Điện Biên Phủ - chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam (Kỳ II)

Thực hiện đường lối kháng chiến 'toàn dân, toàn diện' và phát động chiến tranh nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng phát triển mọi lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân đem sức người, sức của tích cực tham gia kháng chiến kiến quốc.

Kỳ II: Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc

Thế trận lòng dân, quyết chiến quyết thắng

Thực chất phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm, chủ trương, giải pháp tạo ra những nhân tố, những điều kiện để quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn thể dân tộc chiến đấu vì lợi ích của Tổ quốc, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng dân công đã có những đóng góp rất to lớn (Ảnh tư liệu).

Thực tế diễn biến chiến dịch cho thấy, quân và dân ta đã phấn đấu thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó với một quyết tâm rất cao, sự bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ rất lớn và tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường để giành chiến thắng.

Đảng ta xây dựng “thế trận lòng dân” ngay từ việc xác định đường lối chiến tranh nhân dân “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” đã khơi dậy và phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận.

Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng ấy còn thể hiện sinh động ở sự chi viện đắc lực của hậu phương, qua những đoàn dân công hỏa tuyến nườm nượp vận tải lương thực, thực phẩm ra mặt trận, với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”.

Thế trận lòng dân luôn được quan tâm trên nhiều mặt hoạt động như: Xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân và phát huy sức mạnh của chính quyền đó trong ban hành, thực thi các chính sách, phát huy dân chủ trên lĩnh vực chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội;

Thực hiện các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất, không những đem lại quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân mà còn chú trọng xây dựng đời sống dân chủ, lòng yêu nước, tin theo Đảng và Bác Hồ, một lòng quyết tâm đánh giặc.

Phát huy sức mạnh Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, làm cơ sở củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo nên sức mạnh, góp phần làm nên thắng lợi. Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định đường lối xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng là đúng đắn.

Khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được xây dựng và đã phát huy cao độ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi vào năm 1954.

Mặt trận thống nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã liên kết đông đảo đồng bào Kinh, Thái, Nùng, Dao ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… sát cánh bên nhau, tập trung sức người, sức của cho chiến dịch.

Trong thực tiễn, Việt Bắc, Tây Bắc vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ của mặt trận Điện Biên Phủ đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch.

Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các “hội tương tế, ái hữu”; “Cứu quốc”, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi cá nhân yêu nước trong nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn... qua đó tập hợp, gắn kết mọi tầng lớp nhân dân.

Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được huy động ở mức cao nhất. Tất cả những điều đó đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn vang mãi đến hôm nay.

Toàn dân ra trận, huy động mọi nguồn lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đèo cao, vực sâu, miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Việ̀c bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn.

Với lực lượng hơn 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) cùng với đường rừng núi 300-500km, tưởng như việc tiếp tế không thể thực hiện được, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến vùng du kích, các khu căn cứ địa ở vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Thượng Lào… đều dồn sức cho Điện Biên Phủ, kể cả sức người, sức của.

Tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 25,560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Qua 3 đợt huy động “từ đầu tháng 11/1953 đến ngày 15/3/1954 đã có 9.503 thanh niên 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (Thanh Hóa 4.820 người; Nghệ An 2.934 người; Hà Tĩnh 1.749 người). Đến tháng 2/1954, số lượng thanh niên xung phong của các tỉnh miền Bắc phát triển lên đến 10.063 đội viên, được biên chế thành 50 đại đội”.

Theo báo cáo ngày 10/7/1954: “Có 18.200 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch, chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận; giữ vững mạch máu giao thông quan trọng nhất của mặt trận. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được cứu chữa, chăm sóc…

Ngoài thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận giao thông vận tải, thanh niên xung phong đã dồn hết sức tham gia làm và sửa chữa hàng trăm ki lô mét đường, nhiều bến, cầu, phá bom mìn, họ còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đơn vị quân đội.

Trong chiến dịch, lực lượng dân công đã có những đóng góp rất to lớn: “Hơn 261.653 dân công chủ yếu được huy động từ nhiều xã, huyện khác nhau trong các tỉnh ở Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4; tính trung bình mỗi dân công đã phục vụ 100 ngày công.

Một số dân công đã phục vụ suốt chiến dịch, kéo dài 6 - 7 tháng trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi mặt. Ngay tại hỏa tuyến, đồng bào Điện Biên cũng đưa 3.000 người đi dân công với 64.670 ngày công phục vụ. Hậu phương tại chỗ, khu Tây Bắc huy động 31.818 dân công.

Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chung của cả nước cũng cung cấp cho mặt trận 36.518 dân công. Trong vùng địch hậu tỉnh Kiến An đã đóng góp 230.294 ngày công. Trong vùng tạm chiếm của các tỉnh Bắc bộ, đồng bào đã chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và 7,5 triệu ngày công đi dân công” .

Thực hiện chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày, từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1954, Đảng đã lãnh đạo tiến hành 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất theo Luật Cải cách ruộng đất do Quốc hội khóa I thông qua.

Với việc làm đó đã động viên được các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, mới giải phóng và sau lưng địch. Cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến càng tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo thành khối đại đoàn kết, dồn sức người, sức của cho chiến dịch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thành công trong việc vận động nhiều địa chủ, tư sản dân tộc cùng con em, gia đình họ tham gia kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Lực lượng đảm bảo trật tự an ninh trực tiếp là công an đã thành lập “Ban Công an tiền phương” làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực.

Từng đơn vị tổ chức ra các ban bảo vệ dân công và phát động phong trào “phòng gian bảo mật”; giữ bí mật, phổ biến cách thức phòng chống do thám, điều tra của địch; quy định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch.

Phong trào phòng gian bảo mật được phát động rộng khắp trên toàn mặt trận, công tác chống gián điệp, bảo vệ nội bộ ta được triển khai một cách chủ động, vững chắc và đạt hiệu quả, nhờ đó địch hoàn toàn bất ngờ và bị động trước sự tiến công của ta…

Những sự kiện và con số nêu trên thật lớn đối với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ gian khổ. Nhưng ý nghĩa của nó còn lớn hơn, bởi đó là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước, là tinh thần cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc.

Ghi nhận kết quả này, tại hội nghị tổng kết chiến dịch, thay mặt cho toàn quân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: “…trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến.

Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu… quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.

(Kỳ III: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những bài học còn nguyên giá trị)

Trần Công Huyền

Báo Lao động Xã hội số 46

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/dien-bien-phu-chien-thang-cua-ban-linh-tri-tue-viet-nam-ky-ii-20240416142532136.htm