ĐBQH NGUYỄN THANH CẦM: CẦN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, để triển khai thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững từ nay tới năm 2030, cần chú trọng tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ; huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững và đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội.

Việt Nam đã cụ thể hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Mục tiêu tổng quát là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Phóng viên: Thưa đại biểu, năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Chương trình này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện SDGs, mặc dù vậy, theo Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Tiến độ thực hiện các mục tiêu, ở phương diện toàn cầu, qua rà soát tiến độ thực hiện 17 chỉ tiêu và 140 mục tiêu cụ thể có số liệu cho thấy, chỉ có 12% là đang đúng tiến độ, 50% bị chậm tiến độ, không hiệu quả và 30% không có tiến triển, thậm trí bị thụt lùi so với năm 2015.

Với thực tế này trên thế giới hiện có 575 triệu người vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh nghèo cùng cực và chỉ khoảng một phần ba các quốc gia sẽ đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2030. Trong lĩnh vực giáo dục, do tác động của thiếu hụt đầu tư, đến năm 2030, khoảng 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường Thế giới sẽ phải mất 286 năm để thu hẹp khoảng cách giới trong bảo vệ pháp lý và loại bỏ các luật phân biệt đối xử. Các con số cho thấy thế giới đang gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc hoàn thành SDGs vào năm 2030.

Theo báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam đạt tiến bộ vượt bậc trong thực hiện SDG 1 khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống 4,3% trong giai đoạn 2016 – 2022; SDG 6 được cải thiện mạnh mẽ với hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 93,4% năm 2016 lên 98,3% năm 2022; SDG 9 với việc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa với vai trò quan trọng của xuất khẩu, tạo dựng môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; SDG 10 tạo việc làm, mở rộng lưới an sinh, hỗ trợ các nhóm yếu thế, nhất là dưới tác động của dịch COVID-19; SDG 16 với tỷ lệ người dân và tổ chức hài lòng với dịch vụ công tăng từ 80,9% lên 87,2% trong giai đoạn 2017 – 2021; là những chỉ tiêu đạt kết quả tốt.

Phóng viên: “Không ai bị bỏ lại phía sau” – Một quyết tâm lớn lao của các nước trong đó có Việt Nam để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, nhằm đảm bảo quyền và cơ hội thịnh vượng cho tất cả mọi người. Vậy, tại Việt Nam đâu là khó khăn, thức thách trong quá trình triển khai?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Chặng đường tới năm 2030, cũng như nhiều nước khác, còn nhiều gian lao, thử thách. Mặc dù tình hình KT - XH trong nước đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, 2023 nhưng tình hình quốc tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Tăng trưởng kinh tế trong nước đang phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển KH & CN còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Các thách thức này tiếp tục ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện SDGs của Việt Nam.

Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số (SDG 2); đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, tập trung vào tăng cường dịch vụ y tế cơ bản cho người dân (SDG 3); đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện (SDG 4); duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm, thúc đẩy việc làm bền vững, tăng năng suất lao động để cải thiện kết quả thực hiện (SDG 8); xử lý ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn (SDG 11); tăng tốc trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững (SDG12); và chỉ tiêu quan trọng khác.

Phóng viên: Để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững từ nay tới năm 2030. Theo đại biểu cần quan tâm thực hiện các giải pháp cụ thể như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Để thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững từ nay tới năm 2030, và để nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, không người dân nào bị bỏ lại phía sau; cần quan tâm, bổ sung 3 nhóm giải pháp để phát triển bền vững sau:

Một là, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội, chăm sóc con người.

Đồng thời, phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; Tăng cường, liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tạo ra công nghệ mới; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là trong ngành nông nghiệp, thủy sản;

Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV phát triển về quy mô, nâng cao trình độ quản lý, kết nối thị trường, đổi mới sáng tạo; tạo ra sân chơi bình đẳng ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước.

Hai là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững: Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính;

Chuyển trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ số lượng sang chất lượng. Ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước; các dự án theo định hướng xanh, có khả năng thúc đẩy tạo việc làm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là,đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa trợ giúp xã hội; đa dạng hóa dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp;

Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp tạo điều kiện cho mọi người, nhất nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. /.

Lê Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82909