Điểm du lịch tâm linh mới của Phong Điền

Việc được công nhận di tích cấp tỉnh sẽ giúp bảo tồn di tích miếu Linh Quang. Quan trọng hơn là phát huy các giá trị, làm phong phú đời sống văn hóa, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Miếu Linh Quang tại xã Phong Hòa, Phong Điền

Giá trị quan trọng

Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, những người đồng hương đã đi theo chúa rất đông. Đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân sau này. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đổi tên hai huyện Kim Trà thành Hương Trà, Đan Điền thành Quảng Điền. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 thì làng Mỹ Xuyên có tên là Đạm Xuyên, thuộc tổng Phò Trạch, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong.

Với lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển, ngày nay làng Mỹ Xuyên còn bảo lưu nhiều dấu tích lịch sử văn hóa, cùng nhiều công trình kiến trúc cổ xưa. Đặc biệt, trong đó có miếu Linh Quang (miếu Bà Tám tay), xã Phong Hòa, Phong Điền, một trong những công trình tín ngưỡng của người Việt mang dấu ấn từ văn hóa Chăm Pa đã được Việt hóa và trở thành địa điểm tâm linh được dân làng Mỹ Xuyên tiếp tục thờ phụng.

Qua nội dung trên và khảo cứu các tư liệu ở làng Mỹ Xuyên cho thấy, người dân phát hiện pho tượng “Bà Tám tay” tại khu vực phế tích Cồn Két ở làng Mỹ Xuyên. Vì pho tượng trông giống như ngài Quán Thế Âm Bồ Tát hay Chuẩn Đề Bồ Tát trong đạo Phật có nhiều tay, nên dân làng gọi là “Phật Lồi”. Sau đó tổ chức rước tượng đưa về thờ tại chùa làng. Tuy nhiên, trên đường gánh pho tượng đến chùa thì giữa chừng bị đứt dây, dân làng tin rằng “Bà” muốn tọa ở đó nên lập đền thờ ở vị trí như hiện nay.

Trước đây miếu được dân làng xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường, kết cấu cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói liệt với quy mô khá lớn nên gọi là Linh Quang Từ. Trải qua thời gian do thiên tai và chiến tranh nên đã bị sụp đổ. Dấu tích còn lại của công trình “Linh Quang Từ” cho đến ngày nay là các hòn đá táng còn nằm rải rác xung quanh miếu. Năm 1973, do không đủ kinh phí để xây dựng đền theo lối kiến trúc cũ, nên dân làng xây lại miếu thờ bằng bê tông, cốt sắt, mái đúc bê tông như hiện nay.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, tượng Bà Tám tay có thể là nữ thần Laskimi trong văn hóa Chăm Pa. Bà là một trong ba vị thần nữ (Tridevi) bao gồm Saraswati, Lakshmi và Parvati. Những hình tượng tương đồng của nữ thần Lakshmi cũng được tìm thấy trong các di tích đạo Jaina và đạo Phật. Đây là vị nữ thần trong tín ngưỡng của người Chăm đã được Việt hóa với tên gọi dân gian “Bà Tám tay” hay “Chuẩn Đề Bồ Tát”. Cùng với Việt hóa tên gọi người dân làng Mỹ Xuyên đã cho đắp bên ngoài lớp vôi vữa, xi măng như hiện nay.

Tượng Bà Tám tay là bức tượng đẹp, làm phong phú thêm đề tài điêu khắc Chăm Pa ở Thừa Thiên Huế. Cùng với hệ thống các đền, miếu ở Huế nói chung và đền miếu thờ Mẫu nói riêng, miếu Bà Tám tay cho thấy sự tiếp biến văn hóa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm đã được Việt hóa thành Phật Chuẩn Đề hay Bà Tám tay. Pho tượng là một cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu về lịch sử văn hóa Chăm Pa.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền đánh giá, miếu Linh Quang là địa điểm di tích lưu dấu nhiều tầng văn hóa, qua các tầng văn hóa cho thấy quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật là pho tượng nữ thần Laskimi mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa đã được Việt hóa thành Bà Tám tay và được người Việt tiếp tục phụng thờ, điều đó cho thấy văn hóa Chăm Pa có một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, tượng Bà Tám tay là tác phẩm điêu khắc độc đáo, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện một trình độ kỹ thuật cao về nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm. Miếu Linh Quang còn có giá trị về mặt khảo cổ học. Việc khai quật khảo cổ nơi phát hiện pho tượng Bà Tám tay và di tích miếu Linh Quang sẽ góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ những giá trị văn hóa Chăm Pa đang còn tiềm ẩn ở vùng đất này.

Làm phong phú du lịch Phong Điền

Ngày nay, miếu Linh Quang còn lưu lại nội dung hai câu đối của danh nhân Đặng Huy Trứ, cùng với các di tích đã được công nhận xếp hạng, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,… di tích miếu Linh Quang được kỳ vọng sẽ làm phong phú thêm các loại hình di tích trên địa bàn huyện Phong Điền và trở thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Ngành văn hóa huyện Phong Điền cho hay, để phát huy giá trị, hằng năm sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng tại miếu Linh Quang, với ước nguyện “Quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”, “nhơn an, vật thạnh”. Thông qua các hoạt động góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, khơi dậy niềm tự hào quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Hồng Thắng cho hay, trong thời gian đến, huyện sẽ tổ chức công tác cắm mốc, dựng biển giới thiệu và biển chỉ dẫn đến di tích, thường xuyên vệ sinh phát quang, trồng cây xanh tại khuôn viên miếu Linh Quang nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu. Huyện cũng sẽ kết hợp với các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Phong Điền, đặc biệt là Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, Nhà thờ họ Lê Văn, làng mộc Mỹ Xuyên… xây dựng các tour tuyến tham quan, trở thành các điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Ngày 22/7 vừa qua, UBND huyện Phong Điền đã tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với miếu Linh Quang, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/diem-du-lich-tam-linh-moi-cua-phong-dien-131396.html