Đến với bài thơ hay: Gieo niềm tin thiện lành

Kí ức tuổi thơ đối với mỗi người mỗi khác, có khi ngọt ngào, có khi dữ dội...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Duy

Đò Lèn

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực

giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần

cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Với nhà thơ Nguyễn Duy (tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ) đó là kí ức đan xen bao buồn vui thời thơ ấu. “Đò Lèn” là bài thơ về kỉ niệm với bà, về tình cảm với bà của nhà thơ.

Tác giả kể, chậm rãi theo kí ức lần về: “Thuở nhỏ…”. Lủi thủi đi câu cá cống Na, nũng nịu “níu váy bà” theo cho bằng được để đi chợ Bình Lâm, có khi nghịch ngợm bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật hay ăn trộm nhãn trong chùa. Nghịch ngợm là thế, ấy mà lại có lúc say sưa nghe hát văn, say sưa xem cô đồng nhảy múa ở những buổi lễ đền. Dường như mùi thơm của huệ trắng quyện khói trầm đã làm dịu đi cái lí lắc, tinh nghịch của thằng bé “tôi”. Để khi đứng trong đền, nghe hát văn, ngửi mùi nhang trầm, cậu bé ấy níu chặt tay bà, lòng thuần hậu.

Điệp từ “Thuở nhỏ” được lặp lại hai lần cùng với sự xuất hiện của những địa danh: Cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng càng làm sống động thêm nỗi nhớ. Mùi huệ trắng quyện khói trầm ở đền Sòng ngày ấy như vẫn còn vương vít trong tâm trí nhà thơ. Hai từ “thơm lắm” thể hiện sự thích thú, mê mẩn mùi hương đó ở chốn cửa thiền của cậu bé Nhuệ ngày ấy và cũng chính là sự nhớ thương của Nguyễn Duy bây giờ về những năm tháng tuổi thơ quấn quýt bên ngoại.

Nếu như hai khổ thơ đầu, nhà thơ hoàn toàn sống lại với kí ức tuổi thơ vô tư, hồn nhiên thì hai khổ thơ tiếp theo, ông trở về hiện thực để nhìn nhớ về quá khứ. Vẫn là những kí ức nhưng lúc này không phải là kỉ niệm “tôi” đi câu cá, bắt chim sẻ, ăn trộm nhãn chùa, xem hát chầu văn… mà là hình ảnh bà bao gian truân ùa về lấp đầy nỗi nhớ:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”.

Hiển hiện trong nỗi nhớ là dáng bà lom khom, cặm cụi nơi đồng Quan mò cua bắt tép; có khi lại tất tả đi gánh chè xanh. Bà vất vả, cơ cực đặng nuôi nấng thương yêu đứa cháu côi cút. Nhưng ngày đó “tôi” còn mải mê, hồn nhiên với trò chơi con trẻ mà “đâu biết” những nhọc nhằn vất vả của bà, đâu biết trên những con đường đêm Đông heo hút, bước chân bà “thập thững” những lo toan. Bởi vậy giờ đây nhà thơ thốt lên đầy tiếc nuối: “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”. Câu thơ cất lên như một tiếng thở dài. Thời gian không thể trở lại để cậu bé Nhuệ nhận thấy những cơ cực của bà mà san sẻ, đỡ đần.

Tuổi thơ, Nhuệ thiếu vắng tình thương yêu của mẹ. Bà ngoại là chỗ dựa, là niềm tin, bà là mẹ. Ta có thể hiểu tại sao nhà thơ lại nói: “Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực”. Hiện thực là bà tôi, là những đói nghèo với “củ dong riềng luộc sượng”. Hư ảo là tiên, Phật, thánh, thần. Bà nhận tất cả nhọc nhằn về mình để gieo vào cháu ngoại một niềm tin đầy đủ về cuộc sống, về một thế giới an yên với tiên, Phật, thánh, thần, với “bà tôi”, với mùi huệ trắng, hương trầm. Đó là niềm tin thiện lành trong cuộc đời với bao khấp khểnh, long đong.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nhưng rồi, cuộc sống chẳng còn được bình yên khi:

“Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”.

Người cháu không còn có thể “trong suốt giữa hai bờ hư – thực” nữa khi sự tàn khốc của chiến tranh bày ra trước mắt. Bom đạn đã phá bay tất cả: Nhà cửa, đền miếu, chùa chiền. Không còn gì hết. Thánh, Phật “rủ nhau đi đâu hết” cả. Thánh, Phật chẳng ở lại giữa khói lửa đạn bom để độ trì cho cuộc sống của thằng cháu mồ côi. Nhưng còn bà. Bom đạn có thể thổi bay nhà cửa, chùa chiền chứ không thể phá hủy tình thương yêu của bà dành cho cháu. Bà lại “đi bán trứng ở ga Lèn”, lại tất tả mưu sinh.

“Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”.

Khổ thơ thứ sáu cũng là khổ cuối cùng của dòng hồi ức. Người đọc có cảm giác như sự ngắt quãng đột ngột. Một quãng nghỉ khá dài để mạch thơ chuyển hướng. Lẽ nào, giữa quãng nghỉ đó chính là thổn thức của nhà thơ cho sự nhớ thương, niềm tiếc nuối? Nhà thơ đi lính, rời xa quê, rời xa ngoại. Đi bao lâu? Tác giả không nói đích xác, chỉ biết “lâu không về quê ngoại”. Nguyễn Duy chỉ nói vậy thôi mà trước mắt tôi là hình ảnh ngoại như hiện ra liêu xiêu, lặng lẽ như chiếc bóng trong gió chiều. Bà nhìn đâu cũng thấy bóng dáng thằng cháu của mình. Ngoại nhớ thương cháu và luôn mong ngóng cháu trở về.

“Lâu không về quê ngoại” nhưng rồi cuối cùng, thằng bé Nhuệ năm nào cũng đã trở về. Cảnh vật vẫn vậy, dòng sông vẫn bên lở thì đục, bên bồi thì trong nhưng sao lòng người se sắt. “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Câu thơ thoát ra như một tiếng thở dài đầy tiếc nuối, một lời tự trách từ đáy lòng. Bà đã đi về cõi thiên thu chẳng kịp chờ đón người cháu trở về khi đất nước bình yên sau bao năm liên miên khói lửa. Nhà thơ tự trách nhưng người đọc đồng cảm với niềm xót hận của ông. Giọt nước mắt lăn dài, lăn dài từ cảm xúc của nhà thơ xưa kia tới cảm xúc của người đọc hôm nay.

Trương Thị Thúy (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX Tuy Phước, Bình Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-gieo-niem-tin-thien-lanh-post666954.html