'Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới': Chuyện tình thời chiến và lời hẹn ước

Chuyện tình của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh được con trai út của họ - doanh nhân Hoàng Nam Tiến tái hiện trong cuốn 'Thư cho em' vừa ra mắt ngày 13/4.

Tác giả kể lại câu chuyện tình của cha mẹ vượt qua hai thế kỷ, tràn đầy thương yêu và gắn liền với các mốc lịch sử của dân tộc'.

Mạch kể của “Thư cho em” đi theo dòng lịch sử giữ nước của dân tộc, từ “Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới” đến “Hương gây mùi nhớ”, rồi “Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ” và kết thúc bằng “Về đây bên nhau”, tương ứng các mốc thời gian từ khi vợ chồng Thiếu tướng nên duyên, đến tháng ngày phải xa cách vì chiến tranh, cuối cùng là cuộc sống tuổi già bên nhau.

Cuốn sách đưa người đọc lên chuyến du hành thời gian quay về những năm đạn lửa của thế kỷ 20, khi cả nước đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.

Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884... Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người.

Qua những lời nhắn gửi đến vợ, Thiếu tướng Hoàng Đan hiện lên là người nhiệt thành và lãng mạn trong tình yêu. Ông chủ động trong chuyện tình cảm với bà An Vinh. Khi nỗi tương tư lớn dần, cùng sự ủng hộ của người nhà, ông nhanh chóng viết thư cho gia đình để nói chuyện trọng đại.

Trước khi tham gia chiến dịch Thượng Lào, ông xin nghỉ phép về tổ chức lễ ăn hỏi dù chỉ được ở lại một đêm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đạp xe 1.300km về Nghệ An, đến Thái Nguyên, Lạng Sơn để tìm và hỏi cưới “cô Vinh”.

Khi bà nói muốn tập trung công tác mà tạm thời gác lại việc có con, ông hiểu và tôn trọng. Gần 2 tháng sau lễ ăn hỏi vào tháng 3/1953, họ trao nhau nụ hôn đầu tiên. 4 năm sau ngày cưới, hai người mới đón con trai đầu lòng.

Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh vì vậy không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

Lùi lại gần một thế kỷ, nhịp bước của tình yêu cũng chậm lại với những ngày xa cách đằng đẵng của đôi trẻ, thời buổi không có phương tiện liên lạc gì ngoài những bức thư, những lần gặp mặt trực tiếp ít ỏi… giữa những khoảng thời gian ấy là nhớ thương vời vợi.

Vì vậy, người đọc được dịp chậm lại cùng tác giả, đi qua những ngày nỗi nhớ gieo mầm, nảy nở, tình cảm của hai nhân vật được bồi đắp qua những dòng thư tay, theo năm tháng đầy những mong chờ và lãng mạn dịu êm.

Tình yêu của họ cũng được đặt phía sau tình đất nước. Cả một đời binh nghiệp, hơn 30 năm ông Hoàng Đan hầu như không ở nhà, ông dành toàn bộ tuổi trẻ và cuộc đời của mình cho sự nghiệp chiến đấu vì hòa bình.

Chưa một cái tết nào ông ở nhà, bà An Vinh trong suốt thời gian đó nén lại nỗi nhớ thương xa cách, kiên trì lao động, học tập và, nuôi con… Họ giống như lớp lớp người người thời đó đã hy sinh hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ chung lớn lao là giải phóng dân tộc.

Xuyên suốt cuộc tình 50 năm, tác giả qua những chi tiết rất nhỏ kể về cách tướng Hoàng Đan hết mực chiều vợ, động viên, lo lắng; cách bà An Vinh bao dung cho những đức tính rất đàn ông của chồng mình…

Độc giả sẽ cảm nhận được họ không chỉ là vợ chồng, là ba mẹ mà còn là đồng chí và những người bạn đời, vì tình yêu, vì gia đình, vì hiểu và trân trọng những điều tốt đẹp của nhau mà cả đời vun vén, nỗ lực chung sống với nhau.

Minh Vũ

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/di-dien-bien-phu-ve-ta-cuoi-chuyen-tinh-thoi-chien-va-loi-hen-uoc-20240412205101092.htm