'Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam' - Số 5/2024: CẦN TÌM THÂN NHÂN VÀ ĐỒNG ĐỘI CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN QUANG SỐ, QUÊ NGHỆ AN

Hồ sơ CDEC Item Number F034605022578 là 'Chứng tích chiến tranh' của Nguyễn Quang Số (còn được biết đến với tên Thanh Chương), quê tại thôn Nha Giáp, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông từng là cán bộ đơn vị D3, B16, Đoàn 129 (có thể là Tiểu đoàn 3 Đặc công, Quân Giải phóng miền Nam?).

Hồ sơ là một cuốn sổ tay Nhật ký gần trăm trang. Cuốn sổ này chứa các mục nhập được ghi từ ngày 30/12/1967 đến ngày 7/10/1968. Trang đầu của cuốn sổ có ghị: Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng - Thôn Nha Giáp, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Các mục nhập này chứa thông tin về hành trình “đi Bê” và hoạt động của Nguyễn Quang Số tại miền Nam.

Xin được tóm tắt như sau: "Chúng tôi xuất phát từ miền Bắc vào ngày 31/10/1967, cùng với Đoàn 253 từ Hải Yến (có thể là tên một cơ sở Nghỉ dưỡng của bộ đội, trước khi đi Bê?), S9. Tôi làm Trợ lý tại Đơn vị 12 (có thể là Đại đội 12). Đoàn 253 gồm bốn Đại đội: 12, 13, 14 và 15. Các cán bộ của Tiểu đoàn là: Đoàn Tập - Chính trị viên Tiểu đoàn, Vũ Đình Lễ - Chỉ huy Tiểu đoàn (CO), và Đặng Ngọc Sanh - Phó chỉ huy Tiểu đoàn (XO). Các cán bộ của Đại đội 12 là: Nguyễn Thanh Lan - Đại đội trưởng, Nguyễn Hải Đăng - Đại đội phó, Bùi Huy Tứ - Chính trị viên, Phùng Văn Găng - Phó Chính trị Đại đội.

 Một số trang di vật trong Hồ sơ CDEC Item Number F034605022578, được phóng to từ microfilm, đang lưu trữ tại VNCA.

Một số trang di vật trong Hồ sơ CDEC Item Number F034605022578, được phóng to từ microfilm, đang lưu trữ tại VNCA.

Chúng tôi lên 8 xe tải và rời Chí Linh, Hải Dương, đi qua Hà Nội, và đến Hà Đông vào ngày 1/11/1967, và tới Ninh Bình vào ngày 2/11/1967. Các xe của chúng tôi không đi dọc theo Quốc lộ số 1 mà đi qua các con đường phía tây. Chúng tôi đến Thanh Hóa vào ngày 3/11/1967, tới Nghệ An vào ngày 4/11/1967. Chúng tôi di chuyển đến huyện Đô Lương theo Đường số 7, và tiếp tục di chuyển trên Đường 15A và đến huyện Nam Đàn (Nghệ An) vào ngày 6/11/1967. Chúng tôi đến huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 9/11/1967. Tại đây, chúng tôi thấy hai "Đoàn" khác cùng vào Nam. Chúng tôi đến Trạm 17, tỉnh Quảng Bình vào ngày 18/11/1967 và bắt đầu rời khỏi xe tải, để hành quân bộ.

Chúng tôi di chuyển bằng đường bộ, qua sông Gianh bằng thuyền và đến Trạm 1 ở Lào vào ngày 2/12/1967. Chúng tôi đến Trạm 10, Lào và biết rằng các trạm được thành lập tại Lào do Đoàn 59 điều hành. Từ Trạm 10, chúng tôi lại được di chuyển bằng xe tải và đến sông Nậm Bạc 6 ngày sau. Tại đây, chúng tôi dừng chân tại Trạm T36, Lào. Vào ngày 22/12/1967, đoàn của chúng tôi có 225 cán bộ chiến sĩ, được giao nhiệm vụ cụ thể. Vào ngày 23/12/1967, chúng tôi đến Trạm T37, Lào nằm gần một sân bay (không xác định). Chúng tôi vượt qua Trạm T38 và đến Trạm T80, Trạm cuối cùng ở Lào vào ngày 29/12/1967.

Chúng tôi đến tỉnh Kon Tum vào ngày 31/12/1967 và sau đó vượt qua các Trạm T1, T4, T10 và T11. Chúng tôi nhập vào V5, tỉnh Ban Mê Thuột vào ngày 1/1/1968 và đến K6 vào ngày 23/2/1968.

Ngày 18/5/1968, C8 được giao nhiệm vụ tham gia một cuộc tấn công vào thủ phủ tỉnh Tây Ninh. Đơn vị của tôi sau đó tham gia vào trận Trảng Lớn và những người bị thương trong trận đấu được sơ tán đến K71 và K77. Vào ngày 3/8/1968, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với "Công trường 9" (mật danh của Sư đoàn 9) chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.

Là Trợ lý của Tiểu đoàn, tôi được nhiệm vụ giao sang Campuchia (qua sông Vàm Cỏ Đông) để mua lương thực. Vào ngày 22/8/1968, đơn vị của tôi di chuyển đến V21. Từ ngày 25 đến 28/8/1968, C8 và C9 tiếp tục đi lấy gạo từ "Công trường 9". Đồng chí Lễ, Chỉ huy Tiểu đoàn đã hy sinh trong một nhiệm vụ trinh sát tại Trạm Thiên Ngôn. Vào ngày 26/9/1968, đơn vị của tôi và D2 bộ binh (có thể là Tiểu đoàn 2, Quân giải phóng miền Nam) tấn công Trạm Thiên Ngôn. Gần như tất cả cán bộ chiến sĩ của C7, D2 đã bị thương vong trong trận đánh. Trong số 42 cán bộ chiến sĩ của C7, D3, B16 tham gia vào cuộc tấn công vào Trạm Thiên Ngôn, có 25 người hy sinh và 12 người bị thương...”

Ngoài thông tin về hành trình đi Bê và tham gia một số trận đánh của Nguyễn Quang Số, cuốn sổ còn chứa các ghi chú mà ông viết cho vợ và con gái.

Theo báo cáo của CDEC, “Hồ sơ Chứng tích chiến tranh” nêu trên, đã bị thu giữ vào ngày 27/2/1969, trong một căn hầm, bởi đơn vị B/1/505, thuộc Sư đoàn Nhảy dù Quân đội Mỹ, tại tọa độ 48PXT675130 [10.97261°, 106.525°] tại tỉnh Bình Dương, CTZ III.

Còn theo thông tin mới nhất từ Nhà Sưu tầm và Nghiên cứu Lâm Hồng Tiên (Chủ nhiệm Diễn đàn “Kỷ Vật Kháng Chiến” trên MXH): Nguyễn Quang Số đã hy sinh trong trận chiến tại căn cứ Đồng Dù - Củ Chi, ngày 25/2/1969. Con gái của Liệt sĩ có tên là Nguyễn Hoa, hiện đang cư trú tại tỉnh Nghệ An. Ngoài những thông tin về liệt sĩ Nguyễn Quang Số, quyển sổ cũng chứa nhiều thông tin về các trường hợp hy sinh của một số cán bộ chiên sĩ cùng đơn vị, vì vậy cần phải nghiên cứu thêm để trợ giúp trong việc tìm kiếm hài cốt của họ.

Bằng cách đăng tải những thông tin độc quyền, do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University (viết tắt là VNCA) tại Hoa Kỳ, gửi cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, chúng tôi hi vọng đại diện thân nhân gia đình của Liệt sĩ Nguyễn Quang Số và đồng đội của ông; có thể đọc được thông tin này và đăng ký tham dự tiếp nhận “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”, do đại diện của VNCA trực tiếp trao tặng, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6/2024, tại Hà Nội. Mời liên hệ với Nhà văn Đặng Vương Hưng – Thường trực Ban Tổ chức sự kiện nêu trên; hoặc để lại lời nhắn dưới phần “bình luận”. Xin trân trọng cảm ơn!

Ghi chú thêm: Sự kiện nhân văn và ý nghĩa nêu trên, được tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa. Chúng tôi mong nhận được sự chung tay, góp sức, ủng hộ của các tập thể và cá nhân. Những thân nhân gia đình quá khó khăn muốn tham dự, nếu có đề nghị, BTC sẽ hỗ trợ tiền tàu xe đi lại… Chúng tôi cũng mong những ai quan tâm đến các hoạt động tri ân và đền ơn đáp nghĩa, hãy chia sẻ rộng rãi thông tin này!

Hà Nội, 12/5/2024

Trái Tim Người Lính

Trái Tim Người Lính

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ho-so-chung-tich-chien-tranh-viet-nam-so-52024-can-tim-than-nhan-va-dong-doi-cua-liet-si-nguyen-quang-so-que-nghe-an-a24783.html