Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời của tinh thần tự học suốt đời

Để vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách trên chặng đường đấu tranh cách mạng, trí tuệ là vũ khí sắc bén, là sức mạnh tinh thần để Người đấu tranh không khoan nhượng trước kẻ thù, xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc và mở rộng vòng tay kết nối với bầu bạn quốc tế.

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh TTXVN

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh TTXVN

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày nhỏ là Nguyễn Sinh Cung) sớm chịu ảnh hưởng truyền thống yêu nước, hiếu học và vượt khó vươn lên của con người xứ Nghệ. Những bài học khai trí đầu tiên trong buổi thiếu thời có ảnh hưởng quyết định đến cả chặng đường dài tự học để hoạt động cách mạng sau này. Cách tự học của Người được khái quát như sau:

Trên đường vào Sài Gòn trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành dừng lại một thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (9-1910 đến 2-1911). Khi rảnh rỗi, anh ra Cồn Chà, trò chuyện với ngư dân tìm hiểu cách xác định phương hướng và luyện tập kĩ năng đi biển.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên mang tên Văn Ba rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ. Trên tàu anh học tiếng Pháp qua học việc, trao đổi với những người phục vụ và thủy thủ. Đến nước Pháp, trong lúc chờ việc, anh Ba học tiếng Pháp với cô Sen - người giúp việc của gia đình ông chủ. Những lần phục vụ tàu Pháp vòng quanh châu Phi (1912), qua các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, làm phục vụ khách sạn ở Mỹ (1912), Văn Ba đều học tiếng, tìm hiểu văn hóa các nước qua cách đó. Thời gian ở Anh (1913-1917), trải qua nhiều công việc nặng nhọc, nhưng anh luôn tận dụng thời gian cho việc tự học tiếng Anh.

Cuối năm 1917, Người từ Anh trở về Pháp giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra khốc liệt. Người đã tham gia vào phong trào công nhân Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp. Dự các cuộc mít tinh, trao đổi trong các câu lạc bộ của công nhân, Nguyễn Ái Quốc có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà hoạt động xã hội để trau dồi ngôn ngữ, nâng tầm hiểu biết chính trị. Anh tham gia các hội du lịch, hội nghệ thuật, nhờ đó có cơ hội đi nhiều nơi của nước Pháp và các nước châu Âu. Đó là cơ hội trải nghiệm để học tiếng và hiểu được những giá trị văn hóa của các quốc gia.

Thời gian ở Pháp từ 1917-1923, Nguyễn Ái Quốc luôn được cụ Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường giúp đỡ trong cuộc sống và công việc. Anh Nguyễn không ngừng học hỏi để nâng cao nhận thức chính trị, phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Tham gia Đảng Xã hội Pháp, anh Nguyễn tập viết tin bài cho Báo Nhân Đạo (L Humanite) và một số tờ báo khác.

Từ vài dòng ban đầu, anh cố gắng viết dài hơn rồi viết hoàn chỉnh cả khổ báo. Sau đó lại học cách rút gọn nội dung cho cô đọng, xúc tích. Mỗi khi được sửa, anh đối chiếu lại bài viết của mình để tìm cách khắc phục những hạn chế về ngôn ngữ. Dẫu chỉ là một mẩu tin ngắn trên báo, nhưng đó là kết quả tự học, tìm tòi nghiên cứu tư liệu rất công phu.

Sau này, tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) của Hội liên hiệp thuộc địa ra đời, Anh Nguyễn là chủ bút, vừa biên tập, in ấn và phát hành. Tờ báo có tiếng vang ở Pháp và ảnh hưởng lớn đối với phong trào đấu tranh các nước thuộc địa. Để nâng cao trình độ ngôn ngữ, Nguyễn Ái Quốc rất say mê đọc sách văn học. Tên Jean - mật thám Pháp, theo dõi lịch trình hàng ngày của anh Nguyễn như sau: “Sáng làm việc kiếm sống, chiều đến thư viện, tối đến các câu lạc bộ, đêm muộn về nhà”.

Tham dự các buổi mít tinh, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, anh Nguyễn luôn phát biểu thể hiện chính kiến của mình. Năm 1920, Đảng Xã hội Pháp bị phân hóa và tranh luận gay gắt về việc lựa chọn quốc tế II hay Quốc tế III, Nguyễn Ái Quốc chưa hiểu rõ về điều này nhưng thẳng thắn bày tỏ “tôi chỉ ủng hộ tổ chức nào bênh vực quyền lợi cho người dân thuộc địa”.

Tại Đại hội Tua (30/12/1920), Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III. Đây là sự thay đổi lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, anh trở thành người cộng sản An Nam đầu tiên trên nước Pháp.

Tháng 10-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Nông dân, Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7-1924). Tại đây, Người dành thời gian học tiếng Nga, nghiên cứu việc tổ chức đảng kiểu mới của Lênin. Cuối năm 1924, Người trở về Trung Quốc. Người đã thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, ra tờ báo “Thanh niên” (21/6/1925).

Cuốn “ Đường Kách mệnh” mà Người biên soạn là tài liệu huấn luyện cán bộ, tuyên truyền học thuyết Mác - Lênin, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Những tri thức khoa học về lý luận cách mạng, những kinh nghiệm thực tiễn mà Người tự học trong quá trình hoạt động ở nước ngoài là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc biên soạn Chính cương vắn tắt, Sách vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1931, Người bị chính quyền thực dân Anh bắt giam ở Hương Cảng. Uy tín chính trị, tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa và trình độ tiếng Anh đã giúp Người có cơ hội tiếp xúc với luật sư Lugiơbai và được ông bào chữa thoát khỏi nhà tù Anh quốc. Trình độ tiếng Trung và vốn hiểu biết về văn hóa Trung Hoa cũng đã giúp Hồ Chí Minh cảm hóa những cai ngục trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (8-1942 đến 9-1943) để cập nhật tình hình thế giới.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Người soạn thảo và trình bày trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã kết tinh giá trị tinh hoa, tinh thần bất hủ của bản Tuyên ngôn Đập của nước Mỹ (1776) và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1791). Ngày hôm sau (3/9/1945) chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Cả dân tộc khi đó đã dấy lên phong trào “bình dân học vụ” với tinh thần “đi học là yêu nước”, “học để giữ vững nền tự do và độc lập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của tinh thần tự học suốt đời. Người căn dặn: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Trên cương vị người đứng đầu đất nước, Bác luôn luôn tự học mọi lúc, mọi nơi. Bác thường mang theo mình những mẩu giấy và cây bút chì để ghi nhớ những điều quan trọng, cần thiết và ôn tập ngoại ngữ. Tiếp khách quốc tế, Bác luôn dùng ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa nước bạn trong ngoại giao.

Việc tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là đem lại tri thức, kinh nghiệm cho mình mà quan trọng hơn là tổng kết, lựa chọn những gì thiết thực nhất để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, truyên truyền giác ngộ nhân dân làm cách mạng. Từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, những lý luận căn cốt về đấu tranh, những yêu cầu về phẩm chất người cách mạng được Bác thể hiện trong cuốn sách “Đường Kách mệnh”. Những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người cán bộ cách mạng vẫn là mãi mãi. Người căn dặn: “Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong biết bao những di sản quý báu mà Người để lại có tấm gương ngời sáng của một tinh thần học tập suốt đời. Sự vĩ đại trong nhân cách và trí tuệ của một lãnh tụ cách mạng được toát lên từ sự giản dị, khiêm nhường. Vasiliepm một chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Hiếm có chính khách nào của thế kỉ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202405/chu-tich-ho-chi-minh-tam-guong-sang-ngoi-cua-tinh-than-tu-hoc-suot-doi-0401125/