Đem niềm vui đến với người khó khăn

Vừa đóng gói các phần quà để chuẩn bị trao cho bà con khó khăn, đại đức Thích Trung Điền, Phó trưởng ban Từ thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Phóng Sanh, xã Lang Minh (H.Xuân Lộc) vừa cho hay, năm nay tình hình chung là khó khăn nên việc vận động hỗ trợ người nghèo của nhà chùa cũng gặp khó nhưng luôn cố gắng có quà giúp bà con nghèo, người khuyết tật.

Đại đức Thích Trung Điền trò chuyện cùng người lao động tại địa phương. Ảnh: S.Thao

Việc vận động hỗ trợ quà cho người dân khó khăn chỉ là một trong số những hoạt động an sinh xã hội được đại đức Thích Trung Điền tích cực thực hiện bên cạnh công tác phật sự. Ông cũng là người tạo ra nhiều mô hình từ thiện nhân đạo vừa hỗ trợ vật chất vừa đem lại niềm vui tinh thần cho người dân.

* Cùng ăn bữa cơm tình thân

Một trong những hoạt động được đại đức Thích Trung Điền duy trì hàng năm đó là tạo sân chơi cho trẻ em, tổ chức bữa ăn tập thể trong dịp lễ, Tết.

Theo đại đức Thích Trung Điền, nếu chỉ dừng lại ở việc tập hợp trẻ em, người lớn sau đó phát quà thì chương trình sẽ thiếu đi sự hấp dẫn. Hiện các sân chơi cùng lúc dành cho số lượng lớn trẻ em, phụ huynh còn ít ở một địa bàn nông thôn như Lang Minh. Từ đó, mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, trong quá trình tổ chức trao quà cho trẻ em, đại đức cố gắng xây dựng thêm nhiều hoạt động đi kèm và điều này may mắn được phật tử ủng hộ, trợ giúp.

Vậy nên, Tết Trung thu năm nào ở chùa Phóng Sanh cũng trở thành ngày hội ở nông thôn của không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh. Bởi trong ngày diễn ra chương trình, nhà chùa bố trí phục vụ ăn uống miễn phí theo hình thức tự phục vụ cho tất cả trẻ em và phụ huynh với số lượng lên đến gần 2 ngàn người. Bên cạnh đó, nhà chùa còn thuê đội lân - sư - rồng về biểu diễn hay phật tử và con em biểu diễn những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn…

Không chỉ Tết Trung thu mà bữa ăn tình thân còn được đại đức Thích Trung Điền duy trì đối với người khuyết tật. Mỗi năm, ông duy trì đều đặn 3 đợt trao quà trong thời điểm trước lễ Vu Lan, Phật đản, Tết Nguyên đán dành cho người nghèo, hộ khó khăn, người khuyết tật. Trong mỗi đợt trao quà tại chùa, một “đặc sản” không thể thiếu do đại đức Thích Trung Điền thực hiện đó là bữa ăn tình thân.

Theo bà Din Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Người mù H.Xuân Lộc, mỗi năm đại đức Thích Trung Điền đều dành một số lượng quà nhất định cho hội viên. Sự quan tâm này là niềm động viên đối với tổ chức hội và hội viên. Trong chương trình không chỉ có nhận quà mà trước khi bắt đầu, mọi người đều được mời tham gia bữa cơm cuối năm do nhà chùa thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thanh (ấp Tây Minh, xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) cho hay: “Con cùng các cháu của tôi luôn mong ngóng và muốn có mặt tại chương trình Trung thu hàng năm tại chùa Phóng Sanh. Đó thật sự là một ngày vui với bọn trẻ”.

“Thông qua cử chỉ nhỏ thôi nhưng ân cần, nhiệt tình này của đại đức Thích Trung Điền, hội viên cảm thấy thêm ấm lòng” - bà Ngọc Lan nói.

Về phần mình, đại đức Thích Trung Điền cho hay, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bến Tre. Chưa đến 10 tuổi ông có duyên với cửa chùa rồi sau đó lên TP.HCM học tập Phật pháp. Sau đó, ông về ngôi chùa ở Lang Minh, được nhiều phật tử ủng hộ. 12 năm từ khi chùa chính thức thành lập là bao nhiêu thời gian ông gắn bó với bà con. Nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được ông cố gắng giúp đỡ.

* Nhắc phật tử xây dựng lối sống tốt

Bên cạnh những hoạt động an sinh xã hội, đại đức Thích Trung Điền còn vận động tăng, ni, phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào do địa phương phát động.

Cách nhà sư vận động đi thẳng vào trong sinh hoạt hàng ngày nên được phật tử tiếp nhận. Trong những buổi sinh hoạt tôn giáo ông nhắc nhở phật tử chú ý từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống.

Đại đức Thích Trung Điền trao quà cho thiếu nhi tại địa phương. Ảnh: NVCC

Đại đức Thích Trung Điền cho hay, ông nhắc mọi người những việc nhỏ hàng ngày như: cha mẹ phải cho con em đến trường, trẻ em cố gắng học tập. Cha mẹ không khoán trắng việc giáo dục con cho thầy cô mà phải kèm cặp con em mình về kiến thức cũng như rèn đạo đức.

Riêng trong sinh hoạt hàng ngày phải chấp hành những quy định của pháp luật, trước tiên khi ngồi lên xe máy phải nhớ trên đầu phải đội mũ bảo hiểm; có rác phải tìm thùng rác để bỏ không thì đưa về nhà xử lý chứ đừng sạch sẽ cho mình mà làm bẩn nhà người khác hay ảnh hưởng đến nơi công cộng…

Đồng thời, đại đức Thích Trung Điền cũng vận động phật tử xây dựng nếp sống gia đình văn hóa gắn với xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan như: bói toán, đốt vàng mã. Ông còn tổ chức lễ chúc thọ cho người cao tuổi ở địa phương…

Điểm đáng lưu ý là thời gian qua, trong quá trình chính quyền địa phương, ban ấp thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, đại đức Thích Trung Điền đã góp tiếng nói vận động người dân là phật tử chủ động hưởng ứng, tham gia.

Đại đức Thích Trung Điền cho biết, ông nói với phật tử khi con đường bê tông được thực hiện thay cho con đường đất sình lầy dẫn vào nhà, dẫn vào ruộng rẫy thì người đầu tiên hưởng lợi là bà con và con em của mình. Vậy nên nếu tuyến đường mở rộng ra có lấn một chút vào phần đất thì bà con cố gắng tự tháo dỡ, hiến phần đất đó để con đường nhanh hoàn thành. Từ tác động, vận động của nhiều phía, bà con trong xã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn.

Riêng về việc tri ân thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, mỗi năm, nhà chùa đều tổ chức tặng quà cho từng trường hợp. Nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ, chùa đều tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Nhà chùa cũng vận động phật tử xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong khuôn viên chùa.

Ghi nhận những đóng góp của đại đức Thích Trung Điền đối với công tác an sinh xã hội, ông là một trong 5 chức sắc tôn giáo được UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên dương gương người tốt - việc tốt năm 2023. Đây cũng là lần thứ hai nhà sư nhận được vinh dự này (lần đầu vào năm 2018).

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/dem-niem-vui-den-voi-nguoi-kho-khan-1f048f4/