kế hoạch cụ thể thì vẫn còn nằm yên trên bàn! Dứt hồi kẻng, Tân cũng chui vô mùng như các đồng chí khác, mắt mở thao láo dán lên trần nhà trắng bệch vôi vữa, Tân mơ màng nghĩ về má, về quê, về kỷ niệm... Những hình ảnh cũ chập chờn trong đầu cho đến lúc Tân thiếp đi và khi tỉnh dậy thì một ngày mới bắt đầu. Thế rồi Tân cũng quen dần với cuộc sống trong quân đội, mọi việc đối với Tân trở nên dễ dàng hơn.

Chiều nay, Tân không ra sân đánh bóng chuyền như thường lệ cùng đồng đội. Cơm nước xong, Tân leo lên giường tầng, thu mình lại một góc, buồn hiu. Gia đình Tân thuộc loại xoàng, không có của ăn của để. Ba Tân mất vì vết thương chiến tranh ở chiến trường K tái phát hồi Tân lên bảy, một mình má phải gồng gánh nuôi hai chị em Tân ăn học. Má thường khuyên: “Các con phải cố gắng học để sau này làm quan làm quyền với người ta. Phận má dốt nát đã đành, các con không nên giống má”. Đáp lại hy vọng của má là chị Hai thi rớt đại học, năm sau không có điều kiện thi lại đành theo chồng về xứ khác làm dâu. Đến lượt Tân còn tệ hơn, không lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Thế nhưng má không buồn, ngược lại má tự trách mình chưa làm tròn bổn phận. Hôm Tân đăng ký lên đường nhập ngũ, má dặn: “Con cứ yên tâm, nếu thích thì ở lại quân đội luôn, bằng không khi hết hạn nghĩa vụ về đây với má”. Ngày tiễn Tân lên huyện, má gượng cười trong niềm tự hào nhìn theo bóng Tân khuất trong dòng người tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Tân quay đi không dám nhìn má, sợ lần đầu tiên xa rời sự chăm sóc của má, lòng Tân sẽ chùng xuống!

Tiểu đội trưởng Hớn đi về phía giường Tân, trên tay cầm cuốn sổ nhỏ. Hớn nhìn Tân hỏi khẽ: "Tân, mày bệnh hả?". Tân giật mình: "À... ừ... đâu có...". "Nè, mày có nợ quán ông Tư Lùn không?". Tân ngập ngừng: "À... có!". "Bao nhiêu?". "Gần một triệu". "Lúc nãy ổng vô trung đội nói trừ phụ cấp của mày tháng này sạch. Trong vòng tuần sau mày phải trả hết cho ổng, nếu không là có chuyện đó. Mày thiếu lâu rồi hả?". Tân không trả lời mà chỉ gật đầu thở dài.

Ông Tư Lùn bán quán nhậu ngoài lộ. Nếu đi cổng chính thì khá xa, đi cổng... “mười” thì chui qua hàng rào kẽm gai là tới. Thi thoảng Tân vẫn trốn đơn vị ra quán ông, lâu dần thành “mối” nên ổng cho thiếu, nhưng thiếu phải có thời hạn vì “chú ít vốn lắm!”. Tân mở ba-lô lấy ra một xấp thư của má, lật xem dấu bưu điện tìm lá thư gần nhất. Thư má viết trên giấy học trò rất ngắn nhưng nét chữ lại của cô Thúy-cô giáo chủ nhiệm Tân năm học lớp chín. Nhà cô cách nhà Tân một mẫu đất trống. Má và cô thân nhau như chị em ruột, có chuyện vui buồn gì má và cô đều chia sẻ. Cô có ba đứa con, hai trai, một gái. Thằng bé Hai bằng tuổi Tân, học cùng lớp từ nhỏ và cùng rớt tốt nghiệp trung học, sau đó lại nhập ngũ cùng đợt nhưng “xui xẻo” không được ở chung đơn vị; nó là “lính huyện” còn Tân lên biên giới, xa nhà hơn hai trăm cây số.

Tân biết má không biết chữ nên phải nhờ cô Thúy viết dùm và mỗi lá thư Tân gửi về cô cũng đọc cho má nghe. Nhớ hồi Tân nhập ngũ được hơn tháng, má có lên đơn vị thăm Tân. Thấy má cao tuổi, đường lại xa, Tân không đành lòng nên khuyên: “Má à, từ nay đừng lên đây, vất vả lắm. Có tiền má cứ gởi qua bưu điện cho con, rồi con viết thư cho má”. Từ đó hằng tháng Tân cứ đều đều nhận thư má, kèm theo giấy mời lãnh tiền của bưu điện. Thư nào má cũng nói má khỏe, lúa nhà vụ đông xuân được mùa, vụ hè thu được giá, má luôn động viên Tân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng đã hơn hai tháng, Tân gởi mấy lần thư rồi mà không nhận được dòng tin nào của má. Sự ngóng trông làm Tân lo lắng, bồn chồn với hàng trăm suy diễn nhảy múa trong đầu thôi thúc Tân xin về một chuyến. Và, Tân được thủ trưởng đơn vị giải quyết ba ngày về tranh thủ.

*

* *

Tân đứng tần ngần trước gian nhà cũ-ngôi nhà đổ nghiêng trong nắng chiều vàng nhạt. Trong nhà vắng hoe. Mọi vật nguyên vẹn không hề thay đổi. Vẫn cái khung hình ba đặt sau lư hương trên tủ thờ cũ kỹ, bên cạnh là bằng “Tổ quốc ghi công”. Một chiếc giường tre bên trái và một bộ ván bằng gỗ tạp bên phải. Nhà bếp, ngoài mấy vật dụng sơ sài, có thêm bộ bàn tròn ăn cơm. Tân để ba-lô xuống giường, xăng xái đi lòng vòng gọi má. Im lặng. Tân chạy sang nhà cô Thúy bằng đường tắt trên bờ mẫu.

Đến nhà cô, Tân men theo bờ tường bên hiên trái vòng ra phía trước. Đột nhiên Tân dừng lại nơi cửa sổ khép hờ lắng nghe câu chuyện vọng ra từ bên trong. Tân ghé mắt sát vào khe cửa, thấy má ngồi lên bộ ván ngựa bóng loáng, lưng má hơi cong xuống, tóc trắng lưa thưa. Má mặc bộ đồ bà ba đen úa màu bên cô Thúy gọn gàng trong bộ cánh kiểu càng tô đậm hai phương diện khác biệt. Cô Thúy bước dài trên nền gạch bông đến bên cái bàn học của bé Ba lấy cuốn vở. Sau đó cô ngồi ở cái bàn dài cổ xưa đặt giữa nhà, tay ngoắt má: "Chị Hai, qua đây. Sao? Chị định viết cho thằng Tân như thế nào? Chị nói, em ghi cho". "Em viết như lá thư trước, lần này chị gởi cho nó một triệu". Cô Thúy ngạc nhiên, ái ngại phân bày: "Chị Hai, em nghĩ chị không nên gởi tiền cho thằng Tân nữa. Chị thấy thằng bé Hai con em cũng đi bộ đội như nó mà có phải mỗi tháng gởi tiền đâu?". "Hai thằng ở hai chỗ khác nhau. Chỗ thằng Hai sung sướng, chỗ thằng Tân cực khổ. Nó viết thư kể hoàn cảnh trên đó thiếu thốn, chị không yên". Tiếng má nhỏ dần, nghèn nghẹn. Cô Thúy lắc đầu: "Em nghĩ là bộ đội thì ở đâu cũng vậy, đều hưởng chế độ như nhau. Vả lại, bộ đội cần được tu dưỡng rèn luyện trong gian khổ thì mới đủ sức chiến đấu khi có giặc giã. Thư nào chị cũng dối nó, nào trúng mùa, nào được giá, rồi cứ cong lưng làm mướn bất kể sức khỏe. Chị nhìn chị đi, tiều tụy, hốc hác quá!". Má rưng rưng nước mắt, thò tay vô túi lấy ra hai cái thư hằn nhiều nếp gấp: "Nó gởi thư về xin tiền hai lần rồi mà chị chưa gởi cho nó được. Không có tiền chị cũng không viết thư, bây giờ chắc trên đó nó trông lắm, em giúp chị đi!".

Cô Thúy thở dài, nắn nót viết theo lời má đọc. Tự dưng Tân thấy hối hận vì những lần thư trước Tân đã dối gạt má. Tân hư cấu, thêu dệt cuộc sống ở đơn vị cho má thêm nặng lòng lo. Trong suy nghĩ của Tân, đó là điều đơn giản thôi. Ừ, đơn giản nhưng không hiểu sao, ngay lúc này, Tân dựa lưng vào tường, hơi thở dồn nén và nước mắt chảy dài trên má...

Truyện ngắn của HỒ KIÊN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dieu-don-gian-633860